Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 19/01/2025 19:16 (GMT +7)
Đối thoại giữa doanh nghiệp với lao động để giải quyết các khúc mắc
Thứ 3, 14/02/2017 | 09:00:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Hội nghị người lao động trong các DN là kênh đối thoại trực tiếp để người lao động bày tỏ ý kiến của mình trên tinh thần xây dựng.
Hội nghị người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp thường được tổ chức vào đầu năm mới. Tại hội nghị, người lao động được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và được lãnh đạo đơn vị, chủ sử dụng lao động trả lời trực tiếp, giải quyết vấn đề thắc mắc. Đây cũng là một trong những hình thức thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Anh Dương Văn Hưng, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, khu công nghiệp Nội Bài cho biết: Công ty vừa tổ chức Hội nghị người lao động vào đầu tháng 1/2017, với khoảng 200 đoàn viên của các bộ phận trong công ty tham gia. Tại hội nghị, người lao động được chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, nêu lên những mong muốn liên quan đến chế độ chính sách trong công ty.
Sau khi tổ chức Hội nghị người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, phần lớn những ý kiến của người lao động được lãnh đạo đơn vị, chủ sử dụng lao động xem xét và thay đổi cho phù hợp với mong muốn của người lao động.
Bà Phạm Thị Vân Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết: “Sau hội nghị người lao động năm 2016, nhiều ý kiến của người lao động đã được đáp ứng như: công ty tăng thêm quạt làm mát cho một số bộ phận sản xuất, làm thêm mái che tránh nắng, mua áo làm mát cho người lao động khi thời tiết quá nóng… Đặc biệt, với mong muốn có thêm ngày nghỉ trong Hội nghị người lao động năm 2016, năm nay, người lao động của công ty có thêm 4 ngày nghỉ trong năm”.
Tuy nhiên, bà Phạm Thị Vân Anh cho rằng, để đáp ứng được mong mỏi của người lao động, vai trò của cán bộ công đoàn trong các Hội nghị người lao động rất quan trọng, họ phải lấy phiếu khảo sát ý kiến của người lao động trước, sau đó tìm hiểu để có phương án tư vấn cho giới chủ sử dụng lao động phù hợp.
Bà Phạm Thị Vân Anh cho biết: “Điều lớn nhất đó là cán bộ công đoàn phải hiểu được nguyện vọng của 2 bên. Hiện DN của chúng tôi có ý thức và tuân thủ luật pháp của chủ doanh nghiệp rất tốt. Bây giờ, nhiệm vụ của cán bộ công đoàn là đòi hỏi những quyền lợi gì chính đáng đối với họ và luật lệ. Đây cũng là cái khó đối với cán bộ công đoàn, nhưng nếu cán bộ công đoàn cân bằng được cả 2 lợi ích đó thì rất tốt. Năm nay, tháng 3 công ty sẽ tổ chức Hội nghị người lao động, hiện nay chúng tôi đã cho lấy phiếu khảo sát để nắm bắt mong muốn của người lao động”.
Theo ông Kiều Hùng, Trưởng Ban chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, việc tổ chức Hội nghị người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp nhằm phát huy quyền làm chủ, tạo điều kiện để người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
Việc làm này nhằm nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu, người quản lý với người lao động. Đây cũng là một trong những hình thức thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm 2016, có 65% doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động. Đây là con số chưa cao so với mong muốn của cán bộ công đoàn.
Nguyên nhân là một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên không tổ chức hội nghị người lao động, một số doanh nghiệp chưa thành lập được tổ chức công đoàn.
Ông Kiều Hùng cho biết: “Năm 2017, chúng tôi đã có chỉ đạo, đối với những nơi chưa thành lập được công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp với quyền hạn và trách nhiệm của mình trao đổi với doanh nghiệp. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục đề nghị với lãnh đạo các doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động”.
Thực tế cho thấy, việc tổ chức tốt Hội nghị người lao động trong các doanh nghiệp sẽ có tác động tích cực tới sản xuất của doanh nghiệp cũng như nâng cao đời sống người lao động. Đây là kênh đối thoại trực tiếp để người lao động bày tỏ ý kiến của mình trên tinh thần xây dựng.
Lắng nghe kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người lao động cũng giúp hạn chế tối đa các cuộc đình công, bãi công, không có lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp./.
Ý kiến ()