Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 19/01/2025 16:02 (GMT +7)
Đức Huệ hội thảo mô hình thâm canh bắp lai chuyển đổi gen
Thứ 3, 18/04/2017 | 16:00:00 [GMT +7] A A
Phòng nông nghiệp & PTNT huyện Đức Huệ vừa tổ chức buổi hội thảo mô hình thâm canh bắp lai chuyển gen tại nhà anh Bùi Văn Thống, nông dân ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông. Đến dự có bà Hồ Thị Diệp Thúy – PGĐ Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Long An, ông Phạm Văn Liên – PCT UBND huyện Đức Huệ. Đây là mô hình được được Sở KH-CN tỉnh Long An đầu tư, nhằm đánh giá khả năng thích nghi của cây bắp lai bến đổi gen trên vùng đất xám bạc màu của huyện Đức Huệ, góp phần ổn định cơ cấu sản xuất (lúa – màu), xây dựng vùng chuyên canh tại địa phương.
Mô hình được thực hiện tại ấp 4 với quy mô diện tích 10 ha của 16 hộ nông dân trên địa bàn. Thời gian thực hiện từ 100 – 105 ngày, bắt đầu xuống giống từ ngày 4-15/1/2017, thời gian thu hoạch từ 20-30/4/2017. Giống bắp chuyển gen được sử dụng trong mô hình là CP-501S và giống bắp được sử dụng để đối chứng là CP-501 với liều lượng 20kg/ha, trong đó Phòng NN&PTNT hỗ trợ 10kg giống. Nông dân áp dụng theo quy trình thâm canh tăng năng suất dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Lượng phân bón đầu tư vào mô hình ít, nhưng đem lại hiệu quả cao.
Sau khi tham quan thực tế mô hình và đánh giá tại buổi hội thảo, đa số bà con nông dân đều khẳng định mô hình bước đầu cho kết quả khả quan. Bắp lai chuyển gen phát triển mạnh hơn giống bắp thường, kháng sâu đục thân, sâu ăn lá, sâu khoang, đồng thời chống chịu với thuốc trừ cỏ gốc Glyphosate khi phum trùm lên cây bắp. Năng suất đạt từ 8-8,5 tấn/ha. Qua hạch toán kinh tế, sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình trồng bắp chuyển gen cho lãi trên 21 triệu đồng. Còn mô hình trồng bắp không chuyển gen cho lãi 20 triệu 570 ngàn đồng.
Như vậy, nếu so với cây lúa vụ Đông Xuân trên cùng 1 chân đất và cùng một thời điểm gieo sạ, thì sau khi thu hoạch, bắp lai mang lại lợi nhuận cao hơn cây lúa khoảng 6 triệu đồng. Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, việc trồng bắp lai chuyển gen còn giúp nông dân nắm vững các kỹ thuật trồng bắp thâm canh; ứng dụng tưới tiêu tốt, biết sử dụng thuốc BVTV “khi cần thiết” và điểm nổi bậc là biết ứng dụng cơ giới hóa từ khâu gieo trồng đến khâu thu hoạch. Hiệu quả bước đầu mang lại cho thấy mô hình phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương và cần được nhân rộng trong toàn huyện.
Tin, ảnh: NHƯ HUỲNH
Ý kiến ()