Thứ Bảy, 10/05/2025 06:58 (GMT +7)

Đưa y học cổ truyền vào đời sống

Thứ 4, 26/02/2020 | 13:05:00 [GMT +7] A  A

Cùng với sự phát triển của nền y học hiện đại, thời gian qua, hoạt động khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ghi nhận của phóng viên Thời sự nhân kỷ niệm 65 năm ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2020).

Vào tất cả các ngày trong tuần, Phòng chẩn trị y học cổ truyền – Hội Đông y huyện Bến Lức đều mở cửa đón khách. Và cũng như hầu hết các phòng, tổ chẩn trị khác của Huyện hội, những “thầy thuốc không lương” nơi đây phục vụ khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân bằng cả tấm lòng của mình. Với nhiều bệnh nhân, việc sử dụng phương pháp Đông – Tây y kết hợp mang lại hiệu quả tích cực trong điều trị, nhất là các bệnh mãn tính.

Nhiều bệnh nhân từ ở xa như TPHCM, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu…đến đây điều trị

Được người thân giới thiệu, gần đây, cứ tờ mờ sáng, vợ chồng chị Lương Thị Ngọc Hương lại tranh thủ thu xếp công việc, đi từ quận 6, TP.HCM đến Phòng chẩn trị y học cổ truyền – Hội Đông y huyện Bến Lức để chữa bệnh. Những lúc cao điểm, mỗi buổi sáng, phòng khám của Huyện hội có hàng chục lượt bệnh nhân trong và ngoài địa phương đến đăng ký điều trị, thậm chí, có nhiều người ở xa như TPHCM, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu…Chị Ngọc Hương chia sẻ: ” Em châm cứu nay đúng 10 ngày, em thấy tình trạng bớt rất nhiều, mắt bớt giật với cái miệng cũng hết méo. Mấy cô ở đây rất hiền mà dễ thương lắm, quan tâm đến những người bệnh nhân lắm. Em tranh thủ từ 5h sáng đến đây 6h, em châm cứu đến hơn 7h, các cô thấy em ở cũng hơi xa đến nên kéo dài thêm khoảng 20 phút”

Chị Lương Thị Ngọc Hương ngụ quận 6, TP.HCM đến chữa bệnh bằng châm cứu kết hợp với máy điện châm

Bên cạnh kinh phí do Nhà nước hỗ trợ, Huyện hội chủ động trang bị cơ sở vật chất phục vụ quá trình điều trị, trong đó có khoảng 10 máy điện châm, 10 máy châm cứu và 5 giường bệnh chuẩn. Tại đây, công tác khám, chữa bệnh, bốc thuốc được thực hiện hoàn toàn miễn phí. Và tùy vào điều kiện kinh tế, bệnh nhân có thể tự nguyện đóng góp để duy trì hoạt động này.

Lương y Phạm Thị Nhã bốc thuốc

Lương y Phạm Thị Nhã – Chủ tịch Hội đông y huyện Bến Lức, tỉnh Long An: “Có nhiều bệnh nhân đã đột quỵ, té xuống câm luôn, trong khi đó tốn hết 95 triệu mà không nói được. Đem ra đây trị 2 ngày, 3 ngày là nói được, mình vừa châm cứu vừa bốc thuốc uống thêm, có những bệnh nhân bình phục không ngờ luôn. Mình toàn tâm toàn ý thì bệnh nhân mau hết. Tuy là làm không có lương, nhưng với tâm huyết cả đời mình bỏ vô đây thì khi mình giúp một bệnh nhân, mà người ta uống nhiều chỗ hổng hết mà người ta về đây uống hết, mình cảm thấy rất là vui vì đã trả lại hạnh phúc đời thường cho người ta.”

Với phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn”, những “thầy thuốc không lương” trên địa bàn huyện Bến Lức nói riêng và trong tỉnh nói chung vẫn miệt mài đưa y học cổ truyền vào đời sống, góp phần cùng ngành y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân để xứng đáng là “lương y như từ mẫu”./.

Thanh Thủy – Võ Huy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu