Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 06:46 (GMT +7)
Dồn lực đếm lùi ngày thông tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận
Thứ 3, 24/11/2020 | 11:15:00 [GMT +7] A A
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hiện đã đạt gần 70% tiến độ tổng thể, với 31 gói thầu xây lắp và 5 gói thầu (chiếu sáng, trạm thu phí, ITS, hộ lan…) đang được các nhà thầu tập trung thi công.
Trao đổi với phóng viên Báo Tin tức, ông Cao Văn Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, đến trung tuần tháng 11/2020, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã đạt được tiến độ tổng thể gần 70%, cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Về công tác thi công, dự án đang triển khai thi công 31/36 gói thầu xây lắp, 5 gói thầu còn lại (chiếu sáng, trạm thu phí, ITS…) triển khai thi công theo tiến độ dự án. Vốn giải ngân đến hết tháng 10/2020 đạt 3.999/6.706 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1 km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương), điểm cuối giao với Quốc lộ (QL)30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Dự án thiết kế 4 làn xe cao tốc, mỗi làn rộng 3,5 m và dải phân cách giữa. Toàn tuyến có 39 cầu trên tuyến chính, 4 cầu trong nút giao liên thông, 10 cầu vượt trực thông, 2 cầu trên tuyến nối nút giao Cái Bè, 1 cầu trên tuyến nối nút giao Cai Lậy, với tổng vốn đầu tư 12.668 tỷ đồng.
Dự án được khởi công tháng 2/2015, tuy nhiên do năng lực nhà đầu tư yếu kém, không vay được vốn tín dụng, nên gần 4 năm, dự án chỉ thi công được khoảng 10% khối lượng. Đến tháng 3/2019, các nhà đầu tư dự án đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia vào quản trị, điều hành dự án.
Kiểm tra tiến độ dự án đầu tháng 8/2020 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hiện nay có ý nghĩa quan trọng và cấp bách, nhằm kết nối tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, hình thành tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ và tiếp tục triển khai đoạn Cần Thơ – Cà Mau theo quy hoạch, để giảm tải cho tuyến QL1A, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan, UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận khắc phục khó khắn, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thông toàn tuyến ngày 31/12/2020 và đưa vào khai thác trong năm 2021. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ GTVT sớm thống nhất với chủ đầu tư và UBND tỉnh Tiền Giang về vị trí trạm thu phí hoàn vốn cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận theo quy định của pháp luật; đồng thời, khẩn trương đầu tư xây dựng đồng bộ với dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ (khởi công trong tháng 12/2020).
“Nhiều tháng qua, khối lượng thi công của dự án khá lớn, quá trình thi công trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thời tiết cực đoan, hạn mặn gay gắt tại đồng bằng sông Cửu Long, dẫn đến việc khan hiếm nguồn nguyên vật liệu, đòi hỏi chủ đầu tư và các nhà thầu phải nỗ lực cao nhất mới có thể đáp ứng được tiến độ. Để đảm bảo mốc thông tuyến dự án ngày 31/12/2020, dự án đã xây dựng đồng hồ đếm lùi thời gian tại điểm đầu tuyến dự án, gắn camera giám sát thi công ngay tại công trường và chỉ còn khoảng 40 ngày để hoàn thành mục tiêu.”, ông Cao Văn Nghĩa khẳng định.
Hiện nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, hết mùa mưa, bắt đầu mùa khô, các nhà thầu dự án đang tập trung dồn lực thi công 3 ca, 4 kíp, 24/24 giờ để kịp cán đích. Đến thời điểm này, nhiều gói thầu đắp gia tải xử lý nền đất yếu đã hoàn thành và chuẩn bị dỡ tải, thảm nhựa. Hàng ngày, trên công trường cao tốc duy trì hơn 1.500 công nhân làm việc, cùng nhiều phương tiện, máy móc, thiết bị phục vụ thi công.
Theo đại diện chủ đầu tư, vướng mắc hiện nay của dự án là Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang chưa thống nhất vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn do liên quan đến việc thu phí đồng bộ toàn tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận. Chủ đầu tư đã nhiều lần đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm thống nhất quyết định vị trí đặt trạm thu phí để triển khai xây dựng đồng bộ với công trình.
Có mặt trên công trường trung tuần tháng 11, phóng viên báo Tin tức ghi nhận những hình ảnh dồn lực thi công của chủ đầu tư và các nhà thầu:
Nhà thầu khẩn trương lu lèn mặt đường điểm đầu tuyến tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương) trước khi thảm cấp phối đá dăm.
Công nhân dùng máy nén khí thổi bụi vệ sinh đường trước khi thảm bê tông nhựa, đảm bảo làm sạch và khô bề mặt lớp nền cấp phối đá dăm.
Đoạn tuyến cầu chờ đường để hoàn thiện.
Lu lèn và thảm cấp phối đá dăm các đoạn tuyến đã gia tải.
Nhiều đoạn tuyến cao tốc đang giai đoạn đổ cát gia tải, lu lèn và xử lý nền đất yếu.
Tranh thủ “lấy nắng bù mưa”, dồn lực thông tuyến, công nhân trên công trường bố trí thi công 3 ca, 4 kíp và 24/24 giờ trong ngày.
Toàn cảnh thi công cầu Kênh Xáng
Trên công trường những ngày chạy nước rút, các nhà thầu huy động hàng nghìn công nhân, trải dài toàn tuyến để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tập kết tối đa máy móc để dồn lực thi công các đoạn tuyến cao tốc.
Đơn vị đan dầm bê tông cốt thép bản mặt cầu.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đi qua diện tích nhiều khu dân cư thuộc huyện Cái Bè (Tiền Giang).
Cầu Kênh 2A còn chờ lao dầm cầu.
Dầm bản mặt cầu đúc sẵn được vận chuyển bằng đường thủy nội địa từ Bà Rịa-Vũng Tàu về công trường để chuẩn bị lao dầm cầu Kênh 2A.
Đơn vị thi công huy động máy cẩu, cần cẩu chuẩn bị lao lắp dầm cầu Kênh Xáng
Bảng thông tin và nội quy công trường giúp cán bộ, công nhân viên, người lao động chấp hành đúng quy định thi công
Tiến Hiếu – Huy Hùng/Báo Tin Tức
https://baotintuc.vn/kinh-te/don-luc-dem-lui-ngay-thong-tuyen-cao-toc-trung-luong-my-thuan-20201120153945474.htm
Ý kiến ()