Thứ Ba, 14/01/2025 17:34 (GMT +7)

Gần 150 tỉ USD vốn FDI ảo

Thứ 4, 10/08/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Trong số gần 300 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà Việt Nam thu hút được từ trước tới nay, có một nửa là vốn ảo.

Theo các chuyên gia, đây là hậu quả của việc ưu đãi theo quy mô nên các nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng đăng ký vống số vốn để nhận được nhiều ưu đãi ở Việt Nam (VN).
gan 150 ti usd von fdi ao hinh 0
Khu đất nơi dự án FDI gần 1 tỉ USD của nhà đầu tư Malaysia ở TP.HCM treo 10 năm
Khai vống để hưởng ưu đãi
Tập đoàn dầu khí PTT (Thái Lan) mới đây chính thức thông báo hoãn thực hiện dự án lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội (Bình Định) sau khoảng 6 năm đeo bám. Đây là quyết định được dự báo từ trước, vì dự án có số vốn khổng lồ, lên tới 27 tỉ USD khó khả thi, dù đã được điều chỉnh còn 22 tỉ USD sau khi đối tác Saudi Aramco cùng tham gia. Hiện dự án đã được chuyển giao cho IRPC (một công ty con của PTT) tiếp tục nghiên cứu.
Trước đó, dự án Nhà máy thép Guang Lian (Đài Loan) ở khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) vốn 2 tỉ USD sau 10 năm “nằm im” đã bị rút giấy phép.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 7.2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 12,94 tỉ USD; vốn giải ngân được 8,55 tỉ USD. Còn trong năm 2015, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào VN 24,1 tỉ USD; vốn thực hiện đạt 14,5 tỉ USD. Lũy kế đến giữa năm 2016 VN thu hút gần 300 tỉ USD FDI. Tuy nhiên, GS-TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khẳng định: Giải ngân vốn FDI tính đến nay tầm 140 tỉ USD. Theo ông, quốc gia nào cũng có sự chênh lệch về số vốn đăng ký FDI và vốn thực hiện, nhưng chênh quá lớn như của VN thì cần xem xét lại thực chất của số vốn đăng ký và giải ngân như thế nào.
GS Mại cho biết theo quy định những dự án cần 50 ha đất hay có vốn cả 100 triệu USD trở lên mới đưa lên trung ương cấp phép và các dự án đầu tư đều phải có ký quỹ với tỷ lệ nhất định mới được cấp phép.
Song thực tế có rất nhiều dự án đầu tư lớn được địa phương cấp phép, vì lý do nào đó, chính quyền địa phương không đưa ra ràng buộc ký quỹ này nên khi nhà đầu tư rút đi, coi như mất trắng.
Có nhiều dự án được đăng ký với con số khủng ban đầu với mục đích chờ để bán lại. “Nhiều dự án tôi không tiện nêu ra ở đây, đăng ký tại các địa phương, số vốn lên đến 3 – 4 tỉ USD, sau nhiều năm, không tìm được nhà đầu tư khác để chuyển nhượng hưởng chênh lệch, họ bỏ đi không kèn không trống. Với những dự án đã cấp phép, sau 5 – 7 năm không nghe động tĩnh gì, phải hiểu đó là những dự án ảo. Họ chưa bỏ một đồng vào dự án, nên rút đi cũng không sao. Song hậu quả để lại sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của VN. Theo tôi, cần siết lại ràng buộc ký quỹ với các dự án đầu tư lớn. Các địa phương không thể dễ dãi để tiếp tục cấp phép mà không bắt nhà đầu tư ký quỹ được”, ông Mại khuyến cáo.
TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, thì cho rằng tổng vốn thực hiện chỉ chiếm khoảng 40% (120 tỉ USD) trong tổng vốn FDI đăng ký 300 tỉ USD. “Thường thì đăng ký bao giờ cũng vượt so với giải ngân thực tế, có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nhà đầu tư đăng ký vốn lớn để lấy “kênh xanh” (được giải quyết nhanh) và hưởng những ưu đãi ở VN. Tình trạng này rất nguy hiểm, bởi nhà đầu tư lấy đất rồi không triển khai dự án, tác động xấu tới cả kinh tế, xã hội. Thậm chí, có những dự án chỉ triển khai một phần, sau đó lại chây ì không tiếp tục. Đấy là mẹo của giới đầu tư”, ông Phong nhấn mạnh.
Tạo nên “sự ảo” trong nguồn tiền đổ vào VN
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khoảng 150 tỉ USD vốn FDI ảo ở VN đang nằm trong các dự án treo, đăng ký rồi không thực hiện hay nhiều dự án đăng ký rồi triển khai nhỏ giọt…
Lý do các nhà đầu tư “thích” đăng ký vốn lớn, theo bà Lan: Xu hướng thổi phồng số vốn đầu tư FDI đã có từ nhiều năm trước vì vốn lớn thường dễ được các cơ quan chức năng quan tâm và dành ưu đãi nhiều hơn.
Có những dự án tuyên bố số vốn lớn sẽ dễ dàng nhận được những ưu đãi về diện tích đất lớn hơn nhiều so với thực tế cần thiết. Phần đất đai dôi dư sẽ trở thành một thứ vốn của nhà đầu tư. Rồi máy móc thiết bị được nhập cũng kê khai giá trị cao hơn nhiều so thực tế. Đến lúc vận hành họ nói đầu tư quá nhiều tiền nhưng doanh thu có bấy nhiêu nên lỗ, không có tiền nộp thuế.
Tỷ lệ công ty nước ngoài ở VN lỗ giả, chuyển giá để né thuế là rất nhiều. Đó cũng là một trong những chiêu thức của các nhà đầu tư nước ngoài, khi họ khai vống vốn lên rất cao để dễ bề đưa ra bài toán kinh doanh thua lỗ nhằm né thuế ở VN.
Bà Lan kể, một công ty thép của VN là P. có quy mô dự án tương đương với dự án của một công ty Đài Loan được triển khai trong cùng khu vực, nhưng vốn của P. chỉ 300 triệu USD còn vốn của doanh nghiệp ngoại tới 1 tỉ USD. Chưa kể, thiết bị của P. nhập khẩu từ Đức, còn công ty kia nhập khẩu từ Đài Loan. Với 1 tỉ USD vốn đăng ký, nhà đầu tư ngoại được cấp đất rộng hơn doanh nghiệp VN rất nhiều, đồng thời được mở cảng riêng với nhiều ưu đãi khác. Trong khi công ty P. rất chật vật trong việc xin một miếng đất đủ rộng để làm hai nhà máy liền kề nhau.
“Nhà đầu tư nước ngoài khai vống vốn lên như vậy để sử dụng nhiều đất, gây lãng phí cho VN, tạo tiền lệ xấu cho việc đi đêm giữa người cấp đất (chính quyền địa phương) và nhà đầu tư. Ngoài ra, khai vống vốn để lợi dụng trốn thuế, nhưng quan trọng hơn là tạo nên sự ảo trong nguồn tiền đổ vào VN, ảo về số vốn có được. Cái ảo này khiến cho những nhà đầu tư thật sự, đàng hoàng không thể vào VN được vì thấy trong những lĩnh vực của mình đã có nhà đầu tư khác hiện diện với số vốn rất lớn. Họ không còn thấy hấp dẫn để vào VN nữa, vô hình trung chúng ta gạt những nhà đầu tư đàng hoàng ra để kéo những nhà đầu tư cơ hội vào”, bà Lan bình luận.
Phải thay đổi chiến lược thu hút FDI
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, đề xuất: “Để hạn chế vốn ảo, đặc biệt là những nhà đầu tư ôm đất, là phải đánh thuế đất lũy tiến. Ví dụ, nếu nhà đầu tư 2 năm không làm gì với dự án thì phải đánh thuế tăng vọt lên gấp đôi, gấp ba. Chiến lược thu hút FDI của VN cũng phải thay đổi, đừng quan trọng số lượng, phải chú trọng chất lượng. Cơ quan xúc tiến đầu tư phải tìm kiếm nhà đầu tư tốt, nhà đầu tư chiến lược, thay vì thu hút mở rộng, ồ ạt. Các giải pháp chạy theo xử lý sau khi cấp phép là tốn kém chi phí, đôi khi không thể cứu vãn, vì hậu quả đã xảy ra rồi”./.
Theo Trần Tâm-Nguyên Nga/Thanh Niên

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu