Thứ Sáu, 27/12/2024 04:04 (GMT +7)

Độc đáo bánh tét “bán nguyệt” làng Đại An Khê

Thứ 5, 12/01/2017 | 10:20:00 [GMT +7] A  A

Độc đáo bánh tét “bán nguyệt” làng Đại An Khê

Từ lâu, mỗi độ tết đến xuân về, bánh tét “bán nguyệt” đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của người dân xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Đặc biệt, đối với những người con xa quê, hình ảnh chiếc bánh tét “bán nguyệt” lại khiến họ bồi hồi, xao xuyến nhớ gia đình và quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của mình.Lát bánh gồng gánh tình quê…

Về Đại An Khê trong những ngày giáp Tết nguyên đán, từ xa mùi bánh thơm lừng lan tỏa trên khắp con đường. Là nghề truyền thống được cha ông truyền lại từ bao đời, bánh tét “bán nguyệt” nơi đây khác hẳn với bánh chưng, bánh tét ở những miền quê khác trên đất nước Việt Nam. Bánh tét “bán nguyệt” hay còn gọi là bánh tét mặt trăng có hình thức độc đáo, bắt mắt. Lát bánh được cắt ra khi dọn lên đĩa có hình thức rất đẹp, phần nếp nấu chín có màu xanh của lá, ở giữa phần nhân được làm bằng đậu xanh có hình mặt trăng. Nhìn tổng thể lát bánh nhìn giống như một vầng trăng treo trên cao giữa bầu trời xanh trên lũy tre làng êm đềm, hồn hậu.

Bà Nguyễn Thị Thuận (80 tuổi), làng Đại An Khê, xã Hải Thượng cho biết: Điểm khác biệt của chiếc bánh chính là màu sắc, hình thù chiếc bánh. Để làm ra được một chiếc bánh đẹp phải chọn lá ngót tươi, giã lấy nước. Nước lá rau ngót có vai trò rất quan trọng trong quá trình làm bánh bởi nước lá sau khi được vắt ra phải trộn ngay với nếp mới giữ được màu đẹp. Bánh sau khi nấu chín sẽ có màu xanh tự nhiên, khi ăn sẽ không thấy ngán hay béo của nhân mà có mùi thơm nhẹ nhàng, khoan khoái, kích thích vị giác. Bánh tét “bán nguyệt” ngày xưa không có thịt, phần nhân được làm bằng đậu xanh nấu nhuyễn trộn với tiêu, hành, dầu ăn. Để gói được thành hình mặt trăng đòi hỏi người gói phải chắc tay, vừa cột vừa nén để lớp vỏ bọc không bị bung ra, sau đó ép chặt 2 cái bánh lại với nhau để luộc. Chiếc bánh sau khi nấu chín cắt thành lát dọn lên đĩa bày trên mâm cỗ nhìn rất hài hòa đẹp mắt tượng trưng cho sự sung túc, no đủ và bình yên…

Bánh tét “bán nguyệt” có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người Đại An Khê. Từ xa xưa trong bất cứ ngày giỗ, chạp của gia đình, dòng họ hay của làng đều bắt buộc có đĩa bánh đặt trên bàn thờ tổ tiên. đĩa bánh gửi gắm tâm tư, tình cảm, khát vọng cũng như mong muốn của người dân dâng lên ông bà, tổ tiên phù hộ cho gia đình, dòng họ, làng mạc luôn được bình yên, hạnh phúc. Chiếc bánh tét “bán nguyệt” cũng thể hiện cho tình yêu, hạnh phúc gia đình, với hình ảnh 2 chiếc bánh được buộc chặt vào nhau trải qua quá trình nấu nhiều giờ liền được ví von như một đôi vợ chồng được gắn chặt với nhau cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ của cuộc đời để đến bến bờ hạnh phúc, bình yên.

Bà Lê Thị Diễm (81 tuổi), làng Đại An Khê, xã Hải Thượng kể: Bánh tét “bán nguyệt” có mặt từ thời xa xưa do cha ông truyền lại. 16 tuổi, bà đã làm bánh thành thạo, bởi đây là kĩ năng cơ bản của người con gái trước khi lập gia đình. Sau khi lập gia đình, ngày lễ, ngày Tết, bánh “bán nguyệt” là món không thể thiếu trong mâm cỗ để dâng lên ông bà. Tục từ xưa truyền lại đến nay đã lâu nhưng những người già vẫn cố gắng giữ gìn để truyền lại cho con cháu phát huy về sau.

Cần thương hiệu để phát triển nghề truyền thồng.

Ngày xưa bánh tét “bán nguyệt” được nấu chủ yếu trong những dịp lễ, tết thì nay bánh được làm để bán quanh năm. Không những có mặt trên khắp các thị trường trong tỉnh, bánh còn xuất hiện ở các tỉnh thành lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế… thậm chí được đưa ra nước ngoài cho bà con Việt kiều. Những ngày giáp Tết, những nồi nấu bánh của hơn 10 hộ gia đình làm nghề trong làng luôn đỏ lửa để phục vụ nhu cầu của khách gần xa. Trung bình mỗi chiếc bánh có giá từ 45.000-60.000 đồng tùy thuộc vào kích cỡ, trọng lượng bánh do khách hàng đặt.

Là một trong những gia đình có quy mô làm bánh lớn nhất nhì của làng, ông Đào Bá Vây, thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng cho biết: Bánh tét “bán nguyệt” từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài tỉnh bởi hình thức đẹp mắt lẫn mùi vị thơm ngon. Với ý thức giữ gìn nghề truyền thống của quê hương nên gia đình ông quyết định phát triển nghề làm bánh này. Gia đình ông làm bánh quanh năm theo các đơn đặt hàng chứ không ra chợ bán. Trung bình, ngày ít làm được khoảng 60, ngày cao điểm lên đến hơn 200 bánh. Đặc biệt, riêng dịp Tết, lượng đơn đặt hàng rất nhiều nên gia đình ông phải gọi thêm người làm mới kịp thời gian. Ông Vây mong muốn các ngành chức năng sẽ quan tâm xây dựng thương hiệu, tạo chính sách hỗ trợ bà con để nghề truyền thống của cha ông ngày càng phát triển hơn nữa

Mong muốn của ông Vây cũng chính là nỗi niềm chung của người dân làng Đại An Khê để có thể giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của quê hương. Mặc dù là một nghề có từ lâu đời nhưng hiện nay quy mô phát triển của làng nghề còn rời rạc, không tập trung. Nếu được quy hoạch, có chiến lược phát triển về lâu dài, thương hiệu bánh tét “bán nguyệt” sẽ ngày càng vươn cao và vươn xa hơn nữa.

Theo ông Lê Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, bánh tét “bán nguyệt” là một ngành nghề truyền thống lâu đời của địa phương thế nhưng vẫn chưa được nhiều người biết đến. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, gặp nhiều khó khăn chỉ mang tính chất thời vụ không thường xuyên. Thời gian tới, xã có chủ trương thành lập tổ hợp tác để điều hành sản xuất, phát triển quảng bá thương hiệu ngành nghề truyền thống, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, từ đó mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương sống bằng nghề làm bánh truyền thống.

Thanh Thủy (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu