Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 19/01/2025 19:42 (GMT +7)
Doanh nghiệp vẫn băn khoăn về nội dung sửa đổi 5 luật thuế
Thứ 5, 14/09/2017 | 15:53:00 [GMT +7] A A
Sáng 14/9 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức “Hội thảo góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế” với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế và đại diện nhiều doanh nghiệp (DN).
Tác động đến doanh nghiệp, người dân
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, việc sửa đổi các luật thuế liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau như bất động sản, ô tô, ngân hàng… với 30 chính sách thuế sửa đổi, sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp (DN) cũng như người dân, do đó VCCI cùng Bộ Tài chính thực hiện lấy ý kiến của các chuyên gia, cũng như DN về vấn đề này.
Đại diện Bộ Tài chính, ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho biết, tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo ra nhiều cơ hội, cũng như không ít khó khăn, thách thức.
Hệ thống chính sách thuế ban hành thời gian qua cơ bản đã đạt mục tiêu, yêu cầu ban hành, tuy nhiên cần thiết phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, nhằm hoàn thiện chính sách thuế, cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước; phù hợp thông lệ quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho DN như: Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên…
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, đối tượng sửa đổi lần này là những đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng như: Phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ; thay đổi thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng và ngành nghề; chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng.
Cùng với đó là điều chỉnh, bổ sung về Luật thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng nước ngọt; thay đổi giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô có tỷ lệ nội địa hóa cao; thay đổi mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô bán tải…
Đặc biệt, có sự sửa đổi bổ sung về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; thu thuế đối với nhà thầu nước ngoài; chính sách về thu nhập được miễn thuế; miễn thuế thu nhập cá nhân cho một số đối tượng đặc biệt, giảm thuế thu nhập cá nhân đối với nhân lực công nghệ cao.
Đồng thời, điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên với 4 nhóm vấn đề như sửa đổi nội dung về thuế tài nguyên với nước sản xuất thủy điện, tài nguyên xuất khẩu…
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. |
Cần làm rõ nhiều nội dung
Góp ý tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt ra câu hỏi, đưa ra chính sách tăng thuế VAT, Bộ Tài chính đã có nghiên cứu, điều tra đánh giá tác động của việc sửa đổi thuế như thế nào?. Vì đến nay chưa biết việc điều chỉnh này sẽ tăng thu ngân sách là bao nhiêu, trong khi đây là mục tiêu chính và việc tăng thu như vậy có bền vững không hay vẫn điều chỉnh liên tục.
Cùng với đó, bà Lan nhấn mạnh, việc tăng thuế VAT cần phải đánh giá kỹ tác động đối với DN và người dân, việc này phải do một đơn vị khách quan thực hiện. Đặc biệt, việc điều chỉnh cần tính đến việc phù hợp với chính sách phát triển các ngành đang ưu tiên phát triển như nông nghiệp… nếu không sẽ dẫn đến “đá” nhau trong chính sách.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế – Deloitte Việt Nam băn khoăn về việc bỏ quy định chuyển quyền sử dụng đất từ đối tượng không chịu thuế chuyển sang chịu thuế GTGT với mức thuế suất thông thường 10%.
“Việc xác định đối tượng chịu thuế hay không nên căn cứ trên bản chất của hàng hóa dịch vụ và đạo lý của thuế GTGT hơn là chỉ vì những khó khăn về thủ tục áp dụng. Tôi cho rằng, phân loại và xác định quyền sử dụng đất là đối tượng không chịu thuế như hiện hành là phù hợp với bản chất của thuế GTGT, đảm bảo tính thống nhất pháp luật. Do đó, Bộ Tài chính nên cân nhắc loại bỏ đề xuất sửa đổi loại trừ chuyển quyền sử dụng đất khỏi đối tượng không chịu thuế GTGT”, ông Tuấn đề xuất.
Đại diện cho DN, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho rằng, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng nước ngọt thì giá sản phẩm sẽ tăng khoảng 12%, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm.
“Bộ Tài Chính cần trả lời câu hỏi dự án luật này sẽ tác động như thế nào với nền kinh tế, ngành công nghiệp nước giải khát và người tiêu dùng và nhà nước sẽ thu được bao nhiêu? Cùng đó cần có cơ sở chứng minh khoa học nước ngọt là nguyên nhân gây tiểu đường và béo phì không và nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt thì có giảm được tỷ lệ béo phì, tiếu đường hay không?”, ông Vỵ đặt ra câu hỏi.
Ông Vỵ cũng đề xuất, trong trường hợp cần áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, thì nên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với tất cả các hàng hóa thực phẩm ở một mức thuế thấp, ví dụ từ 1 – 3% hoặc chỉ áp dụng với những sản phẩm nước ngọt có hàm lượng đường cao.
Đại diện Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo cho rằng, giá tính thuế tài nguyên hiện nay đang có mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Thuế tài nguyên và các Nghị định hướng dẫn, vì vậy Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể nguyên tắc xác định giá tính thuế tài nguyên.
Tại hội thảo, nhiều DN cũng kiến nghị, đối với một số mặt hàng, Bộ Tài chính cần phối hợp với các đơn vị liên quan như: Bộ Y Tế, Nông nghiệp… để đưa ra những chính sách phù hợp nhất, tránh đánh nhầm thuế với một số mặt hàng.
Ý kiến ()