Chủ Nhật, 12/01/2025 19:07 (GMT +7)

Gạo Việt: Hãy loại bỏ rào cản chính sách, đừng sợ Thái Lan xả kho

Thứ 7, 28/05/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A
gao viet: hay loai bo rao can chinh sach, dung so thai lan xa kho hinh 0
Các chuyên gia khuyến nghị VN cần giảm can thiệp quản lý hành chính vào thị trường lúa gạo

(Ảnh minh họa: SGGP)

Không sợ Thái Lan xả kho gạo

Ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Công ty Phân tích và dự báo thị trường Việt Nam, cho hay: 3 năm trở lại đây, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang rất khó khăn. Mặc dù trước đây diện tích trồng lúa và sản lượng gạo của nước ta tăng mạnh. Nhưng số liệu từ năm 2013 đến nay cho thấy xuất khẩu gạo có xu hướng giảm (từ mức 8 triệu tấn xuống khoảng 6 triệu tấn). Cơ cấu thị trường từ 2010 đến 2015 hiện rõ có sự chi phối của 4 nhà nhập khẩu lớn: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia. Tuy nhiên, giá trị thu được từ xuất khẩu gạo không nhiều (năm 2015 giá trị đạt 2,68 tỷ USD).

Xuất khẩu gạo thơm đang nổi lên đáng kể khi chiếm tỷ trọng rất lớn, trên 15%/năm, trong tổng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Sự đột biến tăng mạnh xuất khẩu gạo thơm, theo ông Diệu, có thể do gạo trắng Việt Nam trở nên kém hấp dẫn trước cạnh tranh của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan; cơ hội từ sự suy giảm cạnh tranh của Thái Lan do chương trình trợ giá. Tuy nhiên, hiện cũng có tín hiệu buồn là gần đây có nhiều thông tin chất lượng gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu bị khách hàng nước ngoài kêu ca, do doanh nghiệp xuất khẩu đã có phối trộn gạo để giảm giá.

“Thái Lan còn tồn trữ khoảng 11,4 triệu tấn; trong đó 1,2 triệu tấn vừa được đấu giá. Trong số lượng gạo tồn trữ trên, lượng gạo có chất lượng tốt chỉ khoảng 0,2 triệu tấn, còn lại là gạo chất lượng thấp 7,5 triệu tấn, khoảng 2 triệu tấn gạo đã bị hỏng…. Phần lớn gạo chất lượng thấp này chỉ dùng cho ngành công nghiệp, thức ăn chăn nuôi”- ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng IPSARD.

Đối với những tháng còn lại của năm 2016, theo ông Diệu, thị trường gạo Việt Nam không nên quá bi quan. Bởi vì tình hình hạn hán và xâm mặn sẽ khiến sản lượng vụ Đông Xuân suy giảm; ảnh hưởng sản lượng vụ Hè Thu. Tuy nhiên, lượng lúa chảy về từ Campuchia sẽ giảm. Trong khi đó, theo tính toán, sản lượng gạo của Việt Nam năm 2016 có thể đạt 15,29 triệu tấn (năm 2015 chỉ 14,8 triệu tấn). Mức tiêu thụ nội địa năm nay khoảng 7,61 triệu tấn; nhập khẩu từ Campuchia khoảng 380.000 tấn; xuất khẩu chính ngạch sẽ khoảng 6,44 triệu tấn; xuất khẩu tiểu ngạch 1,48 triệu tấn. Như vậy, tồn kho cuối kỳ có thể chỉ còn 199.000 tấn. Số lượng này không phải quá lo lắng về tồn kho.

Đặc biệt, liên quan đến câu chuyện thị trường lúa gạo Việt Nam hiện nay, ông Diệu cho hay, thông tin về việc Thái Lan xả tồn kho gạo đang khiến nhiều người lo sẽ tác động tiêu cực đến giá gạo của nước ta. Về điểm này, ông Diệu phân tích: Dù Thái Lan xả 11 triệu tấn gạo tồn kho như thì cũng không có sức ép đáng kể lên gạo vụ mùa mới của cả Thái Lan và Việt Nam. Bởi vì gạo tồn kho được xả là gạo cũ, chất lượng xấu dành cho tiêu thụ nội địa, ngành công nghiệp chế biến, chăn nuôi… Trong khi đó, nhu cầu gạo của Indonesia, Philippines là gạo vụ mới. Điển hình, khoảng 2 tuần gần đây, giá gạo Thái Lan (loại 5%) vụ 2015/2016 tăng mạnh lên mức 420 USD/tấn.

Cho nên, theo ông Diệu, xả kho 11 triệu tấn của Chính phủ Thái Lan trong vòng 1-2 tháng là phi thực tế. Khả năng có thể chỉ xả được 1 triệu tấn/tháng. Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan sẽ phải cân nhắc giữa xả kho và mặt bằng giá lúa gạo của nông dân. Bởi nếu xả nhiều, sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá gạo.

Từ thực tế thời tiết, ông Diệu nhận định, Thái Lan có thể mất mùa, dự kiến giảm 2 triệu tấn lúa. Hạn hán và xâm mặn khiến sản lượng vụ Đông Xuân suy giảm, ảnh hưởng sản lượng vụ Hè Thu. Trong khi đó, hiện chưa có tín hiệu mạnh về nhập khẩu của Indonesia và Philippines.

Nhà nước can thiệp quá sâu

Liên quan đến thực trạng ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang khó khăn, nhiều chuyên gia cho rằng, một nguyên nhân quan trọng là quản lý hành chính nhà nước can thiệp quá sâu và làm méo mó thị trường lúa gạo. Biểu hiện là Nghị định 109/2010/NĐ-CP là một rào cản trên thị trường.

TS. Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng trong điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo yêu cầu đăng ký hợp đồng xuất khẩu với Hiệp hội Lương thực Việt Nam. “Như thế khác nào doanh nghiệp xuất khẩu lại phải khai báo cho một doanh nghiệp khác mà chính là đối thủ của mình. Một doanh nghiệp nắm trong tay quyền từ chối hay cho phép một doanh nghiệp trong xuất khẩu. Điều này tạo ra sự không bình đẳng, tạo ra rào cản cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ”- ông Vinh nhấn mạnh.

Không những thế, với hợp đồng xuất khẩu tập trung, các bộ và Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ định thương nhân ký kết hợp đồng và phân bổ thực hiện ủy thác xuất khẩu (80% hợp đồng được chỉ định). Điều này, theo ông Vinh, tạo cơ chế thiếu cạnh tranh.

Theo ông Vinh, “chính tư duy quản lý xuất khẩu gạo như vậy là lạc hậu, cơ học, thiên về số lượng, không có tác dụng nâng cao chất lượng gạo, tăng giá gạo xuất khẩu, tăng thu nhập nông dân. Điều này chỉ tăng quyền lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, loại doanh nghiệp nhỏ khỏi thị trường tạo thêm sức ép cho nông dân. Nó khiến thị trường xuất khẩu kém cạnh tranh, chi phí ra nhập thị trường rất lớn, thị trường tập trung trong tay Hiệp hội. Hạn chế sự sáng tạo của doanh nghiệp cũng như hạn chế xuất khẩu lúa gạo chất lượng cao nhưng sản lượng nhỏ”.

Vì thế, ông Vinh cho rằng, cần thay đổi tư duy về lúa gạo, hãy trọng giá trị thay vì quá trọng số lượng như lâu nay. Hơn nữa, hay trọng việc nâng thu nhập trực tế của nông dân là quan trọng nhất. Nâng cao vai trò của nông dân, người trồng lúa, hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất. Hợp đồng tập trung có tỷ trọng ngày càng giảm, Nhà nước không nên đi buôn mà hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, cung cấp thông tin và dự báo, ký kết hợp đồng.

Đặc biệt, ông Vinh còn thẳng thắn kiến nghị: “Cần loại bỏ các thẩm quyền nhà nước hiện đang trao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đưa Hiệp hội về đúng vị trí của một hiệp hội doanh nghiệp”.

Đồng quan điểm thấy Nghị định 109 là rào cản chính trên thị trường, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, nếu tháo cởi được rào cản này, sẽ thúc đẩy phát triển các nấc khác trong chuỗi lúa gạo, từ sản xuất, thu mua, chế biến, kinh doanh. Nhưng khi sửa Nghị định 109, tránh cực đoan dỡ bỏ hoàn toàn mà phải làm cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Ông Thành cũng đề nghị cần tách bạch rõ vai trò nhà nước và doanh nghiệp ở các tổ chức VFA và Vinafood. Sự can thiệp của VFA hoặc Vinafood không đúng vào thị trường sẽ gây hại cho môi trường kinh doanh. Đơn cử doanh nghiệp đầu tư làm ra sản phẩm tốt, có đối tác tiêu thụ tốt nhưng vì doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện của Nghị định 109 để có thể xuất khẩu trực tiếp thì mất cơ hội kinh doanh của họ./.

Xuân Thân/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu