Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 28/01/2025 02:28 (GMT +7)
Doanh nghiệp trông đợi môi trường kinh doanh ít rủi ro và chi phí thấp
Thứ 7, 13/10/2018 | 10:13:00 [GMT +7] A A
Với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm động lực sản xuất, kinh doanh.
Những năm gần đây, Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà đã liên tục đầu tư mở rộng hệ thống sản xuất, phân phối, kinh doanh. Nếu trước đây, công ty chỉ tập trung vào sản xuất các sản phẩm bồn chứa nước thì hiện nay đã đầu tư nhà máy quy mô lớn ở cả 3 miền, hướng tới định vị thương hiệu là nhà sản xuất hàng gia dụng chất lượng cao, cạnh tranh tốt với hàng ngoại và tăng xuất khẩu.
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà đồng thời là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đánh giá, hiện nay, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN đầu tư vào các lĩnh vực được ưu tiên: công nghệ cao, nông nghiệp… Tùy vào từng trường hợp, DN sẽ được ưu tiên hỗ trợ liên quan đến thủ tục pháp lý, mặt bằng sản xuất, tiếp cận công nghệ, đào tạo nhân lực, bảo lãnh tín dụng, tiếp nhận vốn từ các quỹ đầu tư, xúc tiến thương mại, kết nối đối tác, thuế thu nhập DN…
Sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao được hỗ trợ về vốn, đất đai. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN
“Các chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ đã và đang được tạo môi trường phát triển thuận lợi, mạnh mẽ hơn cho cộng đồng DN. Sự hỗ trợ này giúp DN có thêm niềm tin để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh”, ông Lê Vĩnh Sơn khẳng định.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, các DN xuất khẩu gạo cũng rất phấn khởi vì từ 1/10/2018, khi Nghị định 107/2018/NÐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực, các điều kiện kinh doanh sẽ được điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa hơn trước rất nhiều.
Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Long An (tỉnh Long An) cho biết, nhiều quy định về giấy phép, thủ tục hành chính với DN xuất khẩu gạo sẽ được cởi trói. Đặc biệt, DN không còn bị ràng buộc về điều kiện kho chứa hay cánh đồng lớn như trước đây. Tất cả các DN nếu không đầu tư về kho chứa, có thể thuê hoặc liên doanh cũng được cấp phép xuất khẩu… phù hợp với việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong tình hình hiện nay.
Theo đánh giá của cộng đồng DN, chính sách thuế, tín dụng, đất đai hướng ưu tiên vào các ngành công nghiệp mũi nhọn, ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất và công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao… đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, sự quyết liệt của Chính phủ đã tạo ra nhiều chuyển biến rõ rệt ở các bộ ngành và địa phương. Theo đó, bộ máy công quyền đã triển khai công việc hỗ trợ DN với tinh thần phục vụ, môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, ông Tô Hoài Nam cũng cho rằng, Chính phủ vẫn cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Bởi, DNNVV hiện còn yếu về vốn, năng lực quản trị, quy mô nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu nên dễ bị tổn thương, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản.
Cộng đồng DN cũng cho rằng, mặc dù Chính phủ đã rất quyết liệt cải cách môi trường kinh doanh nhưng vẫn còn tình trạng một số bộ ngành vẫn chậm cải cách, thậm chí cố tình cài cắm điều kiện kinh doanh bất hợp lý.
Bà Nguyễn Sang, Giám đốc chuỗi cà phê Mr Việt (Công ty SenseAsia), cho biết một vấn đề mà rất nhiều DN trong lĩnh vực chế biến thực phẩm gặp phải chính là hồ sơ công bố chất lượng vệ sinh thực phẩm.
Từ 1/10/2018, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo được “cởi trói”. Ảnh: TTXVN/phát
Bà Sang dẫn chứng: Sở Y tế địa phương liên tục thay đổi quy định khiến DN “chóng mặt”. Ban đầu yêu cầu DN phải công bố chất lượng sản phẩm trên bao bì, sau đó lại nói không cần in, chỉ cần cam kết chịu trách nhiệm và gửi thông tin về Sở. Mỗi lần thay đổi như vậy phải làm lại hồ sơ rất phức tạp, nộp rồi sửa rất mất thời gian.
Theo bà Sang, đây là vấn đề mà gần như nhà cung cấp thực phẩm nào cũng gặp phải, bị “hành” nhiều nhất. Có khi thủ tục xuất khẩu còn không gặp vướng mắc như khi bán hàng trong nước.
Do đó, để DNNVV, nhất là DN tư nhân lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường hơn nữa, theo ông Tô Hoài Nam cần hoàn thiện hơn nữa chính sách đất đai; chính sách tài chính, tín dụng; chính sách lao động – tiền lương; chính sách hỗ trợ về đào tạo, khoa học và công nghệ; chính sách hỗ trợ về thông tin, xúc tiến thương mại.
Ông Nam cho rằng, phải tiếp tục rà soát và xóa bỏ những văn bản có quy định đi ngược lại yêu cầu cải cách của Chính phủ như: Những quy định hạn chế quyền kinh doanh của DN; những quy định làm tăng chi phí đầu vào của DN (như chi phí về điện, viễn thông, cước phí vận chuyển, cước phí kho bãi… đang quá cao).
“Đồng thời, khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, không đúng chức năng, kéo dài của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, gây phiền hà cho DN; khắc phục tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự đang gây lo lắng cho doanh nghiệp. Thể chế kinh tế phải bảo đảm thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường, đảm bảo phát triển công bằng lành mạnh giữa các loại hình DN”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, doanh nghiệp cần môi trường kinh doanh ít rủi ro và chi phí thấp. Để xây dựng được đội ngũ doanh nhân xứng tầm, cần cấp bách là phải cải cách môi trường kinh doanh. Cải cách thể chế cần tập trung vào 2 điểm: Thứ nhất là phải cải cách, thay đổi, thiết lập cho được thị trường các nhân tố sản xuất như: Thị trường về quyền sử dụng đất, thị trường vốn, thị trường khoa học công nghệ, thị trường lao động… để các thị trường này đóng vai trò chủ yếu, thay thế sự can thiệp hành chính và phân bố theo lối hành chính chủ quan “xin-cho”.
Vấn đề thứ hai, không kém phần quan trọng là phải đảm bảo được an toàn trong hoạt động đầu tư kinh doanh của DN để môi trường kinh doanh ít rủi ro và chi phí thấp. Muốn có được điều này thì không phải chỉ thay đổi luật lệ, mà phải thay đổi được thái độ và cách thức làm việc của các công chức, cơ quan công quyền. Để các công chức thực thi không được và không dám tùy ý, tùy tiện trong việc giải thích, áp dụng và thực thi luật lệ, luật pháp.
Ý kiến ()