Thứ Hai, 13/01/2025 01:44 (GMT +7)

Doanh nghiệp phải tính cách sống chung an toàn với dịch COVID-19

Thứ 5, 09/09/2021 | 09:21:00 [GMT +7] A  A

Theo các chuyên gia, ngoài những giải pháp của Chính phủ, các địa phương, đã đến lúc chính các doanh nghiệp phải tính đến câu chuyện tái thiết kế các phương thức kinh doanh, tìm kiếm khả năng kinh doanh mới, tái cơ cấu doanh nghiệp, tìm cách thức quản trị mới để sống chung, sống an toàn trong môi trường biến đổi do dịch bệnh.

Các đại biểu tham dự diễn đàn trực tuyến “Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 8/9.

Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến “Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 8/9, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.

Theo Phó chủ tịch VCCI, đáng lo hơn, đợt dịch này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước…

Theo ông Phòng, ngoài những giải pháp của Chính phủ, các địa phương, đã đến lúc chính các doanh nghiệp phải tính đến câu chuyện tái thiết kế các phương thức kinh doanh, tìm kiếm khả năng kinh doanh mới, tái cơ cấu doanh nghiệp, tìm cách thức quản trị mới để sống chung, sống an toàn trong môi trường biến đổi này.

Ông Phòng nhấn mạnh, tùy theo quy mô, mỗi doanh nghiệp sẽ có những mô hình phù hợp để giữ cho doanh nghiệp an toàn với COVD-19 song các mô hình đều phải tuân thủ nguyên tắc chủ động, từ lãnh đạo cao nhất đến toàn thể nhân viên cần nhận thức rõ và đồng lòng cùng tham gia phòng, chống dịch. Bởi lẽ nếu chỉ tập trung mục tiêu sản xuất, khi có dịch bệnh xảy ra, công ty sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn.

Để vượt qua thách thức hiện tại, đại diện VCCI cho rằng nhiều doanh nghiệp đã quan tâm chuyển đổi mô hình hoạt động, số hóa trong các khâu vận hành, quản lý, khai thác, giao nhận vận tải và tạo nên những làn sóng lan tỏa trên thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.

“Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường đều là những doanh nghiệp đã và đang trụ vững, phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng của dịch COVID-19”, Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Còn ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, đại dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường và tác động không chỉ trong thời gian ngắn, do vậy để thích ứng với tình hình này, các doanh nghiệp cần xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh mới bởi các quy trình, hệ thống, nguyên tắc trước đây có thể chỉ phù hợp trong bối cảnh cũ.

Cùng với đó, đại dịch COVID-19 đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp buộc phải đầu tư cho khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là áp dụng công nghệ 4.0 trong cả phương thức sản xuất lẫn phương thức giao dịch với khách hàng; duy trì kết nối với khách hàng song phải đảm bảo an toàn cho mình và cho khách hàng trong đại dịch.

Đặc biệt doanh nghiệp cần nghiên cứu, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời tăng cường sự chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.

“Cuối cùng là xây dựng chiến lược kinh doanh hậu COVID-19 để kịp thời nắm bắt những cơ hội khi nền kinh tế phục hồi, trong đó có việc tận dụng tốt các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký với các nước đối tác để khôi phục, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư”, ông Trịnh Minh Anh cho biết.

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty Cổ phần Viễn thông FPT cho biết, không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng cần “vaccine” để duy trì hoạt động trong đại dịch. Đại diện FPT cho hay, với mong muốn tăng cường “oxy”, tạo một “tấm khiên” chống đỡ trước những nguy cơ mà dịch bệnh đã tạo ra, FPT triển khai chương trình FPT eCovax với 3 tiêu chí: Hạn chế tối đa tương tác trực tiếp, đảm bảo hiệu suất làm việc và làm chủ tình thế, sẵn sàng đối mặt và ứng biến linh hoạt với các thay đổi trong bối cảnh thị trường.

Theo FPT, các gói giải pháp trong Chương trình FPT eCovax sẽ cung cấp “kháng thể số” cần thiết cho tất cả các doanh nghiệp, nhằm vận hành, kinh doanh liên tục, thông suốt. Đáng chú ý, “kháng thể số” này sẽ có tác dụng lâu dài đối với sức khoẻ doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động ngay cả khi đại dịch đã qua đi.

Góp ý kiến tại diễn đàn, nhiều đại diện doanh nghiệp cho rằng, để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của COVID, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vacine cho người lao động tại các doanh nghiệp là ưu tiên quan trọng nhất. Cùng với đó, cần đảm bảo thông suốt trong vận tải hàng hoá liên tỉnh và nội tỉnh, tránh gián đoạn việc vận chuyển hàng hóa cũng gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, doanh nghiệp kiến nghị cần đảm bảo sự thống nhất trong chính sách và quy định phòng chống dịch từ trung ương tới địa phương, nhanh chóng bãi bỏ các quy định do các địa phương ban hành trái với quy định của Trung ương và nâng cao hiệu quả triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp.

Thu Trang/Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-phai-tinh-cach-song-chung-an-toan-voi-dichcovid19-20210908172841974.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu