Thứ Hai, 20/01/2025 21:46 (GMT +7)

Doanh nghiệp lợi gì từ 675 điều kiện kinh doanh được cắt giảm?

Thứ 2, 20/11/2017 | 15:28:00 [GMT +7] A  A

Việc Bộ Công Thương ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Với 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm sẽ góp phần tạo cơ chế thông thoáng, điều kiện kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như thể hiện rõ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Nghị quyết của Chính phủ trong thời gian qua.

Cùng với đó, động thái rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết của các bộ ngành khác cũng được dư luận và cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn như việc có thể tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh nữa hay không, sau khi cắt giảm thì doanh nghiệp được hưởng lợi gì.

Và các bộ ngành cần tiếp tục làm gì để không tái xuất hiện những điều kiện kinh doanh khác cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương.

Thưa ông, việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh được coi là một cuộc cải cách về môi trường kinh doanh chưa từng có trong ngành công thương. Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa tỏ tường, cho rằng việc cắt giảm này sẽ mang lại những lợi ích cụ thể như thế nào cho doanh nghiệp?

Cá nhân tôi rất bất ngờ khi biết thông tin Bộ Công Thương cắt giảm hơn 600 điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Ngay sau đó chúng tôi cũng đã nghiên cứu xem xét và thấy rằng, những điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm lần này khá rõ ràng, hiển nhiên không cần thiết và có thể bãi bỏ hoàn toàn.

Trên thực tế, những điều kiện được cắt giảm đã qua quá trình thảo luận rất lâu và xã hội đã mong muốn bãi bỏ nhưng lần này chính thức mới được bãi bỏ.

Việc cắt giảm này chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ tới cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian cũng như chi phí để tuân thủ những điều kiện này.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Với việc cắt giảm điều kiện kinh doanh trên sẽ tác động đến quản lý ngành và quản lý doanh nghiệp như thế nào, thưa ông ?

Đợt cắt giảm lần này mới chỉ dừng lại ở việc cắt giảm những điều kiện dễ, có thể cắt giảm ngay mà chưa cần thay đổi phương thức quản lý.

Chúng ta có thể hình dung là những điều kiện đầu tư, kinh doanh này là rất không cần thiết, nó đang gây ra rất nhiều bất cập và trở ngại cho doanh nghiệp.

Việc cắt giảm là quan trọng, có tác động không nhỏ với cộng đồng doanh nghiệp nhưng với các bộ ngành thì việc này sẽ chưa dẫn đến những xáo trộn trong phương thức quản lý.

Tuy nhiên, yêu cầu về cái cách về thủ tục hành chính thời gian tới sẽ là cao hơn hiện tại, chúng ta dần dần phải chuyển những điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết, thậm chí chuyển những điều kiện theo tư duy cũ mà phương thức quản lý truyền thống thì có thể cần thiết nhưng vẫn là những điều kiện gây ra những rào cản cũng như rủi ro cho doanh nghiệp.

Vì vậy, chúng ta phải tính đến chuyện cắt giảm lần tới là thay thế những điều kiện đó bằng những biện pháp phù hợp và ít tốn kém hơn cho doanh nghiệp nhưng vẫn đạt mục tiêu quản lý.

Song, để hoàn thành được mục tiêu đó thì chúng ta phải thay đổi cách thức, công cụ thậm chí cả về việc sắp xếp bộ máy, tính chất công việc…

Cho nên, với việc cắt giảm lần này từ phía Bộ Công Thương thì chúng ta vẫn có thể thấy là việc quản lý sẽ chưa có thay đổi gì nhiều.

Tiếp theo việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh này thì theo ông, phía cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì để động thái này có hiệu quả trong thực tế ?

Việc lo lắng của xã hội về việc cắt giảm sẽ chưa áp dụng ngay là có cơ sở, bởi quyết định công bố những điều kiện đầu tư, kinh doanh được bãi bỏ không có nghĩa là sẽ có hiệu lực ngay nên cộng đồng doanh nghiệp cũng chưa thể hưởng bất kể lợi ích nào từ quyết định này.

Để cho những quyết định này sớm trở thành hiện thực và đi vào cuộc sống thì phải có các hành động pháp lý. Các bộ ngành hiện nay cũng đang khá tích cực để xây dựng dự thảo nghị định bãi bỏ những điều khoản liên quan tương ứng với các điều kiện đầu tư, kinh doanh được công bố cắt giảm.

Việc một điều kiện kinh doanh liên quan đến nhiều bộ đang khiến cho công cuộc cải cách thủ tục hành chính gặp không ít vướng mắc. Để việc loại bỏ điều kiện kinh doanh không phù hợp sớm đi vào thực tế thì sự liên kết, phối hợp giữa các bộ cần có những hành động cụ thể nào, thưa ông?

Hành động thiết thực nhất hiện nay là các bộ, ngành phải ngồi lại với nhau và xác định đâu là bộ làm đầu mối chịu trách nhiệm trước chính phủ, với doanh nghiệp và người dân về những điều kiện kinh doanh.

Tư duy hoạt động kinh doanh hiện nay không thể phân mảnh theo sản phẩm, mà phải tư duy theo chuỗi kinh doanh. Vì vậy, việc rà soát đơn lẻ có thể sẽ không mang lại hiệu quả cao như mong muốn.

Thưa ông, việc xem xét cắt giảm những điều kiện kinh doanh gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp trong thời gian tới cần tiếp tục được các bộ, ngành rà soát như thế nào?

Điều đáng mừng là sau khi Bộ Công Thương tuyên bố cắt giảm hơn 600 điều kiện đầu tư, kinh doanh thì nhiều bộ, ngành khác cũng đã công bố kết quả rà soát và tiến hành các bước cắt giảm của mình.

Ví dụ như Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã công bố cắt giảm đến 46% các điều kiện đầu tư, kinh doanh. Bộ Xây dựng cũng đang tích cực chủ động trong việc này và đã gửi những kết quả ban đầu cho Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

Với các bộ, ngành khác mà chưa có động thái gì thì cũng phải tích cực trong việc rà soát và cắt giảm. Trong giai đoạn trước mắt thì chưa đặt ra yêu cầu quá cao, với thời gian ngắn nhất và với những nguồn lực hiện tại thì các bộ, ngành cố gắng tiến hành cắt giảm sớm những điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết mà rõ ràng những điều kiện này có thể bãi bỏ được ngay.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên lưu ý là quá trình rà soát không chỉ thực hiện một lần rồi sau đó dừng lại mà ngay sau khi kết thúc đợt rà soát này thì các bộ, ngành cần tiến hành rà soát ở cấp độ cao hơn.

Đó là rà soát trên nền tảng tư duy đổi mới về cách thức, phương thức quản lý của nhà nước mà ở đó chọn ra một công cụ rẻ nhất, ít rủi ro nhất, ít tốn kém nhất cho doanh nghiệp nhưng vẫn đáp ứng được mục tiêu quản lý nhà nước.

Một số ý kiến cho rằng, khi cắt giảm 1 giấy phép thì lại có thể có đến 10 giấy phép khác con khác sẽ lại mọc ra. Để tránh tình trạng này theo ông việc giám sát ban hành văn bản trong thời gian tới cần được xử lý ra sao ?

Đây là thực tế tồn tại rất nhiều năm qua bởi chúng ta đã có một đợt cắt giảm những điều kiện đầu tư, kinh doanh khá thành công giai đoạn 2000-2003, rất nhiều điều kiện đã được bãi bỏ trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, cho đến nay sự trỗi dậy của trở lại của những giấy phép con là thực tế đang xảy ra và điều này là rất đáng lo ngại.

Chính phủ đã nhìn rõ được vấn đề này nên đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo một nghị định với mong muốn kiểm soát việc ban hành mới hay ban hành lại những điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được cắt giảm lần này.

Nghị định này sẽ là công cụ bổ sung cho luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bởi nếu chỉ áp dụng luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì là chưa đủ để kiểm soát về các quy định về đầu tư, kinh doanh.

Hiện tại, những văn bản này quy định về kiểm soát chất lượng ở bình diện rất rộng, từ luật cho đến pháp lệnh, nghị định, từ các vấn đề kinh tế – xã hội cho đến an ninh, quốc phòng. Như vậy, đôi khi không phù hợp với đặc tính về quy định của một điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

Trần Trung (thực hiện)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu