Thứ Bảy, 25/01/2025 06:19 (GMT +7)

Doanh nghiệp thực phẩm – đồ uống Việt đang dần mất chỗ đứng trên sân nhà

Thứ 5, 13/09/2018 | 11:12:00 [GMT +7] A  A
Đã đăng vào 13/09/2018 lúc 11:12

Theo ước tính của Bộ Công thương, ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam hàng năm luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, trước sức ép hội nhập và cạnh tranh, ngành thực phẩm – đồ uống thương hiệu Việt đang dần mất thị phần trên sân nhà.

Tiềm năng tăng trưởng

Thị trường thực phẩm – đồ uống tại Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn

Theo báo cáo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor, Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đến đầu tư vào ngành thực phẩm và đồ uống. Nguyên nhân Việt Nam có tỷ lệ dân số cao, trong đó hơn 50 triệu dân số dưới 30 tuổi, được xem là điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiêu thụ thực phẩm – đồ uống tiềm năng nhất khu vực tiểu vùng sông Mê kông.

Đặc biệt, Việt Nam còn là nước có truyền thống về nông nghiệp, đủ điều kiện để cung ứng các nguồn nguyên liệu thô cho hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm – đồ uống. Chính vì vậy, trong các cuộc triển lãm quốc tế về thực phẩm – đồ uống thường niên tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến tham gia, tìm hiểu cũng như tìm đối tác phân phối.

Thực tế cho thấy, nhiều thương hiệu đến từ nước ngoài trong lĩnh vực thực phẩm – đồ uống xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần cho thị trường thực phẩm – đồ uống tại Việt Nam thêm sôi động. Chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, có đến hơn 2.040 doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống và số lượng doanh nghiệp gia nhập ngành hàng này hàng năm khoảng 300 doanh nghiệp.

Thống kê 7 tháng năm 2018, doanh thu bán lẻ nhóm hàng lương thực, thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh ước đạt 66.744 tỷ đồng, tăng 13,7% so cùng kỳ và chiếm 17,46% doanh thu bán lẻ hàng hóa.

Đáng chú ý, có nhiều thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh thị trường trong nước, được người tiêu dùng ưa chuộng và biết đến, chủ yếu đến từ Thái, Nhật, Hàn Quốc… Chỉ tính sản phẩm thực phẩm mà các doanh nghiệp Nhật Bản xuất khẩu vào thị trường Việt Nam đã đạt kim ngạch trung bình 7,5 tỷ USD/năm. Hiện Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) đang tiếp tục hỗ trợ các hệ thống Ministop, Aeon, Family Mart đầu tư mở rộng hệ thống phân phối tại thị trường Việt Nam để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tại Việt Nam cũng như xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này.

Rào cản gia nhập thị trường

Chú thích ảnh

Các thương hiệu thực phẩm – đồ uống ngoại đang ngày càng mở rộng thị phần tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế TS.LS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, thành viên Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, mặc dù ngành chế biến thực phẩm tại Việt Nam rất tiềm năng nhưng các thương hiệu Việt trên sân nhà lại rất yếu.

Đáng lo ngại, những doanh nghiệp chế biến thực phẩm có thương hiệu lớn, vốn đang được xem là trụ cột thị trường, đang dần mất vào tay những doanh nghiệp ngoại. Cụ thể như các thương hiệu Việt nổi tiếng như Vissan, Công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Cầu tre, Kinh Đô, Bibica, ABC…

Ngoài ra, còn có nhiều sự đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài thông qua hình thức M&A hay tự thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể như Tập đoàn CJ Chelijedang (Hàn Quốc) đã chính thức mua lại cổ phần của Công ty Cầu Tre với tỷ lệ sở hữu lên tới 71,6%. Tập đoàn này cũng đang nắm giữ 64,9% vốn của Công ty TNHH thực phẩm Minh Đạt và 3,8% cổ phần tại Công ty Vissan.

Hay các doanh nghiệp của Thái Lan hợp tác chiến lược cùng Masan, đầu tư cổ phiếu Vinamilk; vụ Daesang Corp (Hàn Quốc) đầu tư trọn 100% cổ phần của CTCP thực phẩm Đức Việt; CTCP Á Mỹ Gia trao gửi toàn bộ 100% cổ phần của mình cho Earth Chemical (Nhật Bản); Fraser & Neave Ltd. (Singapore) mua 5,4% cổ phần của Vinamilk…

Có thể thấy trong 5 năm qua, mức độ cạnh tranh trong ngành thực phẩm – đồ uống tại Việt Nam chưa bao giờ lại khốc liệt như vậy. Sự cạnh tranh đến mức nhiều doanh nghiệp nội bị thôn tính và sáp nhập. Theo chuyên gia kinh tế TS.LS Bùi Quang Tín, nguyên nhân chính là do thói quen văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam không thay đổi kịp so với sự hội nhập.

“Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ lại chưa có khả năng chuyển đổi đủ để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như chi phối và trụ vững tại thị trường nội địa. Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm – đồ uống Việt phần lớn vừa có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn và kinh nghiệm quản trị; tư duy ngắn hạn, thiếu liên kết; nặng về mối quan hệ, dựa dẫm; xem nhẹ chữ tín; chậm thích ứng với tập quán kinh doanh quốc tế và các FTA; chưa tạo được thương hiệu về F&B mạnh; chưa phát triển được mô hình kinh doanh F&B theo chuỗi… Do đó, đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp ngoại lấn sân vào thị trường Việt Nam cạnh tranh thị phần”, TS.LS Tín nhận định.

Có thể thấy, những doanh nghiệp như Vinamilk, Masan, Sabeco hay Vinacafe hiện nay dù được coi là lớn ở thị trường trong nước nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với những tập đoàn đồ uống nổi tiếng trên thế giới như Heneiken, Nestle hay Coca – Cola… Nguyên nhân chỉ vì việc chậm thay đổi mẫu mã hàng hóa đã gây bất lợi, khiến các doanh nghiệp Việt giảm sức cạnh tranh.

Để biến cơ hội thành lợi thế cho tăng trưởng của doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển Tập đoàn PAN, cho rằng cùng với việc đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng xu hướng thị hiếu tiêu dùng, điều quan trọng hơn với các doanh nghiệp thực phẩm – đồ uống là phải gia tăng chất lượng sản phẩm ngay từ các khâu trong chuỗi sản xuất.

“Mỗi thành viên tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm từ nông dân, các nhà sản xuất, chế biến và phân phối cần cố gắng tạo ra những sản phẩm có chất lượng ổn định, an toàn, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, cần có sự hợp tác tốt giữa các thành viên trong chuỗi. Đây là hướng đi bền vững để nâng cao vị thế của thực phẩm Việt Nam”, ông Nguyễn Trung Anh chia sẻ.

Theo Hải Yên/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu