Chủ Nhật, 19/01/2025 22:19 (GMT +7)

Đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi

Thứ 4, 20/09/2017 | 09:31:00 [GMT +7] A  A

Không chỉ mang theo những sản vật thiên nhiên giúp người dân vùng lũ tăng thu nhập, cải thiệt đời sống, lũ về còn mang theo nhiều lợi ích khác cho sản xuất nông nghiệp. Ruộng đồng được bồi tụ thêm phù sa, các chất phèn, độc tố do thuốc trừ sâu… được rửa trôi.

Đồng thời, mùa lũ giúp ruộng đồng được nghỉ ngơi, có thời gian ngâm nước lâu, góp phần tiêu diệt các loại kí sinh gây bệnh, chuột… Người nông dân giảm được chi phí trong mùa vụ tới.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước lũ ngày 18/9 trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,07 m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,74 m, còn cách báo động 1 từ 0,26 – 0,43 m. Trong những ngày tới, mực nước trên các sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh. Dự báo đỉnh lũ cao nhất tại Tân Châu, Châu Đốc có khả năng ở mức từ báo động 2 đến báo động 3, từ 4 – 4,5 m, sẽ xuất hiện trong nửa đầu tháng 10 tại Tân Châu.

Gia đình anh Nguyễn Thanh Hiền, huyện Tân Hưng, Long An đặt dớn đánh bắt thủy sản trên cánh đồng khi lũ về. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, theo kế hoạch, năm 2017 tỉnh có 26 tiểu vùng với diện tích 21.190 ha thực hiện không sản xuất lúa vụ 3 (lúa Thu Đông) để tránh nguy cơ bị thiệt hại, đồng thời chủ động xã lũ tràn đồng, lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng sau thời gian dài không có lũ lớn.

Tại Long An, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Hoàng chia sẻ, tỉnh này đã đã chủ động giảm mạnh diện tích sản xuất lúa Thu Đông 2017 xuống còn khoảng 30.000 ha, tập trung ở các vùng có đê bao đảm bảo ở thuộc huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng… Những diện tích còn lại thì thực hiện xả lũ để lấy phù sa, rửa độc, cải tạo đất nhằm chuẩn bị tốt cho vụ Đông Xuân 2018.

Còn tại thành phố Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, sau khi thu hoạch lúa vụ 3, nông dân cần quan tâm việc mở đồng đón lũ vào ruộng để lấy phù sa và tận dụng nước lũ để nhấn chìm, tiêu diệt các đối tượng dịch hại, không để chúng lây lan sang vụ lúa tiếp theo.

Đối với với các diện tích lúa Thu Đông thu hoạch sớm, nếu có điều kiện nông dân có thể phát triển nuôi trồng, đánh bắt các loại thủy sản mùa lũ để tăng thêm thu nhập. Còn nếu không có điều kiện nuôi thủy sản, ngay sau thu hoạch lúa, nông dân cần tranh thủ trục xới và làm vệ sinh đồng ruộng rồi cho nước lũ vào.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp của Việt Nam khẳng định, phù sa đóng vai trò quan trọng đối với canh tác lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung. Việc ngừng sản xuất vụ 3, tiến hành xả lũ, đưa phù sa vào đồng ruộng, nhằm giúp đất “phục hồi sức khỏe” tạo điều kiện cho đất nghỉ ngơi. Việc đồng ruộng trữ nước vừa tạo phù sa, giúp quá trình vận hành điều tiết lũ cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giảm áp lực nước, bảo vệ sản xuất cho vùng hạ lưu.

“Việc xả lũ, cho nước tràn đồng còn giúp bà con nông dân tiêu diệt các loại dịch bệnh, sâu bọ… trả lại trạng thái sản xuất “sạch”, qua đó giúp cân bằng lại lịch thời vụ, canh tác thuận lợi hơn.”, Giáo sư Võ Tòng Xuân khẳng định.

Tại thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang), nơi có hơn 3.000 ha đất đang mở đồng đón phù sa, móc mớ đất sền sệt, đỏ au từ thửa ruộng đang chìm trong con nước đục ngầu, ông Trần Văn Hòa ở ấp Phú Quý, xã Phú Lộc (thị xã Tân Châu) giải thích, phù sa với dân thành phố nó là đất sình lầy nhưng với người nông dân nó thì đó lại là kết tinh của đất trời ban tặng, giúp cho ruộng đồng thêm màu mỡ.

Theo ông Hòa, phù sa tràn vào đồng ruộng sẽ làm cỏ dại chết sạch nên nhà nông không tốn tiền mua thuốc xịt cỏ cho vụ sau, nhất là hóa chất này còn làm cho đất bạc màu, phải mua phân bón thêm cho đất có dinh dưỡng. Theo tính toán của ông Hòa, những năm lũ lớn, ông tiết kiệm được từ 200.000 – 300.000 đồng/công (1.000 m2/vụ) cho tiền mua thuốc xịt cỏ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, có phù sa về thì năm sau năng suất lúa sẽ tăng, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Từ An Giang, xuôi theo sông Hậu về đến Cần Thơ, địa phương đầu nguồn của thành phố này là huyện Vĩnh Thạnh cũng đang có nước lũ về nhiều và cao nhất so với các quận, huyện khác. Vụ Thu Đông năm nay, toàn huyện có hơn 19.000 ha lúa và đến thời điểm này, đã có hơn 5.000 ha được thu hoạch. Cùng với niềm vui về một vụ lúa trúng mùa, nông dân nơi đây đang hăm hở mở đồng đón lũ.

Người dân huyện Vĩnh Thạnh cho biết, thời điểm này mực nước lũ trên đồng đã cao hơn từ 0,3 – 0,4 mét so với mọi năm nên vừa thu hoạch xong là họ liền mở đồng để cho nước vào. Theo Anh Lê Thành Sua, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, thấy nước nhiều nên gặt xong là cho nước vào ngập ruộng và ngâm trong vài tháng để lấy phù sa trước khi bắt đầu vụ sau. Mấy vụ vừa qua do lũ về ít, thậm chí có năm không có lũ nên năng suất lúa thấp. Theo kinh nghiệm của anh, năm nào lũ lớn và nông dân cho ngâm ruộng khoảng 2 – 3 tháng để lấy phù sa thì vụ tiếp theo chắc chắn thắng lợi.

Cánh đồng lúa ở Hậu Giang mùa nước nổi. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu sinh thái độc lập ở Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên là hai “túi” trữ nước vào vào mùa lũ. Trong đó, phía bắc của tỉnh Đồng Tháp là khu vực ngập sâu trong mùa lũ với diện tích 35.000 ha. Khu vực này đủ sức giúp cả Đồng bằng sông Cửu Long trữ nước. Đồng Tháp Mười sẽ vừa là nơi trữ nước, vừa điều hòa, giữ ngọt, đẩy mặn cho cả vùng. Cùng với việc giữ lũ, việc giảm diện tích trồng lúa vụ 3 giúp đất đai được nghỉ ngơi. Thay vì tập trung vào sản lượng như trước đây thì nay nên chú trọng nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị sản phẩm.

Trong khi đó, ông Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ cho rằng, để khẳng định 2017 là một mùa lũ “đẹp” thì còn phải tùy thuộc vào diễn biến của thời tiết từ nay đến cuối năm có bình thường hay không. “Theo kinh nghiệm dân gian, năm nào lũ về nhiều thì cá, tôm theo về cũng nhiều, đồng thời mùa lúa năm sau cũng sẽ bội thu”, ông Vinh nói.

“Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên hầu như các quy luật bình thường của thời tiết đã bị phá vỡ và chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết để có phản ứng kịp thời nếu có bất trắc xảy ra. Nếu năm nay không có gì bất thường thì có thể Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có một mùa nước nổi bình thường chứ chưa thể gọi là mùa lũ giống như năm 2011.”, ông Vinh khẳng định.

Thanh Liêm – Công Mạo – Trường Giang (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu