Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 17:50 (GMT +7)
Doanh nghiệp Việt mở rộng mạng lưới ‘phủ sóng’ hàng dịp Tết Nguyên đán
Thứ 2, 15/01/2018 | 09:59:00 [GMT +7] A A
Thị phần ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay còn nhiều khoảng trống, trong khi doanh nghiệp ngoại không ngừng đổ bộ thì các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng đang nỗ lực lên kế hoạch “phủ sóng” mạng lưới phân phối trong dịp Tết Nguyên đán này.
Phục vụ hàng Tết an toàn
Trước sự lớn mạnh của doanh nghiệp ngoại trên thị trường bán lẻ hiện nay, đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải nỗ lực hơn nữa để cạnh tranh hiệu quả. Theo các chuyên gia kinh tế, dịp Tết Nguyên đán là mùa mua sắm cao điểm, đây cũng là cơ hội vàng để các doanh nghiệp Việt mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa Tết an toàn tới tận tay người tiêu dùng.
Đơn vị có hệ thống phân phối hàng Tết nhiều nhất hiện nay là Saigon Co.op, hiện đơn vị này cũng có chủ trương mở rộng mạng lưới bán lẻ trên toàn quốc, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2018. Tính đến thời điểm này, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã vượt con số hơn 500 điểm bán trên cả nước, gồm 94 siêu thị Co.opmart, 2 đại siêu thị Co.opXtra, 3 trung tâm thương mại Sense City, hơn 200 cửa hàng thực phẩm Co.op Food, gần 80 của hàng Co.op Smile, hơn 170 cửa hàng Co.op, cửa hàng Bến Thành, chợ ẩm thực hiện đại Sense Market… Ngoài ra, đơn vị còn có kênh bán hàng qua truyền hình HTVCo.op.
Chia sẻ về tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ trong thời gian tới, ông Nguyễn Tấn Thanh, Giám đốc Truyền thông của Saigon Co.op, cho biết Saigon Co.op đang duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 8 – 10 siêu thị mới hình thành trong một năm, khoảng 15 – 20 Co.op Food, 30 – 50 Coop Smile. Từ nay đến cuối năm, Saigon Co.op tập trung thực hiện nhằm phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo và giá hợp lý, đặc biệt là hàng Việt, hàng bình ổn giá đến tận tay người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Theo đó, từ nay đến cuối năm, Saigon Co.op sẽ tiếp tục khai trương thêm 4 – 5 siêu thị Co.opmart và Co.opXtra, khoảng 10 cửa hàng thực phẩm Co.op Food tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để tăng độ phủ và tính kết nối cho hàng bình ổn giá, hàng Tết đối với người tiêu dùng trên cả nước.
Được xem là một trong những nhà bán lẻ nội địa lớn ở thị trường TP Hồ Chí Minh, Tổng công ty thương mại Sài Gòn – TNHH một thành viên (Satra) cũng không ngừng nỗ lực phát triển hệ thống phân phối hàng hóa. Đại diện Satra cho biết, tính đến nay đơn vị này đưa vào hoạt động 1 trung tâm thương mại Centre Mall (Bình Chánh), hai siêu thị ở quận 10 và quận 1 cùng 143 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra (Satrafoods).
Nói về kế hoạch phát triển thị trường trong dịp Tết này, ông Phan Bá Minh Sĩ, phòng Thị trường Satra, khẳng định mục tiêu của đơn vị là phủ sóng hệ thống phân phối tới tận nhà người dân. Vì vậy, đơn vị không chỉ tập trung phát triển hệ thống bán lẻ ở nội thành mà còn chủ động xây dựng mạng lưới bán lẻ ở các quận, huyện vùng ven. Trong đó, quận Gò Vấp có 10 cửa hàng Satrafoods, quận Thủ Đức có 7 cửa hàng, quận 9 cũng 7 cửa hàng, huyện Củ Chi có 8 cửa hàng, huyện Hóc Môn có 6 cửa hàng… Tính tổng số, đơn vị có gần 70% số lượng cửa hàng phát triển mới đều nằm ở các quận, huyện ngoại thành.
“Bắt tay” để cùng phát triển
Đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ sau Saigon Co.op và Satra, song Tập đoàn VinGroup cũng khá mạnh tay khi phát triển thị trường bán lẻ trên cả nước. Hiện nay, tập đoàn này đang chiếm ưu thế trên thị trường với một lượng lớn cửa hàng tiện lợi có tên gọi là VinMart, VinMar .
Một trong những điểm khác biệt nổi trội của VinMart so với hệ thống khác đó là nơi đây không chỉ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng và thực phẩm ăn nhanh thông thường như các mô hình cửa hàng tiện ích khác, mà còn phục vụ mặt hàng tươi sống, rau củ quả Đà Lạt và đặc biệt là độc quyền kinh doanh rau sạch thương hiệu VinEco.
Dự kiến trong năm 2018, VinMart sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới với mục tiêu 3.000 cửa hàng trên toàn quốc nhằm tiếp tục đáp ứng một cách đầy đủ, tiện lợi và nhanh chóng các nhu cầu mua sắm và dịch vụ hàng ngày của khách hàng theo theo xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Trước sự tăng trưởng của thị trường bán lẻ trong nước, Bộ Công thương dự báo, giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ Việt Nam đạt gần 12%/năm. Đến năm 2020, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD, trong đó bán lẻ hiện đại chiếm trên 45%, thay vì 25% như hiện nay. Ngoài ra, theo quy hoạch phát triển, năm 2020 cả nước có khoảng 1.200 – 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cho biết sự phát triển của doanh nghiệp ngoại vào thị trường bán lẻ không quá lo ngại vì thị phần bán lẻ Việt Nam còn nhiều khoảng trống. Quan trọng nhất là các doanh nghiệp bán lẻ nội địa biết tận dụng các khoảng trống này để không ngừng mở rộng hơn nữa mạng lưới.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt cũng đang có nhiều kế hoạch phát triển thị trường bán lẻ thông qua hệ thống thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi. Ví dụ như Saigon Co.op, Vinmart, SatraMart, FiviMart… đang ngày càng mở rộng các cửa hàng tiện lợi từ thành thị đến tận nông thôn, vùng sâu vùng xa. Kết quả hiện cả nước có khoảng 800 siêu thị, 150 trung tâm thương mại và rất nhiều cửa hàng tiện ích.
“Mới đây Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cũng đã có kiến nghị Chính phủ thành lập một tập đoàn bán lẻ trên cơ sở “bắt tay” của 4 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của Việt Nam (doanh thu đến 4 – 5 tỷ USD/năm) để cùng nhau phát triển. Đó là các doanh nghiệp như: Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op), Tập đoàn Phú Thái (PhuThai Group), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)”, bà Loan cho biết thêm.
Nguyễn Hoàng/Báo Tin tức
Ý kiến ()