Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 17/01/2025 06:44 (GMT +7)
Doanh nghiệp tạm ngưng nhập khẩu lợn, sức mua trong nước tăng
Thứ 5, 04/05/2017 | 11:08:00 [GMT +7] A A
Ngày 3/5, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối trên địa bàn về tình hình thu mua, kích cầu tiêu thụ thịt lợn nội địa.
Theo đó, nhiều đơn vị sản xuất cho biết, trong những tháng gần đây đã tạm ngưng nhập khẩu thịt lợn phục vụ chế biến thực phẩm, đồng thời triển khai chương trình khuyến mãi để hỗ trợ tiêu thụ lợn nội địa.
Tạm ngưng nhập khẩu
Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, Công ty Vissan đã thống nhất với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và Sở Công Thương tỉnh Long An về giải pháp tạm ngưng nhập khẩu thịt lợn phục vụ chế biến thực phẩm để hỗ trợ tiêu thụ lợn tại tỉnh Long An.
Tuy nhiên, việc “giải cứu” lợn thịt cho người nông dân được Công ty Vissan thực hiện trên cơ sở ưu tiên sản phẩm chăn nuôi theo quy trình VietGap, Lifsap và có truy xuất nguồn gốc.
Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn tại Siêu thị Co.op mart Foodcosa (Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Đánh giá về khả năng thu mua, tạm trữ và cấp đông, ông Nguyễn Đăng Phú cho rằng, Công ty Vissan có thể tăng cường giết mổ khoảng 1.800 con lợn và sắp tới tăng giết mổ 300 con/ngày. Hiện tại, Công ty Vissan thu mua giá lợn loại 1 đạt tiêu chuẩn VietGap, Lifsap và có truy xuất nguồn gốc với giá 26.900 đồng/kg, cao hơn một số đơn vị thu mua khác. Còn lợn mỡ hoặc lợn quá lứa, không đạt các tiêu chuẩn VietGap, Lifsap và có truy xuất nguồn gốc khoảng 21.000 đồng/kg.Tương tự, đại diện Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre cho biết, để sản xuất, chế biến sản phẩm, doanh nghiệp sử dụng song song nguồn nguyên liệu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trước tình hình giá lợn trong nước lao dốc chạm đáy, doanh nghiệp đã tạm ngưng nhập khẩu để hỗ trợ thu mua sản phẩm lợn trong nước. Cụ thể, doanh nghiệp đã thu mua, tạm trữ từ 200 – 250 tấn sản phẩm thịt lợn. Đây là sản lượng tương đương với nguồn nguyên liệu sản xuất trong 3 tháng của doanh nghiệp.
Song song với việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ giải cứu ngành chăn nuôi lợn, các doanh nghiệp cũng kêu gọi nông dân chủ động phối hợp để đảm bảo quyền lợi của các bên. Bởi khi hỗ trợ nông dân thu mua lợn, doanh nghiệp chịu áp lực về gánh nặng chi phí đầu vào như chi phí cấp đông làm chi phí đầu vào lên 20% – 30%; chi phí kho lạnh tạm trữ… Bên cạnh đó, sản phẩm cấp đông khi đưa ra thị trường tiêu thụ đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu dán nhãn nên giá thành cao hơn thịt lợn tươi 4.000 đồng/kg.
Theo một số doanh nghiệp khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, do năng lực nhà máy sản xuất, kho dự trữ có hạn nên không thể thu mua tạm trữ như kỳ vọng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thị phần khiêm tốn nên chưa mạnh dạn thu mua sản lượng lớn.
Báo cáo từ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho thấy, giá lợn hơi hiện nay tại khu vực phía Nam dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg tùy loại, giảm từ 13.000 – 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2016 (khoảng 40%). Đặc biệt, các loại lợn hơi chăn nuôi không theo quy trình VietGap, Lifsap và có truy xuất nguồn gốc có giá giảm mạnh nhất.
Qua khảo sát thực tế của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tại một số tỉnh, thành Đông – Tây Nam bộ như Long An, Đồng Nai, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre… đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát nên chưa cập nhật đầy đủ thông tin thị trường, chủ yếu bán sản phẩm cho thương lái nhận tiền mặt, ngại liên kết. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu lợn thịt sang các nước lân cận gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây, người chăn nuôi không giảm đàn, thị trường nội địa tiêu thụ không hết, dẫn đến dư thừa về lượng.
Sức mua tăng 30%
Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, mà nhiều hệ thống phân phối lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng nỗ lực đưa mặt hàng thịt lợn vào các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng.
Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, trong một tháng qua, ngoài thực hiện giảm giá mặt hàng thịt lợn bình ổn thị trường, Saigon Co.op phối hợp với các nhà cung cấp triển khai hoạt động khuyến mãi liên tục cho nhiều sản phẩm thị lợn với mức bình quân từ 10% – 20%. Từ đó, sản lượng tiêu thụ thịt lợn tại Saigon Co.op tăng từ 20% – 30% so với thời điểm trước đó.
Theo ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc bộ phận Quan hệ công chúng Central Group và Big C Việt Nam, sau một tuần thực hiện chương trình giảm giá sâu mặt hàng thịt lợn từ 20% – 30% để hưởng ứng các giải pháp hỗ trợ người nông dân, sức tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Big C đã tăng hơn 30% so với thời điểm chưa có khuyến mãi. Mặt khác, hệ thống Big C đang chủ động liên tục cập nhật giá theo tình hình biến động của thị trường và linh hoạt điều chỉnh giảm giá tương ứng để hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn nội địa.
Nhằm chung tay hỗ trợ các cơ sơ sản xuất chăn nuôi và bà con nông dân tiêu thụ thịt lợn, hệ thống Lotte Mart tiến hành giảm giá bán, kích thích cầu tiêu dùng, tăng sản lượng tiêu thụ thịt lợn tại siêu thị. Trong đó, hệ thống Lotte Mart thực hiện giảm giá tất cả sản phẩm thịt lợn ở mức từ 10% – 20%, tùy sản phẩm.
Hiện tại, giá bán phổ biến một số sản phẩm thịt lợn tại các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như: thịt lợn đùi là 59.000 đồng/kg, thịt ba rọi 71.500 đồng, cốt lết 69.000 đồng/kg, thịt vai 58.000 đồng/kg, thịt lợn xay 70.000 đồng/kg, chân giò 55.000 đồng/kg…
Nhận định về công tác hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng thịt lợn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho hay, ngoài việc làm việc với các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp, hệ thống phân phối tại TP Hồ Chí Minh, Sở Công Thương Thành phố cũng xúc tiến gặp gỡ các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của nhiều tỉnh, thành như Long An, Đồng Nai… đẩy mạnh các giải pháp. Dự kiến, tổng sản lượng đưa vào hai chợ đầu mối nông sản thực phẩm của TP Hồ Chí Minh sẽ từ 9.000 – 10.000 con/ngày, tiêu thụ và giữ ổn định giá bán.
Về lâu dài, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã và đang thí điểm Đề án quản lý và truy suất nguồn gốc thịt lợn, định hướng hoạt động sản xuất, chăn nuôi phát triển theo chiều sâu, tập trung chất lượng, giảm dần hoạt động chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ. Đồng thời, qua đó xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả, liên thông trực tiếp người chăn nuôi với thương nhân, từng bước hình thành mô hình liên kết, giảm tối đa chênh lệch giá bán từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng.
Ý kiến ()