Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 13/01/2025 07:04 (GMT +7)
Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19
Thứ 6, 06/08/2021 | 11:58:00 [GMT +7] A A
Ngày 5/8, tại “Diễn đàn kinh tế trực tuyến Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19” do Thời báo tài chính Việt Nam tổ chức, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp như “liều thuốc giảm đau” giúp doanh nghiệp trụ vững trong bối cảnh dịch bệnh tái bùng phát.
Các doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang thực hiện xét nghiệm định kỳ hàng tuần toàn bộ lao động trong công ty để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh bảo đảm sản xuất. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
PGS.TS. Lê Xuân Trường – Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế cho doanh nghiệp đã góp phần tạo điều kiện về tài chính để doanh nghiệp vượt khó, sớm ổn định sản xuất kinh doanh. Chỉ cần dịch bệnh được kiểm soát, cộng đồng doanh nghiệp sẽ bắt tay ngay vào sản xuất, thậm chí vừa sản xuất, vừa chống dịch như các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh thời gian qua.
Đặc biệt, cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính đã ban hành các chính sách về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất theo thẩm quyền của Chính phủ đã được triển khai từ tháng 4/2020. Thống kê cho thấy, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm và các hỗ trợ theo các chính sách đã ban hành trong năm 2020 là khoảng 129.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, các chính sách này tiếp tục được Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện. Bộ Tài chính dự kiến các giải pháp này sẽ khoảng 135.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Riêng chính sách giảm, hoãn thuế 27.500 tỷ đồng, gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng; gói viễn thông 10.000 tỷ đồng; gói vaccine 25.200 tỷ đồng; gói điện, nước, phí, chi phí chống dịch hàng chục nghìn tỷ đồng và gói giảm thuế khoảng 20.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng gói hỗ trợ từ giảm thuế và đang tiến hành lấy ý kiến đối với việc ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thực hiện giảm, hoãn thuế là giải pháp có tính phổ biến rộng, bao trùm nhiều đối tượng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có điều kiện phục hồi, tích lũy bù đắp lại chi phí cho phòng, chống dịch.
GS.TS. Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, chính sách miễn, hoãn, giảm thuế, tiền thuê đất sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng sẽ tránh tình trạng doanh nghiệp đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường, gây ra suy thoái cả nền kinh tế và ảnh hưởng đến thu ngân sách lâu dài.
“Do đó, việc miễn, hoãn, giảm thuế, tiền thuê đất là biện pháp chấp nhận hụt thu trước mắt để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài dựa vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà , Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế – Tổng cục Thuế cho biết thêm, trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện Chỉ chị 16, để chính sách thuế mới đến được với người nộp thuế, nhất là chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, các Cục thuế đã đẩy mạnh tuyên truyền trên trang web của Cục thuế, các phương tiện thông tin đại chúng, các tài khoản mạng xã hội… để chuyển tải nội dung chính sách thuế, hỗ trợ về thuế đến người nộp thuế.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng cục Thuế sẽ bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính để khi có chính sách mới sẽ thực hiện tuyên truyền và có giải pháp hỗ trợ một cách kịp thời đến người nộp thuế. Có thể nói, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã thực hiện nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, với mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, giảm thời gian, chi phí trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.
https://baotintuc.vn/kinh-te/dong-hanh-cung-doanh-nghiep-vuot-qua-dai-dich-covid19-20210805191659599.htm
Ý kiến ()