Thứ Năm, 04/07/2024 18:24 (GMT +7)

Dư luận quan tâm chính sách giảm thuế; tăng lương và xác thực sinh trắc học áp dụng từ ngày 1/7

Thứ 2, 01/07/2024 | 17:40:05 [GMT +7] A  A

Dư luận đang rất quan tâm về một số chính sách, quy định có hiệu lực từ hôm nay (ngày 1/7) như: Chuyển tiền giá trị lớn phải xác thực khuôn mặt; một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) xuống còn 8% đến hết năm nay. Cũng từ ngày 1/7, khi cảnh sát giao thông kiểm tra trên đường, người dân có thể xuất trình giấy phép lái xe, đăng ký xe... qua ứng dụng VNeID.

Từ ngày 1/7, các giao dịch chuyển tiền trực tuyến có giá trị trên 10 triệu đồng phải thực hiện xác thực khuôn mặt và việc này được kỳ vọng sẽ thanh lọc các tài khoản “rác”, vốn là vấn đề khá nhức nhối của ngành Ngân hàng trong quản lý tài khoản khách hàng thời gian qua.

Xác thực sinh trắc học, thanh lọc các tài khoản “rác”

Nhằm tăng cường biện pháp bảo vệ cho người dân khi giao dịch ngân hàng trực tuyến, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN (có hiệu lực từ ngày 1/7), trong đó bắt buộc áp dụng phương thức xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt đối với các giao dịch trực tuyến trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị trên 20 triệu đồng/ngày. Hiện các ngân hàng thương mại đã áp dụng chính sách này. 

Sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt) khớp với dữ liệu trên căn cước công dân (CCCD) gắn chip hoặc tài khoản định danh điện tử thuộc về hai cấp độ giao dịch C và D. 

Theo đại diện NHNN, để có thể xác thực sinh trắc học lần đầu theo Quyết định 2345, khách hàng có thể tự thao tác trên ứng dụng ngân hàng. Quy trình này gồm 3 bước: Chụp ảnh mặt trước, sau của căn cước công dân; đưa căn cước công dân gắn chip vào đầu đọc chip trên điện thoại để truyền dữ liệu; cuối cùng là quét khuôn mặt.

Ông Trần Công Huỳnh Lân - Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ (Hiệp hội Ngân hàng) cho biết: Trong quá trình thực hiện, việc áp dụng công nghệ NFC (công nghệ kết nối không dây tầm ngắn) để đọc dữ liệu từ CCCD gắn chíp vừa qua còn gặp khó do thiết bị của nhiều khách hàng chưa hỗ trợ NFC; các tổ chức tín dụng cũng phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chi phí dịch vụ xác thực, chi phí vận hành... Ngoài ra, hiện một số người dân vẫn dùng CCCD thường (không gắn chíp) hoặc thậm chí là giấy chứng minh thư nhân dân cũ 9 số. Các giấy tờ này vẫn còn hiệu lực pháp lý.

Tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng

Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 7 thông qua sáng 29/6, Quốc hội đồng ý cải cách tiền lương, tăng lương cơ sở từ ngày 1/7. Quốc hội cũng đồng ý tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng. Người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng mỗi tháng, điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng; người hưởng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng, điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn cũng tăng 35,7% từ 2,055 lên 2,789 triệu đồng/tháng. Chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 1/7.

Với các đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương, Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát toàn bộ khung pháp lý để có cơ sở trình cấp thẩm quyền quyết định sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan cho phù hợp trước 31/12/2024. Phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6/2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 1/7 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù sẽ được bảo lưu.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản cùng lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm từ 2024 - 2026 là 913,3 nghìn tỷ đồng. Với số tiền này, Chính phủ đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện.

Từ ngày 1/7, người dân được xuất trình giấy tờ lái xe qua VNeID

Từ ngày 1/7, khi Cảnh sát giao thông kiểm tra trên đường, người dân có thể xuất trình giấy phép lái xe, đăng ký xe... qua ứng dụng VNeID.

Theo Thông tư 28 được Bộ Công an ban hành ngày 29/6, ngoài hình thức bản giấy, người tham gia giao thông có thể trình Cảnh sát giao thông các loại giấy tờ sau qua ứng dụng VNeID: Giấy phép lái xe; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; bằng, chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực giấy đăng ký xe kèm bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực.

Ngoài ra, người dân cần xuất trình các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định; giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Cũng theo Thông tư này khi người vi phạm giao thông xuất trình giấy tờ qua ứng dụng VNeID, trong trường hợp phải tạm giữ giấy tờ thì cảnh sát giao thông sẽ tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử. Đồng thời cảnh sát cập nhật thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính và đồng bộ ứng dụng VNeID, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý để người vi phạm, chủ phương tiện biết.

Các loại biên bản, quyết định của người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, trả lại giấy tờ được thực hiện theo biểu mẫu quy định và có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử trên ứng dụng VNeID, ứng dụng, hệ thống thông tin điện tử khác khi đủ điều kiện kỹ thuật thực hiện.

Trường hợp bị tạm giữ giấy tờ trên ứng dụng VNeID, khi làm thủ tục trả lại giấy tờ cho người bị xử phạt thì người có thẩm quyền thực hiện thực hiện đồng bộ thông tin với ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý để gỡ bỏ thông tin về việc tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy trước tờ đó.

Trường hợp lái xe đã bị tạm giữ giấy phép trên ứng dụng VNeID, sẽ không được sử dụng bản cứng để tiếp tục tham gia giao thông. Đại diện Cục Cảnh sát Giao thông lý giải: Khi bị tước giấy phép lái xe bản cứng, cảnh sát cũng sẽ nhập dữ liệu trên hệ thống do đó có thể tra cứu dữ liệu xem giấy phép đã bị tước trong thời gian bao lâu.

Minh Phương/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu