Thứ Sáu, 24/01/2025 10:34 (GMT +7)

Đường sắt chằng chịt điểm giao cắt, lối đi tự mở

Thứ 3, 29/05/2018 | 11:53:00 [GMT +7] A  A

Sau hàng loạt các vụ tai nạn đường sắt gần đây, việc ngăn chặn hiểm họa đường sắt từ các ‘điểm đen’ giao cắt, lối đi tự mở đang là ưu tiên số một.

Theo thống kê của Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT), mạng lưới đường sắt cả nước hiện có gần 4.300 lối đi tự mở, chiếm 73,7% tổng số điểm giao cắt đồng mức đường bộ – đường sắt. Ngoài ra, còn có gần 14.200 vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Đây được coi là những điểm đen thường trực nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt.

Cục Đường sắt Việt Nam cũng cho biết, số vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các lối đi tự mở chiếm hiện chiếm trên 70%, còn lại là tại các vị trí giao cắt.

Các nút giao cắt đường bộ – đường sắt thiếu cảnh báo luôn là điểm đen thường trực hiểm họa.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu các vụ TNGT đường sắt thời gian qua, ngoài trách nhiệm của ngành đường sắt, Bộ GTVT, các cá nhân, tập thể chủ quan trong giám sát, thực hiện quy trình chạy tàu thì chưa thấy rõ vai trò trách nhiệm của các địa phương.

Luật Đường sắt 2005 quy định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý các lối đi tự mở, đường ngang dân sinh, nút giao cắt đường bộ – đường sắt. Giữa Bộ GTVT và các tỉnh, thành cũng có quy chế phối hợp đảm bảo ATGT đường sắt.

Tuy nhiên, nhiều địa phương hiện nay vẫn thờ ơ, coi đây là trách nhiệm của đường sắt. Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh – ATGT (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam – VNR) cho hay, một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do chưa có các quy định pháp lý xác định “điểm đen TNGT” đường sắt.

Hậu quả của sự “thờ ơ” là TNGT đường sắt tại những địa phương này trong hai năm gần đây diễn biến phức tạp. Đơn cử tại Bắc Giang, năm 2017 xảy ra tới 15 vụ, tăng 4 vụ, tăng 2 người chết so với năm 2016; Thừa Thiên – Huế tăng cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và bị thương… Đây đều là những địa phương phức tạp về lối đi tự mở và vi phạm hành lang ATGT đường sắt, trong khi chính quyền địa phương thiếu kiên quyết trong phối hợp để xóa những điểm đen.

Hay như Quảng Bình, hiện trên địa bàn còn tồn tại 4 lối đi dân sinh tự mở qua đường sắt. Từ năm 2014 đến nay, ngành Đường sắt đã nhiều lần có công văn và làm việc trực tiếp với địa phương, đề nghị bố trí người cảnh giới, nhưng địa phương vẫn chưa thực hiện.

Để ràng buộc trách nhiệm địa phương, theo Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi, Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt 2017. Nghị định sẽ dành Mục 2, Chương II để phân rõ các vị trí nguy hiểm đối với ATGT đường sắt và trách nhiệm của các chủ thể.

Liên quan đến điểm đen giao cắt đường sắt, dự thảo đã đưa ra 2 phương án xác định tiêu chí: Dựa trên số vụ và mức độ thiệt hại do TNGT đường sắt trong vòng 12 tháng và dựa trên tần suất phát sinh số vụ tai nạn và mức độ nghiêm trọng của tai nạn.

Theo đó, Chủ tịch UBND từ cấp huyện phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra phát sinh lối đi tự mở qua đường sắt thuộc địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật, nhằm tránh tình trạng thờ ơ và đùn đẩy trách nhiệm như trước đây. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện phải xác nhận hồ sơ vị trí nguy hiểm, phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan lập, quản lý và theo dõi những vị trí nguy hiểm; tổ chức giao thông khu vực vị trí nguy hiểm, giải tỏa hành lang ATGT đường sắt; tổ chức thực hiện giảm, xóa bỏ những vị trí nguy hiểm…
Liên quan đến việc phối hợp với các địa phương về xử lý điểm đen đường sắt, Bộ GTVT cho biết sẽ sớm

tổ chức họp trực tuyến với tất cả các địa phương có đường sắt đi qua để làm rõ trách nhiệm của Bộ, địa phương trong việc quản lý đường ngang, lối đi tự mở, cũng như phải làm xong gờ giảm tốc tại các đường ngang trong năm 2018.

Theo Đăng Sơn/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu