Thứ Sáu, 19/04/2024 09:07 (GMT +7)

Đưa khai khoáng vào nề nếp

Thứ 5, 24/09/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Đối với các tỉnh vùng Tây Bắc, khoáng sản là tài nguyên, tiềm lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng này cần phải gắn với mục tiêu tiết kiệm, nâng cao giá trị khoáng sản thông qua các chương trình, dự án đẩy mạnh chế biến sâu, tránh sự “chảy máu” tài nguyên vô ích.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chế biến sâu khoáng sản, tăng cường kiểm soát khâu vận chuyển và khai thác, các tỉnh vùng Tây Bắc đã và đang từng bước đưa việc quản lý, khai thác chế biến khoáng sản đi vào nề nếp.

So với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng có những lợi thế quan trọng về tài nguyên khoáng sản. Hiện cả nước có hơn 1.000 mỏ lớn nhỏ đang được khai thác. Nhưng do quản lý thiếu chặt chẽ nên tình trạng khai thác thiếu quy hoạch, rất bừa bãi đối với các mỏ nhỏ, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, hủy hoại môi trường, thảm thực vật, gây sự cố môi trường như sạt lở, sập hầm lò…

Dây chuyền sản xuất kẽm thỏi (hàm lượng ≥ 99,95% Zn) tại Nhà máy Luyện kim màu Thái Nguyên.

Đặc biệt, các mỏ nhỏ nằm phân tán ở các địa phương không được quản lý thống nhất, đồng bộ nên tình trạng thất thoát tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường càng trầm trọng hơn. Bên cạnh việc làm lãng phí tài nguyên do không tận thu được hàm lượng khoáng sản hữu ích, việc khai thác bằng công nghệ lạc hậu còn gây ra tình trạng mất rừng, xói lở đất, bồi lắng và ô nhiễm sông suối, ven biển.

Bên cạnh đó, phương thức chế biến và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như tiêu dùng còn nhiều bất cập, chưa thân thiện với môi trường nên đã và đang tác động xấu đến nhiều vùng trong cả nước, đe dọa đến sự phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống xã hội trong hiện tại và tương lai.

Một số loại khoáng sản như bauxit, đất hiếm… Việt Nam có dự báo đạt tầm cỡ thế giới, nhưng thế giới cũng có nhiều và không có nhu cầu tiêu thụ lớn. Điều đó có nghĩa là loại khoáng sản thế giới cần thì Việt Nam lại không có. Đây là vấn đề phải được quan tâm nghiên cứu đánh giá khách quan giữa cung và cầu, để có chiến lược sử dụng tài nguyên khoáng sản đúng đắn, hợp lý, phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước.

TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu