Thứ Sáu, 01/11/2024 17:29 (GMT +7)

Đồng nhân dân tệ gia nhập SDR: Viễn cảnh không chỉ màu hồng!

Thứ 5, 10/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

12 năm sau khi gia nhập WTO vào năm 2001, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc đã có bước nhảy vọt, trở thành nước có kim ngạch thương mại lớn nhất toàn cầu. Giờ đây, khi đồng nhân dân tệ được IMF cho phép gia nhập giỏ tiền tệ SDR, một bước nhảy vọt tương tự sẽ xuất hiện trên bản đồ tài chính thế giới?

Quyết định trọng đạiNgày 30/11 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) quyết định sẽ đưa đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc vào giỏ tiền tệ SDR hay còn gọi là “quyền rút vốn đặc biệt”. Theo quyết định này, từ ngày 1/10/2016, đồng NDT chính thức trở thành đồng tiền thứ 5 trong giỏ tiền tệ quốc tế, đồng thời là đồng tiền đầu tiên của một nước đang phát triển được gia nhập SDR. Nhưng xét về tỉ trọng, đồng NDT dự kiến chiếm 10,92%, vượt qua đồng bảng Anh (8,1%) và đồng yên Nhật (8,3%), chỉ đứng sau đồng USD của Mỹ (41,7%) và đồng euro của châu Âu (30,9%), trở thành đồng tiền lớn thứ 3 của SDR. Rõ ràng, việc IMF để đồng NDT gia nhập SDR là một quyết định lịch sử, có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc.

Đồng NDT được IMF cho phép gia nhập SDR. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước tiên, nó cho thấy sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế về sức ảnh hưởng kinh tế và tài chính ngày một lớn của Trung Quốc. Ngày 11/12/2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cùng với những thuận lợi đến từ việc Mỹ chuyển hướng chính sách đối với Trung Quốc sau sự kiện khủng bố 11/9, việc gia nhập WTO đã tạo ra bệ phóng tăng trưởng cho nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc. Sau khi vượt Nhật Bản, Trung Quốc đã vươn lên trên Mỹ, giành lấy vị trí thứ nhất toàn cầu về kim ngạch thương mại vào năm 2013. Song hành với tiến trình này là sự gia tăng về quyền phát ngôn của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ quốc tế.

Bên cạnh đó, việc gia nhập SDR còn có lợi cho việc tăng cường niềm tin của thị trường đối với đồng NDT, gia tăng mức độ sử dụng đồng NDT trên phạm vi quốc tế cả trên phương diện thanh toán công lẫn chi tiêu cá nhân. Nó đồng thời cũng giúp đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Theo ghi nhận của hãng tin AFP (Pháp), quyết định ngày 30/11 vừa qua của IMF sẽ khuyến khích các ngân hàng trung ương, đặc biệt là của các nền kinh tế lớn, đẩy mạnh việc đa dạng hóa kho dự trữ ngoại hối của mình bằng cách mua trái phiếu Trung Quốc, chứ không chỉ tập trung vào đồng USD hay đồng euro. Ông Dariusz Kowalczyk, chuyên gia về chiến lược của ngân hàng Pháp Crédit Agricole ước tính trong vòng 6 năm tới, tỉ trọng của đồng NDT trong các kho dự trữ ngoại tệ có thể tăng từ 1,4% hiện nay lên 4,7% – 10%.

Quan trọng hơn, một khi trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế, đồng NDT sẽ mang đến sự tiện lợi lớn cho người dân Trung Quốc. Bởi họ có thể mang theo đồng NDT đi khắp thế giới sử dụng mà không cần phải hoán đổi sang đồng USD hay đồng nội tệ của nước đến du lịch, học tập và đầu tư. Tổn thất bởi tỉ giá hay những kích dích đến từ quy định, thậm chí là hạn mức thu đổi ngoại tệ cũng biến mất. Vì thế, hơn ai hết, người dân Trung Quốc cảm thấy hân hoan khi tiến trình thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT tiến thêm một bước quan trọng. Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng trở nên tự tin hơn bởi không gian chính sách ứng phó với biến động kinh tế sẽ được mở rộng sau khi đồng NDT gia nhập SDR, trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế.

Chưa vội mừng vui

Về lý thuyết, như đã nói ở trên thì sau khi đồng NDT gia nhập SDR, kho dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương dần dần sẽ tăng nhu cầu đối với đồng NDT. Đương nhiên, để đưa ra quyết định gia tăng dự trữ bằng đồng NDT hay không, các ngân hàng trung ương phải dựa vào những đánh giá, cân nhắc toàn diện. Một trong những nhân tố quan trọng cần tính tới là đến nay, tỉ giá đồng NDT chưa tự do hóa, biên độ dao động trong ngày vẫn đang bị PBoC quản lý. Đồng thời, ở Trung Quốc, tài khoản vốn cũng chưa được mở cửa hoàn toàn mà mới được thí điểm trong phạm vi hẹp. Trong tương lai, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống đã trở thành xu thế. Nợ xấu ngân hàng vì thế cũng có thể tăng lên. Sự tồn tại của những rủi ro kinh tế như vậy sẽ khiến việc tự do hóa tỉ giá và mở cửa tài khoản vốn có khả năng ảnh hưởng tới sự ổn định tài chính quốc gia.

Một vấn đề khác là bài học từ thảm họa chứng khoán hồi tháng 7, tháng 8 vừa qua càng khiến Bắc Kinh phải thận trọng. Thảm họa này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc chưa mở cửa tài khoản vốn, thiếu hụt các sản phẩm phái sinh và dòng tiền bên ngoài đổ vào chứng khoán chỉ ở mức rất hữu hạn thông qua kênh kết nối giữa sàn chứng khoán Thượng Hải và sàn chứng khoán Hong Kong. Tuy nhiên, nó đã gây ra cơn chấn động, thậm chí có cơ quan truyền thông, như tờ “Đông phương Nhật báo” của Hong Kong còn ám chỉ tới “đảo chính kinh tế”. Một khi tài khoản vốn được mở cửa, nhà đầu tư nước ngoài nắm trong tay thêm nhiều tài sản bằng đồng NDT, quy mô biến động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc được dự đoán là sẽ lớn gấp bội, tác động đối với kinh tế thực thể cũng nghiêm trọng hơn nhiều.

Nói tóm lại, sau khi đồng NDT gia nhập SDR, kỳ vọng vào sự gia tăng về nhu cầu đối với đồng NDT tăng lên, góp phần làm tăng giá đồng NDT. Nhưng những tồn tại trong vấn đề tỉ giá, tài khoản vốn lại làm giảm mạnh nhu cầu này. Đó là chưa nói đến một thực tế là ngay cả các đồng tiền trong giỏ tiền tệ SDR đều biến động không ngừng. Ví dụ, trước khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền ở Nhật Bản có lúc 1 USD đổi 80 yên, nhưng sau khi ông Abe làm Thủ tướng, tỉ lệ này là 1/100 và gần hai năm lại đây rớt xuống mức 1/120. Cho nên, cái gọi là “đồng NDT vào SDR sẽ trở thành đồng tiền quốc tế mạnh” vẫn cần phải kiểm nghiệm qua thực tế mà thước đo chính xác nhất vẫn là sức khỏe của kinh tế Trung Quốc.

Hà Ngọc- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu