Thứ Năm, 09/01/2025 09:03 (GMT +7)

Doanh nghiệp vùng ĐBSCL chuẩn bị tâm thế để bứt phá trong năm 2022

Thứ 7, 01/01/2022 | 09:40:00 [GMT +7] A  A
VOV.VN – Việc nhanh chóng thích ứng sẽ tạo tâm thế quan trọng để doanh nghiệp vùng ĐBSCL phục hồi trong năm 2022 với những thế mạnh về xuất khẩu của vùng.

Ngày 31/12, tại Cần Thơ, trường Đại học Nam Cần Thơ tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vùng ĐBSCL trong điều kiện sau đại dịch COVID-19”. Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp khu vực ĐBSCL.

Diễn giả chia sẻ những khó khăn, giải pháp phục hồi của doanh nghiệp

Tại hội thảo, các diễn giả đã nêu ra những khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp vùng ĐBSCL khi đại dịch bùng phát mạnh, nhiều chuỗi cung ứng, ngành hàng bị đứt gãy, mọi lĩnh vực sản xuất đều bị ngưng trệ trong những tháng thực hiện giãn cách, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng, xuất khẩu của doanh nghiệp vùng ĐBSCL; thực trạng tình hình doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; giải pháp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vùng ĐBSCL trong điều kiện sau dịch COVID-19, đề xuất những chính sách nhằm ổn định đời sống nhân dân và phục hồi phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế – Xã hội TP Cần Thơ, là trung tâm của vùng ĐBSCL vì vậy Cần Thơ cần tận dụng tối đa nguồn lực để thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI và phối hợp chặt chẽ với Trung ương và các địa phương trong vùng để hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối liên vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng phục hồi phát triển kinh tế sau dịch COVID-19 của vùng ĐBSCL hay Cần Thơ là quan tâm đến thể chế, cũng như khả năng hấp thụ các chính sách, hỗ trợ của Trung ương đến các doanh nghiệp, người dân.

“Nhiều doanh nghiệp quan tâm đến cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ những nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh. Nếu như các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ tiếp cận tín dụng có thể có giới hạn ngân sách thì những giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhìn chung dễ thực hiện hơn và vốn đã được thúc đẩy trong những năm qua trong khu vực ĐBSCL thông qua các chỉ số về cải thiện môi trường cạnh tranh chúng ta thấy rất là rõ về điều này”, ông Tùng phân tích.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho biết, năm 2021 là một năm nhiều khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Từ tháng 7 đến tháng 10, thời điểm doanh nghiệp phải phòng, chống dịch vô cùng chật vật, cộng thêm những khó khăn về xuất khẩu. Từ khi có Nghị quyết 128 của Chính phủ, việc triển khai tiêm vaccine đã giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, duy trì sản xuất, có những doanh nghiệp, người lao động quay trở lại 100%. Với việc kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh và bao phủ vaccine với tỷ lệ cao sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, bắt nhịp với xu thế phục hồi những tháng cuối năm và dự báo sẽ tiếp tục phục hồi nhanh chóng, bứt phá trong năm 2022.

“Các doanh nghiệp, các trung tâm thương mại đã sẵn sàng cho tâm thế phục hồi mạnh mẽ, đã có được những kinh nghiệm và sẽ khôi phục phát triển kinh tế trong năm 2022”, ông Sơn khẳng định.

Các doanh nghiệp đã chuẩn bị tâm thế để bứt phá, phục hồi năm 2022

Nếu như trong những tháng thực hiện giãn cách đã tác động đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu, những lĩnh vực thế mạnh của vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng. Thì bước vào tháng 10 và tháng 11 bắt đầu khởi sắc về xuất khẩu của doanh nghiệp vùng ĐBSCL. Báo cáo của VCCI chi nhánh Cần Thơ trong tháng 11, số doanh nghiệp vùng ĐBSCL gia nhập thị trường hơn 1.000, đây là những tín hiệu trên đà phục hồi sau dịch của doanh nghiệp vùng ĐBSCL.

Các doanh nghiệp vùng ĐBSCL đã thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại gần 100%, số lượng công nhân quay trở lại làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp tăng cao, có nhiều công ty số lượng công nhân làm việc 100%. Việc nhanh chóng thích ứng sẽ tạo tâm thế quan trọng để doanh nghiệp phục hồi trong năm 2022 với những thế mạnh về xuất khẩu của vùng. Mặc dù đã có những tín hiệu lạc quan trong phục hồi của doanh nghiệp vùng ĐBSCL nhưng vẫn tiềm ẩn những khó khăn phía trước, các doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn tín dụng, chính sách giảm thuế để doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19 và xúc tiến thương mại để bứt phá phục hồi nhanh chóng./.

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu