Chủ Nhật, 29/12/2024 04:04 (GMT +7)

Du lịch đường sông – Hướng đi nhiều tiềm năng của du lịch Long An

Thứ 7, 23/04/2022 | 11:24:01 [GMT +7] A  A

Long an có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch đường sông. Đó là nhận định của Đoàn chuyên gia, các công ty doanh nghiệp lữ hành tham gia chương trình Famtrip tour, tuyến đường sông Vàm Cỏ ( Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây) trung tuần tháng Tư năm 2022, đi qua các huyện Bến Lức, Tân Trụ, Thủ Thừa và Thành phố Tân An.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Lăng mộ quận công Nguyễn Huỳnh Đức ( Tân An)

Sông Vàm Cỏ - dòng sông hợp lưu từ 2 nhánh Vàm Cỏ Đông và  Vàm Cỏ Tây.  Phát xuất từ Campuchia, chảy qua tỉnh Long An và đổ ra biển qua cửa Soài Rạp. Dòng sông bồi đắp phù sa tạo ra vùng đồng bằng trù phú tại các huyện miền hạ Long An đem đến nguồn tài nguyên quý giá phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ thượng nguồn, cư dân sống dọc theo chiều dài 2 nhánh sông chính, hình thành nên tập quán sinh hoạt, văn hóa riêng như tô điểm cho sự đang dạng, độc đáo của cư dân vùng sông nước.

Suốt chiều dài lịch sử, dòng sông chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt, lập nên nhiều chiến công vang dội cho đất và người Long An “Trung trũng, kiên cường, toàn dân, đánh giặc”.  Sông Vàm Cỏ có một vị trí rất quan trọng, dòng sông này có ảnh hưởng đến nhiều mặt về đời sống, kinh tế, văn hóa… của người dân ở hai phía tả ngạn và hữu ngạn từ xa xưa cho đến nay.Ngoài ra, những di chỉ khảo cổ được tìm thấy minh chứng cho những trầm tích lịch sử của hơn ngàn năm trước, tạo nên những dấu ấn thiêng liêng không thể phai mờ trên xứ sở này.Đặc biệt dòng sông Vàm Cỏ - nơi hội tụ nhiều yếu tố tuyệt vời bởi vẻ đẹp nguyên vẹn của thiên nhiên, cảnh vật yên bình cùng với hệ sinh thái thực vật đa dạng, những câu chuyện lịch sử về dòng sông anh hùng, văn hóa của cư dân vùng đất Long an… sẽ mang đến cảm giác thư thái, nhẹ nhàng và xao xuyến cho những ai khi đặt chân đến nơi đây.

Du khách tham quan khu phức hợp văn hóa 3 miền Bắc – Trung – Nam tại Khu Du lịch Happyland ( Bền lức)

PGS.TS– Trưởng Khoa Văn hóa học trường Đại học KHXH và Nhân văn, ĐHQG.TPHCM - Nguyễn Ngọc Thơ đánh giá: Chuyến khảo sát Du lịch đường sông TPHCM – Long an- đây là trải nghiệm khá thú vị. Long an có bề dày về lịch sử văn hóa, là vùng đất có tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều khu, điểm du lịch mang đậm  nét nguyên sơ, có sức hút lớn đối với khách du lịch…. Có nhiều lợi thế phát triển du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp và du lịch sinh thái.

Ngày nay trải qua nhiều thăng trầm biến động của thời gian, dòng sông Vàm Cỏ vươn mình phát triển, minh chứng cho công cuộc dựng xây và giữ gìn đất nước, đóng góp chiến công vào trang sử vẻ vang của dân tộc, mở ra con đường phát triển, hội nhập trên nhiều lĩnh vực.

Ông Nguyễn Kim Toản – Giám đốc Saigon Waterbus cho biết: Tôi rất kỳ vọng về du lịch Long an, địa phương có vị trí giao thông thuận lợi, vùng kinh tế trọng điểm, có đủ điều kiện về những điểm đến để xây dựng tour du lịch đường sông, nhất là khai thác tuyến sông Vàm Cỏ, xây dựng kết nối tour ngắn ngày TPHCM và Long an và thu hút nguồn du khách dồi dào. Đặc biệt, Long an có thế mạnh về nông nghiệp sạch, địa phương cần khai thác thêm về Du lịch nông thôn, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, phải đem những cái chân thật nhất, gần gũi nhất, gợi lại những câu chuyện mang hơi thở của đất và người Long an,…có như vậy mới tạo được niềm tin và thu hút du khách tìm về.

Du khách trên sông Vàm Cỏ Tây

PGS.TS - Nguyễn Ngọc Thơ cũng cho rằng:  Tuyến đường sông Vàm Cỏ được xem là tài nguyên du lịch phong phú. Những sản phẩm du lịch đặc trưng tại dòng sông này sẽ gắn với hình ảnh “trên bến dưới thuyền”, có các yếu tố cần thiết về mật độ dân cư,  lịch sử, văn hoá, hệ thống cơ sở hạ tầng, không gian kiến trúc và những yếu tố khác về tổ chức dịch vụ du lịch nhằm tạo ra một điểm tham quan du lịch đặc sắc.”Dọc hai bờ sông từ Sài Gòn về Long an, du khách sẽ được nghe những câu chuyện về quá trình khai phá của vùng đất hơn 300 năm, hiểu về cuộc sống của cư dân bên ngoại ô TPHCM,  tác động của khu vực TPHCM, Sài Gòn – Chợ Lớn đối với vùng đất Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ…Long an điểm giao đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam bộ, gần TPHCM, chuyến du lịch đi và về trong ngày mang tính khả thi, cả đường bộ lẫn đường thủy. Đặc biệt, cần chú ý truyền thông và xây dựng hình ảnh, tiếp cận quảng bá bằng nghệ thuật.Cần có nhiều sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn đi kèm để kéo du khách đến với tour đường sông sao cho hấp dẫn.Khắc phục những khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất và con người, hướng đến làm du lịch theo cách bình dị, gần gũi, có ký ức dân gian thông qua những câu chuyện… từ đó tạo nên được cảm xúc, tình yêu về mảnh đất Long an. Làm được những điều đó, tin rằng du lịch Long an sẽ cất cánh. 

Du khách chụp ảnh lưu niệm trên “Con đường hạnh phúc “ ( Hàng cau Vua tại huyện Tân Trụ)

Du lịch đường sông Vàm Cỏ là một sản phẩm hoàn toàn mới của du lịch Long an, là kết quả sự chủ động và nỗ lực của ngành du lịch, của doanh nghiệp nhằm khôi phục hoạt động du lịch và kinh tế trên địa bàn. Tour sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm mới, cảm nhận mới về vùng đất Long an anh hùng, an bình, dung dị mà không kém phần đặc sắc, mở ra hướng mới cho du lịch đường sông giữa Long An và TP.HCM. Tuy nhiên, để phát triển và có hướng đi phù hợp, địa phương tiếp tục có những hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực du lịch. Tiếp tục đầu tư đồng bộ và có sự liên kết chặt chẽ với các hình thức du lịch khác,  nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ độc đáo kết hợp với hoạt động nghệ thuật, văn hóa, lễ hội được tổ chức ngay trên sông để níu chân du khách đi tour, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch, để Du lịch Long an chuyển mình, phát triển và hội nhập - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An – Nguyễn Tấn Quốc thông tin.

Hình ảnh dòng sông Vàm Cỏ đã, đang và sẽ mãi là niềm tự hào của mỗi người dân Long an, đồng thời trong một tương lai không xa, nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng và hấp dẫn du khách trong và ngoài nước./.

Kim Thoa

(Trung tâm Thông tin, Xúc tiến Du lịch Tỉnh Long An)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu