Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 16/11/2024 09:15 (GMT +7)
Đồng Nai quá tải bệnh nhi sốt xuất huyết, tay chân miệng
Thứ 3, 02/10/2018 | 14:56:00 [GMT +7] A A
Từ đầu tháng 9/2018 đến nay, tình hình bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh chóng khiến khoa nhi tại các bệnh viện, đặc biệt là Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai luôn trong tình trạng quá tải.
Bé N. M. P (3 tuổi, trú tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) bị bệnh tay chân miệng biến chứng được tích cực điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng tỉnh Đồng Nai.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, từ đầu năm đến hết tháng 9/2018, bệnh viện tiếp nhận hơn 1.600 ca mắc tay chân miệng, gần 900 ca sốt xuất huyết. Riêng trong tháng 9 có hơn 500 ca tay chân miệng (chiếm 32%) và gần 300 ca mắc sốt xuất huyết (chiếm 28%). Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận 25 trường hợp mắc sởi nhập viện điều trị (năm 2017 không có ca nào) riêng trong tháng 9 có 22 ca. Đặc biệt tình hình các loại bệnh có diễn tiến nhanh, phức tạp, gây ra nhiều biến chứng.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, quyền Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nhi Đồng Nai cho biết, từ đầu tháng 9/2018 đến nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 60-70 ca, số ca nội trú cũng tăng lên 130-140 ca, cao điểm lên đến 150 ca, tăng gấp đôi so với trước đây (mỗi ngày chỉ có từ 10-20 ca nhập viện, nội trú khoảng 60-70 ca). Tuy nhiên, hiện nay khoa chỉ có 100 giường bệnh. Để không xảy ra tình trạng nằm ghép, khoa đã kê thêm giường tại hành lang, phòng tiếp nhận bệnh nhân, tăng cường máy móc, trang thiết bị… điều động y, bác sĩ không có ca trực cũng phải làm việc liên tục trong bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền cho biết, toàn khoa có 7 bác sĩ, 25 điều dưỡng chia làm 3 ca thay nhau trực, tuy nhiên số bệnh nhân đông buộc các y, bác sĩ phải làm thêm giờ vào những ngày không trực.
Khoa Hồi sức tích cực chống độc – Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng trong tình trạng tương tự. Khoa có 28 giường bệnh nhưng cao điểm có tới gần 50 bệnh nhi nhập viện điều trị nên phải bố trí kê thêm giường bệnh ở dọc hành lang. Khoa đã nhiều lần xin bổ sung nhân lực nhưng bệnh viện chỉ điều động thêm 1, 2 người do các khoa khác cũng đang trong tình trạng quá tải.
Theo ông Bạch Thái Bình – Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, hiện nay đang là đỉnh của mùa dịch bệnh nên số bệnh nhi nhập viện tăng cao, bệnh diễn tiến nhanh, phức tạp. Bên cạnh việc tập trung điều trị cho bệnh nhi đã mắc bệnh, công tác phòng bệnh cũng được đặt lên hàng đầu. Theo đó, đối với bệnh sởi sẽ tiến hành tiêm vét vắc xin phòng sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm hoặc chưa rõ lịch tiêm. Do có đến 30% số trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi nên Đồng Nai đang xin ý kiến thí điểm tiêm sởi cho trẻ từ 6- 9 tháng tuổi. Đối với bệnh tay chân miệng, bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và chưa có vắc xin phòng bệnh nên biện pháp phòng tránh chủ yếu vẫn là nhanh chóng phát hiện, xử lý ổ bệnh trong vòng 2 ngày đầu.
Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai khuyến cáo người dân nên hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh, nếu cần thiết phải tiếp xúc nên mang khẩu trang, không dùng chung đồ dùng với người bệnh, đồng thời thực hiện ăn sạch, uống sạch, ở sạch…
Những gia đình có con nhỏ cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh… Khi phát hiện trẻ bị bệnh cần cho trẻ nghỉ học, đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh lây lan. Tại các cơ sở mầm non, nhà trẻ cần trang bị đủ xà phòng rửa tay, giáo viên cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ hằng ngày. Khi phát hiện có dấu hiệu bệnh ở trẻ cần báo ngay cho phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng. Trong đó hơn 6.100 ca mắc tay chân miệng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2017; gần 3.900 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 12%), 2 trường hợp tử vong.
Ý kiến ()