Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 13/01/2025 16:48 (GMT +7)
Doanh nghiệp trong khu giãn cách nỗ lực duy trì sản xuất
Thứ 5, 03/06/2021 | 15:19:00 [GMT +7] A A
Các doanh nghiệp ở 2 khu vực của TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đang phải tìm cách xoay xở để có thể duy trì sản xuất xuyên suốt thời gian khó khăn này.
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu May Phương Nam (quận Gò Vấp)
. Ảnh tư liệu: Thanh Vũ/TTXVN
TP Hồ Chí Minh đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 (Chỉ thị 15), riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Quận 12) áp dụng theo Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 (Chỉ thị 16), tính từ 0 giờ ngày 31/5. Đây được xem là giải pháp cần thiết nhằm khoanh vùng và cắt đứt các chuỗi lây nhiễm COVID-19 đang diễn biến phức tạp trong cộng đồng. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp thành phố, đặc biệt là các doanh nghiệp ở 2 khu vực thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đang phải tìm cách xoay xở để có thể duy trì sản xuất xuyên suốt thời gian giãn cách xã hội.
Ông Lê Hồng Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến gỗ Đức Thành, quận Gò Vấp cho biết, theo nội dung của Chỉ thị 16, các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu vẫn được hoạt động. Tuy nhiên ngay từ sáng 31/5, công nhân, người lao động sinh sống ở các quận khác không đến được nơi làm việc ở Gò Vấp vì có nhiều chốt chặn tại các tuyến đường cửa ngõ đi vào Gò Vấp.
“Vấn đề là việc kiểm soát của các chốt chặn không đồng nhất, có nơi không cho công nhân lao động vào, có nơi cho vào và yêu cầu khai báo y tế kèm thông báo buổi chiều sẽ không được ra khỏi địa bàn khiến người lao động hoang mang. Khi nhận được thông tin từ nhân viên, lãnh đạo doanh nghiệp đã phải đích thân gọi điện cho lãnh đạo quận để hỏi thông tin và nhờ hướng dẫn thực hiện”, ông Lê Hồng Thắng thông tin thêm.
Ông Phan Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH may Bình Hòa cho biết, công ty có nhà máy đặt tại quận Gò Vấp, đa số công nhân cư trú gần nhà máy, chỉ có hơn chục công nhân sống ở các quận khác. Để lao động có thể thuận tiện đến nơi làm việc doanh nghiệp đã chủ động liên hệ địa phương đăng ký thẻ ra, vào xuất trình tại các chốt kiểm soát. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp sản xuất trong khu vực là việc vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa ra vào nhà máy.
Theo ông Phan Thanh Tuấn, mặc dù trong Chỉ thị 16 nêu rõ, trong thời gian giãn cách xã hội, các doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh sản phẩm thiết yếu vẫn được hoạt động nếu đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ những phương tiện vận chuyển thực phẩm, hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông qua các chốt kiểm soát còn nguyên liệu, hàng hóa khác thì bị chặn lại. Mà không vận chuyển được nguyên liệu và hàng hóa thì doanh nghiệp khó duy trì được hoạt động sản xuất.
“Ba ngày qua, việc vận chuyển nguyên liệu, mẫu sản phẩm vào nhà máy và hàng hóa từ nhà máy đi tiêu thụ của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Xe chở hàng đến chốt kiểm soát, tài xế xuất trình địa chỉ hay khai báo y tế vẫn không qua được. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải giao nhận hàng tại chốt kiểm soát, mà khoảng cách từ các chốt ở của ngõ quận Gò Vấp đến nhà máy khá xa. Sau đó, phải thuê xe ba gác để vận chuyển nguyên liệu từ chốt kiểm soát vào nhà máy và chở sản phẩm từ nhà máy ra chốt để giao hàng. Mặc dù tốn nhiều thời gian, chi phí vận chuyển và phải cắt cử thêm người phụ trách cho việc giao nhận hàng nhưng doanh nghiệp vẫn gồng mình để duy trì sản xuất, giữ việc làm cho lao động”, ông Phan Thanh Tuấn nói.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp cho biết, từ khi quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (Quận 12) áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều nhân viên giao hàng và cả khách hàng có tâm lý e ngại khi làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, nhiều tài xế từ chối vận chuyển hàng, trong khi khách hàng ở các quận khác cũng giảm đơn hàng hoặc dời thời gian nhận hàng. Do đó, dự báo doanh thu của các doanh nghiệp trong vùng giãn cách sẽ sụt giảm đáng kể.
Ông Phạm Lưu Đức, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Sơn Hoàng Gia, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Quận 12 cho biết, những ngày qua, Hội đã đã nhận được phản ánh của một số doanh nghiệp về tình trạng nhân viên tự ý bỏ việc gây ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp có nhà máy tại phường Thạnh Lộc còn bối rối hơn vì không biết có được phép mở cửa hoạt động hay không. Một số công ty thiếu nhân công nên chủ động đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, chờ hướng dẫn của chính quyền. Các doanh nghiệp khác vẫn cố gắng duy trì hoạt động nhưng đơn hàng giảm sút và việc giao nhận hàng hóa cũng khó khăn.
“Với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thường xuyên, nếu dừng sản xuất sẽ mất khách hàng ngay. Chính vì vậy, dù khó khăn, các doanh nghiệp vẫn cố gắng để duy trì hoạt động nhằm giữ các khách hàng quan trọng. Đồng thời cũng nỗ lực thực hiện các hướng dẫn phòng chống dịch như chia ca sản xuất, giữ khoảng cách giữa các lao động, đặc biệt ở khu vực sinh hoạt chung, nhà ăn để giảm thiểu rủi ro vì ý thức rõ chỉ cần có một ca bệnh là phải tạm dừng để xử lý”, ông Đức thông tin thêm.
Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tại Gò Vấp và một phần Quận 12 đã nảy sinh một số bất cập. Cụ thể, các doanh nghiệp có nhà máy, kho hàng ở Gò Vấp không phải là hàng thiết yếu gặp khó khăn trong việc ra vào lấy hàng. Việc giãn cách xã hội được áp dụng khá đột ngột, trong khi phần lớn doanh nghiệp chỉ dự trữ nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong thời gian ngắn. Do đó, nếu tình hình diễn tiến theo hướng xấu hơn và kéo dài thì việc giữ cho các chuỗi sản xuất, cung ứng không đứt gãy trở nên rất khó khăn.
Các doanh nghiệp bày tỏ hoàn toàn ủng hộ áp dụng giãn cách xã hội, phục vụ phòng chống dịch. Tuy nhiên, việc kiểm soát của các chốt chặn ở cửa ngõ ra vào thiếu thống nhất khiến doanh nghiệp và người dân lúng túng. Vì vậy, chính quyền thành phố cần có hướng dẫn cụ thể và quán triệt đến các lực lượng thực thi để thực hiện nhất quán. Song song đó, các doanh nghiệp đề nghị lực lượng chức năng cần có giải pháp điều tiết hoạt động giao thông phù hợp với thực tế, đảm bảo thực hiện được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh nhưng cũng tạo điều kiện để những doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa.
https://baotintuc.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/doanh-nghiep-trong-khu-gian-cach-no-luc-duy-tri-san-xuat-20210603133134688.htm
Ý kiến ()