Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 18:29 (GMT +7)
Đường nhập lậu gây tổn thất nghiêm trọng cho ngành mía đường Việt Nam
Thứ 5, 31/10/2019 | 16:35:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Gian lận thương mại và buôn lậu quy mô lớn đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ.
Ngày 30/10, tại TP HCM, ông Nguyễn Văn Cẩn – Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ủy viên Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) chủ trì Hội nghị bàn các giải pháp chống buôn lậu đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam.
Người trồng mía lao đao vì đường lậu
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, hiện nước ta có 40 DN hoạt động sản xuất kinh doanh đường. Ngành mía đường trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh bất bình đẳng dưới nhiều hình thức gian lận thương mại, trợ cấp, trợ giá, bảo hộ trá hình được tiến hành một cách tinh vi, có hệ thống trên quy mô lớn từ nhiều thập kỷ nay. Hơn 2 năm qua, gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ.
Tổng diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm khoảng 30 – 60% so với các năm trước. Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy duy trì sản xuất công suất thấp. Chi phí đầu tư mỗi 1.000 m2 mía khoảng 7 triệu đồng nhưng chỉ thu được khoảng 3 – 4 triệu khiến nông dân nợ ngân hàng rất nhiều, một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng vì càng đầu tư càng lỗ. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản nhưng việc này cũng không hề đơn giản. Đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.
Buôn lậu đường ngày càng phức tạp, tinh vi
Theo Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường qua biên giới vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp, chủ yếu tập trung ở TP HCM, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Quảng Trị, Kiên Giang, Bình Phước… với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Khi bị lực lượng chống buôn lậu phát hiện bắt giữ, các đối tượng chống trả quyết liệt, vứt hàng bỏ chạy hoặc cho người giám sát cơ quan chức năng, hoặc sử dụng bộ hồ sơ mua đấu giá đường hợp pháp để hợp thức hóa hàng lậu nhằm đối phó. Vì vậy, việc bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm hết sức khó khăn.
Hội nghị cho rằng, tình trạng buôn lậu đường ngày càng diễn biến phức tạp
Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu sử dụng phổ biến là thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói, sau công đoạn đóng bao mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa đem đi tiêu thụ; tham gia đấu giá đường (đưa giá rất cao mà không ai có thể cạnh tranh được) từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, sau đó sử dụng hồ sơ đó quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác; đưa bao bì in trong nước, đem sang bao ở nước ngoài (thường là Campuchia) đóng hàng đường vào đó, như vậy đường nhập lậu đã có nhãn mác Việt Nam và nếu không bắt được quả tang trên biên giới, một khi đã đưa vào kho rồi thì rất khó chứng minh có phải đường nhập lậu hay không…
Cần nhiều biện pháp mạnh
Từ năm 2018 đến hết tháng 9 năm nay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 876 vụ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường trị giá trên 12 tỷ đồng.
Chống buôn lậu đường đang đặt ra nhiều thách thức đối với lực lượng chức năng. Trong khi đường biên giới dài, rộng, nhiều kênh rạch, đường mòn, lối mở và đa số người dân ở khu vực biên giới không có việc làm và thu nhập ổn định; nhiều kho hàng vẫn còn tồn tại trong khu vực biên giới, thì các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, hợp thức đường lậu bằng hóa đơn chứng từ, hồ sơ bán đấu giá tài sản, thay đổi bao bì nhãn mác của Việt Nam để đối phó với các lực lượng chức năng.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất cần đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường. Hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã QR code nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng.
Nhiều ý kiến đề xuất giải pháp mạnh để ngăn chặn nạn đường lậu.
Mặt khác, cần nhanh chóng sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, đưa các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói đường vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và một số bất cập khác của các văn bản dưới luật. Đồng thời điều tra, xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại.
Đối với quy định thanh lý đường nhập lậu, ý kiến tại hội nghị đề nghị,chỉ cho phép các đơn vị có giấy phép (thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện) tham gia đấu giá, trước mắt là các đơn vị sản xuất của Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Công an hướng dẫn các địa phương thống nhất cách xử lý các phương tiện vận chuyển đường nhập lậu; cần tịch thu phương tiện vận tải mà tang vật vi phạm có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm./.
Theo Ngọc Năm/VOV-ĐBSCL
Ý kiến ()