Thứ Năm, 16/01/2025 06:43 (GMT +7)

Formosa tự lựa chọn: Ở lại hoặc đóng cửa

Thứ 6, 15/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia, tại buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016 khi khi đề cập đến thảm họa môi trường do Formosa gây ra.

formosa tu lua chon: o lai hoac dong cua hinh 0
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia

TS. Thành nhấn mạnh, nếu tiếp tục hoạt động tại Việt Nam, Formosa buộc sẽ phải tuân thủ nguyên tắc mà đã cam kết với Việt Nam về vấn đề môi trường. Ngược lại, nếu cho rằng chi phí cho việc xử lý chất thải và những vấn đề môi trường khác quá lớn, Formosa có thể tự rút lui.

Cú sốc cho nền kinh tế

Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II /2016 đánh giá tượng cá chết hàng loạt ở biển miền Trung trong sự cố môi trường nghiêm trọng do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra đã gây một cú sốc bất lợi cho nền kinh tế nói chung, một tổn thất lớn cho khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp nói riêng. Đây là tiếng chuông dữ dội cảnh báo về hậu quả môi trường trong quá trình phát triển.

Theo VEPR, việc chậm chạp trong xử lý tình huống và truyền thông vào giai đoạn đầu khi cuộc khủng hoảng nổ ra cho thấy sự thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng môi trường trên diện rộng, cả về năng lực kỹ thuật lẫn khả năng kết nối chuyên ngành.

VEPR cho rằng việc xác định mức bồi thường phải dựa trên quy trình chặt chẽ cả về pháp lý và kỹ thuật. Nếu chưa có sự xác minh lượng giá tổn thất của cuộc khủng hoảng một cách khoa học mà đã chấp nhận mức đền bù thì vô hình trung đã thừa nhận quy mô tổn thất tương đương với mức đền bù đó. Hành động này có thể khép lại các cơ hội đàm phán dựa trên các tính toán chặt chẽ, khoa học hơn.

Viện trưởng VEPR cho biết, đánh giá tác động về mặt kinh tế của hiện tượng cá chết hàng loạt thông qua 2 kênh. Thứ nhất là tác động trực tiếp đến những ngành có liên quan như nuôi trồng khai thác và chế biến thủy sản, nghề muối, du lịch.

Thứ hai là trong trung và dài hạn, nhiều ngành khác trong nền kinh tế sẽ chịu tác động lan tỏa dây chuyền. Ngoài ra, những thiệt hại về môi trường biển, nguồn lợi thủy sản, uy tín chỉ dẫn địa lý, sinh kế người dân và gắn kết xã hội lâu dài, to lớn và rất khó đánh giá.

Sau vụ việc Formosa, có ý kiến cho rằng cần có những cơ chế bắt buộc đóng cửa những dự án gây ra ô nhiễm nghiêm trọng như Formosa để tránh những tổn thất lớn về môi trường. Thậm chí, nên có cơ chế loại ngay những dự án gây ô nhiễm môi trường.

Chia sẻ quan điểm trước vấn đề này, Viện trưởng VEPR – TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng: Thu hút đầu tư như thế nào là vấn đề rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của mỗi địa phương.

Tuy nhiên, theo vị tiến sĩ này, vẫn phải thu hút đầu tư, vẫn phải ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, nhưng điều quan trọng là phải kiểm soát được vấn đề môi trường bằng vai trò và năng lực quản lý nhà nước.

Để Formosa tự lựa chọn

TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, không có ngành nào là ngành không ô nhiễm tuyệt đối và ngược lại. Điều quan trọng là công nghệ xử lý vấn đề ô nhiễm đến đâu.

“Tôi không đề cập đến những ngành bản chất ô nhiễm mà con người không thể khắc phục được. Còn đối với các ngành như thép của Formosa, hay dệt nhuộm, chúng ta vẫn xử lý được chất thải, có điều chi phí bỏ ra là một con số rất lớn”, TS. Thành nói.

formosa tu lua chon: o lai hoac dong cua hinh 1
Nếu thấy chi phí xử lý chất thải quá lớn, Formosa có thể tự rút lui

Để lại hậu quả lớn như vụ Formosa, theo ông Thành, do chúng ta đã vì thu hút đầu tư mà bỏ qua vấn đề chi phí xử lý chất thải. Khi thu hút đầu tư, điều sai lầm là chúng ta nghĩ là tăng chi phí đó cao quá thì sợ nhà đầu tư họ không vào nữa, trong khi chúng ta cần dự án, cần tăng trưởng.

“Chúng ta không cấm họ ngay từ đầu, chúng ta cũng không đuổi họ vì những dự án của họ có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Đừng vì thấy họ sản xuất thép, dệt nhuộm mà cấm họ, không thèm xem hồ sơ của họ. Hay để họ từ xem xét, nếu thấy chi phí xử lý chất thải quá lớn, họ có thể tự rút lui”, Viện trưởng VEPR chia sẻ.

Theo chuyên gia kinh tế này, quản lý vấn đề môi trường là vấn đề rất khó, cần có năng lực, công nghệ và sự nghiêm túc. Đối với trường hợp Formosa, ông Thành nhấn mạnh, nếu đội ngũ quản lý thực sự có năng lực trong việc kiểm soát vấn đề môi trường, Formosa sẽ thấy chi phí tăng lên rất nhanh và như vậy họ sẽ phải tự lựa chọn: Ở lại hoặc đóng cửa.

TS. Thành nhận định, Formosa là một hồi chuông cảnh tỉnh về năng lực và trách nhiệm quản lý các quá trình gây ô nhiễm. Từ đây, đặt ra vấn đề làm sao để các cơ quan chức năng Việt Nam phải tăng năng lực kiểm soát vấn đề môi trường, có như vậy đất nước mới không chịu thiệt./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu