Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 16:52 (GMT +7)
GCC nếm ‘vị đắng’ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc
Thứ 3, 13/08/2019 | 14:57:00 [GMT +7] A A
Các nền kinh tế thành viện Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã bắt đầu chịu những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc.
Vận chuyển hàng hóa tại Liên Vận Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông dẫn bài phân tích trên trang mạng Arab News nhận định cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới đang đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều đã lên tiếng cảnh báo cuộc chiến này có thể châm ngòi cho khủng hoảng toàn cầu, đồng thời làm gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Với vai trò là nhà cung cấp năng lượng chủ chốt của thế giới, các nền kinh tế GCC phụ thuộc lớn vào thực trạng của kinh tế toàn cầu, và đã bắt đầu chịu những tác động đầu tiên của cuộc chiến thương mại này.
Những dấu hiệu của sự suy giảm đã bắt đầu hiện rõ tại các nền kinh tế vốn được coi là phát triển ổn định trước đây. Trong vài tháng qua, các nhà kinh tế đã nhận thấy hàng loạt chỉ số kinh tế như sản lượng công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu sụt giảm. Dù sự suy giảm này là một phần của chu kỳ kinh doanh định kỳ, nhưng phần lớn trong số đó là hệ quả của chiến tranh thương mại.
Ước tính, Mỹ và Trung Quốc, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 36.000 tỷ USD, chiếm khoảng 41% quy mô kinh tế thế giới. Trong bối cảnh hai nền kinh tế này trực tiếp theo đuổi các chính sách “ăn miếng trả miếng” thương mại, cả hai đều sẽ chịu tác động dù ở các mức độ khác nhau.
Kinh tế thế giới cũng phải gánh chịu những hậu quả. Một khi suy thoái toàn cầu xảy ra, các nhà sản xuất dầu mỏ tại vùng Vịnh là một trong những đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng khi nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ, khí đốt và các sản phẩm hóa dầu – vốn là nguồn xuất khẩu chính của các nền kinh tế GCC – suy giảm.
Tác giả bài viết cũng nhận định cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung đang trực tiếp đe dọa chủ nghĩa thương mại đa phương, đồng thời có thể là “chất xúc tác” thúc đẩy các căng thẳng kinh tế khác ở châu Á, như căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay.
Bốn nền kinh tế được coi là “con hổ” ở châu Á là vùng lãnh thổ Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc), Singapore và Hàn Quốc được cho là chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc chiến này.
Riêng tại Singapore và Hàn Quốc, xuất khẩu công nghiệp của hai quốc gia này đã giảm lần lượt khoảng 16% và 22% trong năm qua và IMF đã hạ dự báo tăng trưởng tương ứng của cả hai nền kinh tế này trong năm 2019. New Zealand và Australia, hai nên kinh tế phụ thuộc đáng kể vào trao đổi thương mại với Trung Quốc, cũng bắt đầu cảm nhận suy thoái kinh tế của châu Á.
Giống như New Zealand và Australia, hầu hết các hoạt động thương mại của GCC là với các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, vốn là đối tác thương mại hàng đầu của GCC, sau Liên minh châu Âu (EU). Vì vậy, một kinh tế Trung Quốc suy giảm, xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của GCC sang Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung đều sẽ sụt giảm theo.
Tác giả kết luận trong một kịch bản tồi tệ hơn, nếu cuộc chiến thương mại này dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, tác động đối với các nền kinh tế GCC sẽ rất nghiêm trọng. Hơn lúc nào hết, IMF, WTO và các tổ chức thương mại đa phương khác cần nhanh chóng ngăn chặn những hậu quả tai hại của thương chiến Mỹ-Trung, có thể đẩy nền kinh tế thế giới tiến đến bờ vực thẳm.
Ý kiến ()