Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 13/01/2025 06:43 (GMT +7)
Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh kiến nghị thay đổi phương thức ‘3 tại chỗ’
Thứ 4, 11/08/2021 | 14:55:00 [GMT +7] A A
Những ngày này, các hiệp hội và doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục kiến nghị Chính phủ, TP Hồ Chí Minh xem xét thay đổi cách thực hiện “3 tại chỗ” linh hoạt hơn theo hướng phù hợp với thực tế và điều kiện cụ thể để doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất trong mùa dịch, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.
Sản lượng sụt giảm
Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, đa số doanh nghiệp cho biết Chính phủ cần có các quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà, có cam kết của doanh nghiệp với địa phương, người lao động với doanh nghiệp và di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp phải mất nhiều chi phí cho công tác xét nghiệm khi thực hiện phương án “3 tại chỗ”.
Theo bà Bùi Mai Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Vifon, để bố trí đúng theo phương án sản xuất “3 tại chỗ”, số lượng công nhân làm việc hiện giảm từ 1.300 xuống còn khoảng 500, kéo theo sản lượng sụt giảm rất nhiều. Ngoài cung ứng cho thị trường trong nước, Vifon cũng xuất khẩu rất nhiều, nếu không đáp ứng được các đơn hàng theo hợp đồng đã ký sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí mất thị trường.
“Nếu cứ kéo dài “3 tại chỗ” như thế này, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng hàng hóa. Chúng tôi mong muốn các cấp xem xét lại có cần thực hiện tiếp phương án này nữa không hoặc tìm một phương án khác để giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất 100%, đáp ứng nhu cầu khan hiếm hàng hóa của Thành phố cũng như của các tỉnh lân cận”, bà Bùi Mai Phương nói.
Tương tự, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, riêng về mặt hàng mì ăn liền, thành phố có 2 đơn vị lớn là Acecook và Vifon với sản lượng tổng cộng trên 4 tỉ gói/năm. Do đó, nếu 2 nhà máy này có vấn đề thì sản lượng mì ăn liền của cả nước sẽ bị “đứt gãy” theo.
“Lúc trước, các doanh nghiệp chỉ xác định sản xuất “3 tại chỗ” trong điều kiện khoảng 1 tháng. Nếu kéo dài phương án này, các doanh nghiệp sẽ không làm nổi. Người lao động sẽ bức bách, sinh hoạt khó khăn… nên tôi kiến nghị Thành phố nên nghiên cứu không nên tiếp tục phương án này mà để cho các nhà máy tự chủ, quản lý theo bộ quy tắc với các tiêu chí an toàn để không để xảy ra dịch bệnh”, bà Lý Kim Chi nói.
Các doanh nghiệp mong muốn áp dụng linh hoạt phương án “3 tại chỗ”.
Là doanh nghiệp cung ứng lương thực thực phẩm lớn của thành phố, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan cho biết, doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn khi thực hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, đặc biệt là khiến doanh nghiệp tăng chí phí và thời gian cho việc xét nghiệm định kỳ. Chưa kể hiện nay, các F1 sau khi đã hoàn thành cách ly 14 ngày có địa phương xác nhận, có địa phương cho rằng không quan trọng nên không có giấy xác nhận cho người lao động. Vì vậy, doanh nghiệp cũng không có cơ sở để gọi họ vào làm việc trở lại.
Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, đơn vị kiến nghị sau khi hoàn thành cách ly 14 ngày tại địa phương công ty sẽ mời công nhân quay lại làm việc và chịu trách nhiệm quản lý. Ngoài ra, để người lao động an tâm làm việc, công ty kiến nghị được ưu tiên tiêm vaccine cho 100% người lao động để doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường.
Còn theo đại diện Công ty CP Saigon Food, quy định “3 tại chỗ” tại các nơi không đồng bộ, gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của doanh nghiệp và tăng cho phí cho doanh nghiệp. Cụ thể, chi phí “3 tại chỗ” rất lớn, đặc biệt là chi phí xét nghiệm COVID-19 cứ 5 ngày/lần đối với nhân sự làm việc “3 tại chỗ” cũng khiến doanh nghiệp mệt mỏi, đuối sức. Trong khi đó, những khoản tiền này không nằm trong chi phí chung của công ty, nay muốn đưa vào chi phí cũng không được bởi sẽ khiến chi phí đội lên, kéo theo giá thành sản phẩm tăng lên. Trong bối cảnh này, dù rất khó khăn nhưng doanh nghiệp cũng không tăng giá, nếu tăng giá thì không khách hàng, người tiêu dùng nào chấp nhận.
Thay đổi linh hoạt tùy theo doanh nghiệp
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, hiện nay doanh nghiệp còn hoạt động đang phản ánh sản xuất gặp khó khăn do phải giảm 50-60% số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, nguồn cung nguyên phụ liệu đứt gãy, phát sinh nhiều chi phí để thiết lập các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, xét nghiệm cho người lao động. Chưa kể, các quy định chống dịch được thực hiện thiếu đồng loạt tại các địa phương đang gây khó cho doanh nghiệp, trong đó có ngành dệt may.
Theo ông Vũ Đức Giang, phương án “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường 2 điểm đến” chỉ có thể là giải pháp tình thế trong ngắn hạn. Thực tế, có một số doanh nghiệp phát hiện có F0 phải đóng cửa và rất lúng túng trong cách xử lý và đến ngày 5/8, một số tỉnh yêu cầu doanh nghiệp đóng cửa ngay cả khi chưa có ca F0.
“Vì vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có hướng dẫn theo từng kịch bản cụ thể để các doanh nghiệp và địa phương cùng thống nhất phối hợp thực hiện, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động”, ông Vũ Đức Giang nói.
Công nhân cần được đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để duy trì sản xuất cho doanh nghiệp trong mùa dịch.
Trước những khó khăn của phương án “3 tại chỗ”, đại diện Saigon Food kiến nghị ngừng thực hiện “3 tại chỗ” để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại. Doanh nghiệp cam kết với Thành phố về việc xem xét, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân viên trong trường hợp được chấp nhận hoạt động bình thường trở lại, như xét nghiệm COVID-19, bố trí khu lưu trú thích hợp, khuyến khích công nhân khai báo hành trình, khuyến khích lập tổ đi chợ hộ…
“Vaccine là vũ khí quan trọng nhất để doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại. Hiện chỉ 50% công nhân của DN được tiêm vaccine từ đợt trước và chưa được bố trí thêm trong đợt tiêm thứ 6 của thành phố. Do vậy, chúng tôi kiến nghị thành phố sớm bố trí cho công nhân được tiêm vaccine đầy đủ”, đại diện Saigon Food cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, hiện nay có nhiều vấn đề phát sinh sau hơn 3 tuần TP Hồ Chí Minh thực hiện “ba tại chỗ” trong doanh nghiệp sản xuất. Cụ thể, bao gồm khó khăn về việc bảo đảm môi trường ăn, ngủ, sinh hoạt, làm việc lẫn ổn định tâm lý của người lao động trong doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong Khu công nghiệp – Khu chế xuất (KCX-KCN) dự báo sẽ xảy ra tình huống tiêu cực nếu kéo dài tình trạng này quá lâu.
Vì vậy, ông Chu Tiến Dũng kiến nghị, giải pháp trước mắt là bảo đảm được sản xuất – kinh doanh trong bối cảnh hiện tại là phải từng bước đi đến nới lỏng điều kiện “3 tại chỗ” và điều kiện tiên quyết để làm được việc đó, phải có vaccine và tiến hành tiêm vaccine cho 100% doanh nghiệp sản xuất đang thực hiện “3 tại chỗ” trong thời gian nhanh nhất.
Theo thống kê của các KCX – KCN tại TP Hồ Chí Minh, đa số người lao động đã tiêm mũi 1 vaccine, bị nhiễm bệnh đều nhanh phục hồi và ít xảy ra diễn biến nặng. Các khu này đã tiêm mũi 1 cho 86% người lao động, tuy nhiên sắp tới cần sớm triển khai tiêm vét mũi 1 và tiêm tiếp mũi 2 cho công nhân.
Ngoài ra, quan điểm của HUBA là phải thực hiện 5K, 7K và tiêm phủ vaccine cho công nhân trong các doanh nghiệp. Chỉ khi nào các doanh nghiệp được phủ vaccine thì thành phố mới có thể mạnh dạn nới lỏng điều kiện “3 tại chỗ”, chấp nhận sống chung với dịch bệnh. Dĩ nhiên, trong chính sách tiêm chủng lẫn hỗ trợ doanh nghiệp luôn cần sự nhất quán, bình đẳng giữa các doanh nghiệp bên trong lẫn bên ngoài KCX-KCN.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/doanh-nghiep-tp-ho-chi-minh-kien-nghi-thay-doi-phuong-thuc-3-tai-cho-20210811102008386.htm
Ý kiến ()