Thứ Năm, 23/01/2025 20:27 (GMT +7)

Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi): Trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong xây dựng, bảo vệ đất nước

Thứ 2, 25/05/2020 | 14:31:00 [GMT +7] A  A

Sau khi được trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 và tiếp thu một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) tiếp tục được Chính phủ trình Quốc hội thông qua nhằm tạo cơ sở hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới.

Qua đó phát huy đầy đủ vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, chiều 21/11/2019. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Ngày 29/11/2005, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI, Luật Thanh niên đã được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006. Việc ban hành Luật Thanh niên đã tạo hành lang pháp lý để xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sức sáng tạo, tiềm năng to lớn của thanh niên, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy vị trí, vai trò của tổ chức thanh niên trong việc đoàn kết, tập hợp thanh niên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên, đặc biệt là phát huy vai trò nòng cốt của Đoàn thanh niên trong các phong trào thanh niên, vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cho rằng: Sau 13 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh niên đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên, tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành, Luật đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập, đòi hỏi cần có sự nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Một số quy định của Luật khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác, như chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung, chưa cụ thể; thiếu nguồn lực thực hiện Luật; chưa có công cụ đo lường, thống kê nên chưa bóc tách và làm rõ được thông tin về thanh niên, nguồn lực đầu tư cho thanh niên với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương.

Bên cạnh đó, các nội dung của Luật còn thiếu cơ chế điều phối trong việc thực hiện các chính sách quy định, thiếu sự gắn kết giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách. Tính pháp chế trong thi hành Luật còn hạn chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được coi trọng dẫn đến tình trạng cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện tốt cũng không được đánh giá, ghi nhận và ngược lại, không làm cũng không bị xử lý.

Tại phiên họp 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 20/4/2020, thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự luật trình lần này có nhiều điểm khác so với dự luật trình lần thứ nhất lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Trách nhiệm của thanh niên với đất nước, xã hội, gia đình và bản thân đã rõ ràng hơn.

Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này gồm 7 chương, 44 điều. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật, chỉ dành một điều quy định chung về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên.

Đồng thời, để nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, dự thảo Luật bổ sung một chương quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình và xã hội, đặc biệt là trách nhiệm đối với bản thân thanh niên. Bên cạnh đó, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên thực hiện trách nhiệm của mình, dự thảo Luật quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình đối với thanh niên. Dự thảo Luật cũng quy định rõ Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên.

Theo đó, quyền và nghĩa vụ của thanh niên được tôn trọng, công nhận, bảo vệ và bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên. Nhà nước, nhà trường, gia đình, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện để thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên bảo đảm mục tiêu phát triển thanh niên; được xây dựng hoặc lồng ghép trong các chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương…

Hiền Hạnh (TTXVN)
https://baotintuc.vn/chinh-tri/du-an-luat-thanh-nien-sua-doi-trach-nhiem-su-menh-cua-thanh-nien-trong-xay-dung-bao-ve-dat-nuoc-20200525123815646.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu