Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 31/12/2024 02:45 (GMT +7)
Đường lớn đã mở
Thứ 5, 08/10/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Sáng 5/10/2015 đã trở thành thời khắc lịch sử đối với 12 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP trong cuộc họp báo thông báo về thỏa thuận TPP vừa đạt được tại Hội nghị ở Atlanta ngày 5/10. Ảnh: THX-TTXVN |
Sau hơn 5 năm đàm phán và 6 ngày nước rút, sáng 5/10/2015 đã trở thành thời khắc lịch sử đối với 12 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi các bộ trưởng tuyên bố đạt được thỏa thuận cuối cùng về hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này tại hội nghị ở thành phố Atlanta, Mỹ.
Trong xu thế mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ý tưởng thành lập một khu vực thương mại tự do, xóa bỏ các loại thuế và rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ, xuất nhập khẩu giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương đã được ba nước Chile, New Zealand và Singapore khởi xướng lần đầu tiên bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2002 tại Mexico. Ba năm sau, hiệp định này được 4 nước gồm Brunei, Chile, Singapore và New Zealand ký kết (còn gọi là P4), mở đầu một tiến trình có tới 12 nước tham gia, trong đó có Việt Nam. TPP là một hiệp định thương mại tự do đa phương theo cơ chế mở, bao gồm không chỉ các vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những lĩnh vực phi thương mại. Theo ước tính, sau khi có hiệu lực, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 800 triệu dân, chiếm tới 40% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu và chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Điều đó cho thấy tác động của TPP đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế các nước thành viên nói riêng là rất lớn.
Có lẽ vì điều đó, đàm phán TPP đã trở thành một trong những quá trình đàm phán kéo dài và cam go nhất trong lịch sử thương mại khu vực và thế giới. Trước khi đi tới thỏa thuận cuối cùng ở Atlanta, các nước thành viên đã trải qua hơn 20 vòng đàm phán với rất nhiều lần lỗi hẹn thời hạn chót và có những thời điểm, đàm phán tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt. Đạt được thỏa thuận về TPP là một kỳ tích lịch sử vì hiệp định này đề ra những tiêu chuẩn rất cao, nhiều tham vọng, cả về thương mại, kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động. Đặc biệt, TPP sẽ dỡ bỏ sâu các rào cản thuế quan, trong đó nhiều loại thuế sẽ giảm xuống gần như bằng 0%, đồng thời khơi thông các dòng vốn đầu tư giữa 12 nước thành viên. Hiệp định cũng sẽ giúp hình thành một không gian kết nối hai đầu Thái Bình Dương giữa Bắc Mỹ và Đông Á. Đây hiện là khu vực kinh tế năng động nhất với sự có mặt của các nền kinh tế hàng đầu thế giới và các nền kinh tế năng động nhất khu vực như Việt Nam và Singapore. Theo tính toán, trong vòng 10 năm nữa, TPP sẽ tạo ra mỗi năm thêm 1% GDP toàn cầu. Trong bối cảnh Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bắt đầu cho thấy phần nào hạn chế bắt nguồn từ việc số lượng thành viên quá đông nên khó đạt được các quyết định đồng thuận, TPP đang nổi lên như là một cơ chế đa phương thiết thực và hứa hẹn hơn. Một khi có hiệu lực, TPP không chỉ tạo ra một sân chơi mới cho các nền kinh tế khu vực mà còn góp phần định hình cấu trúc kinh tế-thương mại và đầu tư của châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai.
Đối với Việt Nam, với tư cách là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, tham gia một cấu trúc khu vực quan trọng như TPP sẽ giúp Việt Nam nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế và khu vực, cũng như xu thế hội nhập kinh tế quốc tế đem lại. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025; xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025. Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu còn 0% sẽ giúp tạo ra cú hích lớn đối với hoạt động xuất khẩu. TPP sẽ giúp Việt Nam có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới hình thành, đồng thời đón nhận những cơ hội tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Gần đây, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đã đầu tư dự án mới hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong các lĩnh vực như sản xuất sợi, dệt may, giày da, chế biến gỗ,… để đón đầu TPP. Do đó, có cơ sở để khẳng định rằng đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng mạnh hơn khi TPP được triển khai, không chỉ trong các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu mà còn trong các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng, bất động sản… Thêm vào đó, TPP, với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy nhà nước, sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tuy nhiên, tham gia TPP đồng nghĩa với việc Việt Nam bước vào một sân chơi lớn tiềm ẩn rất nhiều thách thức, trong đó có sức ép mở cửa thị trường và khả năng “sinh tồn”, cạnh trạnh của các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ bị “ngợp” trong sân chơi mới này, thậm chí có thể bị thua ngay trên sân nhà.
Một khi được quốc hội các nước thành viên phê chuẩn, TPP sẽ mở ra con đường mới – con đường dẫn tới tương lai của hợp tác và hội nhập châu Á-Thái Bình Dương. Đường mới đã mở, thời cơ và thách thức luôn song hành, mỗi nước thành viên TPP cần hoàn thiện mình nếu không muốn tụt lại phía sau.
Ý kiến ()