Chủ Nhật, 15/12/2024 13:05 (GMT +7)

Dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu giá trị cao

Thứ 7, 14/12/2024 | 09:59:31 [GMT +7] A  A

Sáng 13/12, tại Bến Tre, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa”.

Đại biểu tham quan mô hình giống dừa sáp cấy mô tại Diễn đàn

Diễn đàn là cầu nối chiến lược trong chuỗi giá trị dừa, để các bên liên quan cùng nhau nắm bắt cơ hội hợp tác, đổi mới phương thức sản xuất và tận dụng tối đa các tiềm năng từ thị trường trong và ngoài nước, đưa ngành dừa Việt Nam vươn lên, sẵn sàng chinh phục cột mốc tỷ đô.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Các sản phẩm chế biến từ dừa đang có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị của cây dừa, tăng thu nhập cho người dân. Theo thống kê, 30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 30% được cấp mã số vùng trồng.

Theo bà Thủy, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu diện tích dừa trên toàn quốc đạt trên 200.000 ha. Các vùng trồng dừa trọng điểm là Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 175.000 ha và Duyên hải Nam Trung bộ. Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, phát triển sản xuất và chế biến dừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức chia sẻ, tỉnh được mệnh danh “thủ phủ dừa” của cả nước với diện tích trồng trên 80.000 ha, chiếm 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước. Cây dừa được xác định là cây trồng chủ lực và nguồn thu nhập của hơn 200.000 hộ dân khu vực nông thôn của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số với diện tích hơn 8.300 ha. Tỉnh có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Mỗi năm, xuất khẩu dừa mang về cho tỉnh Bến Tre hơn 350 triệu USD.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt trên 20.700 ha. Tỉnh hình thành chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ với 8 doanh nghiệp lớn, có công nghệ chế biến hiện đại, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm dừa hữu cơ vào nhiều thị trường như: Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc…

Theo ông Đức, để trồng dừa hữu cơ và quản lý hiệu quả việc cấp mã số vùng trồng, Bến Tre đã quyết liệt đưa việc phát triển dừa vào các Nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh lấy việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất làm nền tảng để phát triển cây dừa. Bởi lẽ, khi chuỗi liên kết lớn mạnh mới huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nông dân.

Dừa là 1 trong 6 đối tượng nằm trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT năm 2024. Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195.000-210.000 ha; vùng trồng dừa trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 170.000 - 175.000 ha, còn lại là vùng Duyên hải Nam Trung bộ, các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ...

Hiện nay, ngành dừa Việt Nam, với diện tích gần 200.000 ha, đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Từ con số khiêm tốn chỉ 180 triệu USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2010, ngành dừa đã phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024. Những bước tiến tích cực như việc Mỹ và châu Âu chấp thuận dừa Việt Nam, cùng quá trình đàm phán với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch, đã tạo ra tiền đề lớn cho sự mở rộng thị trường và phát triển bền vững của ngành dừa.

Riêng Trung Quốc hiện là thị trường rất quan trọng của dừa, hàng năm nước bạn tiêu thụ 4 tỷ quả dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỷ quả tươi... Trong khi nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế, đây chính là cơ hội cho quả dừa của Việt Nam. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội to lớn cho dừa tươi Việt Nam chinh phục thị trường tỷ dân.

Tại diễn đàn, nhận định về cơ hội và thách thức tại thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu trái cây hàng đầu của nước ta đánh giá, thị trường Trung Quốc đem đến nhiều cơ hội lớn cho xuất khẩu dừa Việt Nam, nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức.

Về thuận lợi, Trung Quốc là thị trường đông dân, nhu cầu cao đối với các sản phẩm từ dừa, đặc biệt là dừa tươi, nước dừa, dầu dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa. Với vị trí địa lý gần gũi, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về chi phí vận chuyển so với các đối thủ từ Đông Nam Á và châu Phi. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi về giảm thuế và đẩy mạnh giao thương. Việt Nam là quốc gia có sản lượng dừa lớn, đặc biệt từ Bến Tre và các tỉnh miền Tây, đảm bảo khả năng cung cấp ổn định cho thị trường.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phong Phú cho rằng, xuất khẩu dừa sang Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật, chất lượng và an toàn thực phẩm. Sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước sản xuất dừa khác như Thái Lan, Indonesia, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải cải tiến sản phẩm và giữ giá hợp lý...

Kết luận diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, từ khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa dừa vào danh mục các cây công nghiệp chủ lực đã giúp ngành hàng dừa có sự thay đổi rõ nét. Tuy nhiên, khi các Hiệp định thương mại được ký kết, thuế suất xuất khẩu dừa giảm xuống còn 0% vừa là điều kiện thuận lợi vừa là thách thức nếu chúng ta không có chiến lược cụ thể. Do đó, hiện nay, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành dừa, các địa phương cần tận dụng các chính sách này để hỗ trợ hoạt động sản xuất của người dân.

Về phía các doanh nghiệp Việt, trong nước đã có nguồn nguyên liệu chất lượng cao thì phải có chiến lược nâng giá bán sản phẩm ở các thị trường, để lấy phần gia tăng đó quay trở lại hỗ trợ giá mua cho người dân.

Bài, ảnh: Công Trí (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu