Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 21/12/2024 03:47 (GMT +7)
Đức Huệ triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp”
Thứ 5, 12/12/2024 | 11:00:07 [GMT +7] A A
Huyện Đức Huệ đã được tỉnh Long An chọn là một trong những điểm triển khai thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Ngày 10/12/2024, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Huệ đã chính thức khởi động triển khai đề án trên địa bàn huyện.
Trong khuôn khổ thực hiện đề án, huyện đã lựa chọn thực hiện hai mô hình điểm tại xã Mỹ Thạnh Đông và xã Mỹ Quý Tây. Mô hình điểm đầu tiên đã được khởi động thực hiện tại ấp 1, xã Mỹ Thạnh Đông, với tổng diện tích 20 héc-ta và 13 hộ tham gia, là thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Đúng Sạch.
Hơn 50 đại biểu và nông dân trên địa bàn huyện Đức Huệ đã tham gia tham quan mô hình trình diễn máy sạ hàng kết hợp vùi phân bón trên đồng ruộng. Bên cạnh đó, đại diện công ty TNHH MTK Hữu Thành - đơn vị cung ứng phân bón và đồng hành xuyên suốt trong quá trình triển khai đề án giới thiệu về quy trình canh tác tiên tiến đang được áp dụng.
Ông Phạm Văn Luốc – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin: “Trên cơ sở đề án của tỉnh, Đức Huệ cũng thực hiện 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2024 – 2025) thực hiện từ 80 – 100 héc-ta, giai đoạn (2025 – 2030) thực hiện khoảng 800 héc-ta. Rất cảm ơn Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Đúng Sạch thực hiện mô hình điểm của tỉnh. Mục tiêu của mô hình điểm là xác định, đánh giá có khoa học, lợi ích canh tác theo tiêu chí của đề án. Không riêng gì 2 xã Mỹ Thạnh Đông và Mỹ Quý Tây mà chúng tôi đăng ký thực hiện đề án, hôm nay khởi động đề án mong các xã – thị trấn còn lại quan tâm. Đây là điểm sáng để nhân rộng mô hình cho nhiều xã”.
Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" áp dụng các quy trình kỹ thuật canh tác mới trong sản xuất lúa như: giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 70 - 80 kg/ héc-ta, giảm 20% lượng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (Sustainable Rice Platform - SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng; thực hiện cơ giới hóa đồng bộ; thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng để chế biến và tái sử dụng…
Những giải pháp trên nhằm đạt mục tiêu giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính, so với canh tác truyền thống, đồng thời tăng lợi nhuận cho người trồng lúa. Việc đổi mới quy trình canh tác không chỉ hỗ trợ phát triển kinh tế mà còn góp phần giữ gìn môi trường, đáp ứng các yêu cầu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Sau khi tham quan trình diễn máy gieo sạ lúa và nghe công ty TNHH MTK Hữu Thành nói về quy trình canh tác, Nguyễn Văn Chinh – Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Đúng Sạch nói: “Qua tham gia, tôi thấy mô hình này phù hợp với vùng đất ở đây, sạ 1 héc-ta 80kg tôi thấy bình thường, trước đây ở vùng Đức Huệ đã có sạ hàng rồi, 100 kg kéo bằng tay thì nay sạ bằng máy, khoảng cách hàng thưa hơn thành ra tụt xuống 20 kg, tôi thấy 20 kg này so với sạ hàng 100kg bằng nhau vì số hạt lúa rớt trên số hàng dày không thưa. Do đó tôi mạnh dạn sạ ngoài ra mô hình này tôi cũng tham quan nhiều nơi, nông dân cũng đã làm, có thu hoạch và có năng suất thấp cũng 5,5 tấn/héc-ta.”
Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đầu tiên trên thế giới được triển khai ở quy mô cấp Chính phủ. Mục tiêu chung là hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gia tăng giá trị ngành lúa gạo, nâng cao đời sống người nông dân và đóng góp tích cực vào cam kết quốc tế của Việt Nam. Đề án không chỉ là bước tiến mới trong nông nghiệp mà còn thu hút sự quan tâm từ nhiều đối tác quốc tế, khẳng định vị thế lúa tỉnh Long An nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung trên bản đồ nông nghiệp bền vững toàn cầu.
Kim Tiến – Hoàng Anh
Ý kiến ()