Thứ Bảy, 11/01/2025 13:47 (GMT +7)

Đức Huệ tổng kết Mô hình thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình

Thứ 7, 25/12/2021 | 11:38:00 [GMT +7] A  A

Nhờ thực hiện “Mô hình thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” mà tình trạng vứt rác bừa bãi không có phân loại rác của các hộ gia đình trên địa bàn ấp Chánh, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ không còn nữa, các hộ cũng đã thay đổi ý thức và biết cách phân loại rác tại nguồn, tận dụng nguồn rác tái chế được, ủ phân từ rác hữu cơ dễ phân hủy hạn chế rác thải ra môi trường.

Hội Nông dân tỉnh Long An tổng kết Mô hình tại ấp Chánh, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ.

Đây là một tín hiệu vui bước đầu của “Mô hình thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” mang lại hiệu quả đáng kể ngay từ đầu thực hiện, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương. Vấn đề này được Hội Nông dân tỉnh đánh giá tại buổi tổng kết mô hình được tổ chức vào ngày 24/12/2021 sau một thời gian thực hiện mô hình.

Bình Hòa Bắc là xã nội địa của huyện Đức Huệ. Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Cây trồng chủ lực trên địa bàn xã là cây lúa và cây chanh, người dân chăn nuôi chủ yếu là nuôi bò sinh sản, một số ít hộ dân sống bằng buôn bán, kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ. Trước khi thực hiện mô hình, vấn đề ô nhiễm môi trường của xã vẫn còn xảy ra và diễn biến phức tạp. Theo đó, một số hộ dân trên địa bàn còn thiếu quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, người dân xả nước thải từ chăn nuôi ra kênh rạch gây ô nhiễm môi trường, chưa ý thức trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đốt đồng, các phụ phẩm nông nghiệp chưa có cách xử lý nên gây ảnh hưởng đến môi trường sống ở nông thôn, ô nhiễm môi trường nước, không khí… làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của nhân dân.

Hội Nông dân huyện Đức Huệ kiểm tra thực tế thùng ủ rác tại hộ gia đình

Trước thực trạng này, để góp phần cùng với chính quyền địa phương trong thực hiện đạt Tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng xã Nông thôn mới, Hội Nông dân tỉnh đã chọn ấp Chánh, xã Bình Hòa Bắc làm điểm của huyện Đức Huệ thực hiện “Mô hình thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” với 60 hộ tham gia và được phân chia thành 04 tổ. Để mô hình triển khai đạt hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh cùng với Hội Nông dân huyện, xã tổ chức tuyên truyền, mở lớp tập huấn nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường, hướng dẫn cho các thành viên trong mô hình về cách thức phân loại rác, cách xử lý rác tại hộ gia đình, cách ủ rác thải thành phân bón cho cây trồng… Tham gia mô hình, mỗi thành viên còn được hỗ trợ 01 thùng ủ phân và men vinh sinh để ủ phân hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Bỏ là một trong những thành viên của mô hình thực hiện thành công cách ủ rác thành phân bón. Ông cho biết: “ Vận dụng những kiến thức được tập huấn xử lý rác cho hộ gia đình, tôi đã thực hiện theo quy trình ủ rác thành phân bón, sau khi gom rác rau củ quả thừa trong gia đình tôi tiến hành bỏ vào thùng ủ đầu tiên là cho một lớp trấu dày khoảng 10 cm rồi tới rác rau củ quả thừa, pha nước với men vi sinh để tưới vào, xong rồi bỏ thêm lớp phân bò khô vào có thể thay thế bằng tro dừa, cứ một lớp phân một lớp rác tôi làm liên tục như vậy…”

Trong quá trình thực hiện, các tổ còn thường xuyên tổ chức họp thành viên để hướng dẫn trao đổi kinh nghiệm, đôn đốc các thành viên trong tổ thực hiện tốt theo quy trình, đồng thời báo cáo tiến độ, kết quả xử lý rác làm phân hữu cơ cho Hội Nông dân cấp trên nắm biết. Qua một tháng thực hiện mô hình, đến nay 60/60 hộ tham gia đã phân loại rác đúng theo yêu cầu, đối với rác tái chế thu gom lại để bán cho vựa phế liệu, đối với rác không tái chế được hộ dân thu gom, đựng trong dụng cụ chứa rác tại gia đình rồi đốt tiêu hủy, còn đối với rác hữu cơ để phân hủy hộ dân cho vào thùng ủ và tiến hành tưới trộn chế phẩm sinh học. Kết quả, qua khảo sát thực tế, hầu hết các thùng ủ rác đang phân hủy thành phân hữu cơ.

Thùng ủ phân tại hộ gia đình

Theo các hộ tham gia mô hình nhận định, mô hình đã mang lại nhiều lợi ích về môi trường, kinh tế, xã hội. Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung – một thành viên khác của mô hình chia sẻ: “Riêng tôi thấy, mô hình đem lại tới 3 lợi ích đó là rác thải sinh hoạt của gia đình được tận dụng làm phân bón để bón phân cho cây trồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm. nguồn phân bón hiện nay ngoài thị trường tăng giá cao do đó việc ủ rác thải thành phân giúp chúng tôi tiếc kiệm được một khoảng kinh phí trong việc mua phân bón chăm sóc các loại cây trồng”.

Bà Nguyễn Thị Nhiều Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Huệ thông tin: “Qua quá trình triển khai thực hiện mô hình đa số bà con nông dân đảm bảo theo đúng yêu cầu và tổ chức tập huấn ủ phân hữu cơ. Sau 01 tháng thực hiện, Hội Nông dân huyện đã tiến hành kiểm tra các hộ, kết quả có 37/60 hộ thực hiện đảm bảo theo yêu cầu sản phẩm thành phân vi sinh, còn lại 23 hộ là chưa đạt. Lý do không đạt theo yêu cầu thứ nhất là về thời gian ủ chưa đảm bảo yêu cầu, thứ hai là trong quá trình ủ phân vi sinh lượng nước tưới không đủ lượng. Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Đức Huệ tiếp tục mời các thành viên trong mô hình họp để các hộ thực hiện mô hình đảm bảo theo yêu cầu và Hội cũng sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này phát triển lan rộng trên địa bàn xã nói riêng cũng như tranh thủ sự hỗ trợ từ phía tỉnh để nhân rộng trong toàn huyện”.

Qua thực tế cho thấy, mô hình “Thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” do Hội Nông dân tỉnh triển khai tại ấp Chánh, xã Bình Hòa Bắc đã làm lan tỏa ý thức xử lý rác bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư ngày càng cao, góp phần cho môi trường nông thôn ngày càng xanh – sạch – đẹp và bền vững.

Kim Tiến

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu