Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:55 (GMT +7)
Giá đắt, chocolate Việt vẫn hút khách Nhật
Thứ 4, 08/06/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Trong một cửa hàng bán chocolate tại trung tâm mua sắm quận Shibuya, Naoko Otsuka – một bà nội trợ Nhật Bản – không ngần ngại chi 23 USD cho 6 thanh chocolate thương hiệu Marou được sản xuất thủ công từ hạt cacao có xuất xứ từ Việt Nam.
Naoko cho biết: “Tôi muốn thử đủ các hương vị. 6 thanh này đều làm từ các loại hạt cacao khác biệt. Trước khi đến cửa hàng này, tôi không biết mùi vị chocolate có thể phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu hạt cacao đến vậy”.
Với mức giá khoảng 17.500 yen/kg (tương đương 3,6 triệu đồng), đắt gấp 8 lần chocolate nội địa nhưng loại chocolate có nguyên liệu Việt Nam vẫn rất đắt khách. Chúng là sản phẩm được làm từ các hạt cacao trồng trên nhiều tỉnh, thành trên khắp Việt Nam. Chủ tịch Marou, ông Samuel Maruta, cho biết: “Sau khi làm việc với hơn 12 hộ nông dân tại 6 tỉnh, công ty đã tìm được những loại hạt cacao mang hương vị đặc trưng, có sự kết hợp độc đáo giữa khí hậu, đất và quy trình lên men. Việc tìm thấy nhiều loại cacao cũng là một giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trong trường hợp thời tiết khắc nghiệt phá hoại vụ mùa”.
Nhân viên trong cửa hàng bán chocolate cao cấp Việt Nam tại Tokyo. |
Những người tiêu dùng như cô Naoko đang giúp tăng lượng cầu, đẩy mạnh doanh thu cho các loại chocolate chất lượng cao dùng nguyên liệu ngoại nhập trong thị trường béo bở vốn đang do các công ty chocolate nổi tiếng Nhật Bản như Hershey và Mondelez chiếm lĩnh. Ban lãnh đạo Marou cho biết trong 3 năm kể từ khi công ty bắt đầu bán loại chocolate này, doanh thu năm sau luôn gấp đôi năm trước.
Ông Jonathan Parkman, Giám đốc điều phối thị trường bán lẻ tại Tập đoàn Marex Spectron ở London nhận xét: Xu hướng này cho thấy người tiêu dùng ngày càng ý thức về nguồn gốc của sản phẩm. Ngay cả Công ty cổ phần Chocolate Meiji hoạt động từ năm 1918, đang nắm giữ 23,8% thị phần tại thị trường nội địa cũng đã chú ý đến dòng chocolate thủ công và bắt đầu bày bán mặt hàng này từ năm 2014 với nguyên liệu hạt cacao nhập khẩu của Brazil và Venezuela. Bà Yuko Nakamura – nữ phát ngôn của Công ty Meiji – nhận xét: “Chocolate truyền thống đang là một xu hướng mà chúng tôi không thể bỏ qua. Bằng việc bổ sung mặt hàng này vào dòng sản phẩm công ty đang bán, chúng tôi hi vọng thu hút được lượng khách hàng mới và tăng doanh thu bán hàng”.
Theo Tổ chức Cacao Quốc tế, trong nhiều thập kỷ qua, phần lớn các nhà sản xuất chocolate đều sử dụng hạt cacao Forastero thông thường vì hương vị của chúng hợp với đậu phộng, hoa quả và kem – những thứ ăn kèm với chocolate. Chỉ mới gần đây, nhu cầu về hạt cacao cao cấp mới tăng nhanh chóng. Gary Guittard – Chủ tịch Burlingame, một công ty sản xuất chocolate tại California cho biết: “Từ trẻ em đến người lớn, người tiêu dùng luôn nghĩ rằng chocolate chỉ có một vị duy nhất. Tuy nhiên, suy nghĩ đó đã thay đổi. Họ nhận ra chocolate có thể đa dạng, phong phú về hương vị, đặc biệt là với những sản phẩm làm từ nguyên liệu đặc trưng”.
Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor, doanh thu chocolate bán lẻ tại Nhật Bản năm 2015 đã tăng 7%, lên 3,7 tỷ USD mặc dù dân số giảm. Điều này chứng tỏ sức hút từ mặt hàng chocolate vẫn không hề giảm sút. Một nhà nghiên cứu thị trường giải thích: Chính các chất dinh dưỡng có trong chocolate đã giúp loại thực phẩm này trở thành món ăn vặt lành mạnh mà người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Cô Naoko chia sẻ: “Tôi thích ăn chocolate có thành phần nhiều cacao. Nó tốt cho sức khỏe. Con trai tôi là học sinh trung học cũng rất thích ăn chocolate để giảm căng thẳng học hành khi chuẩn bị cho kì thi đại học”.
Ngoài ra, chocolate còn là một thứ thường được chọn làm quà tặng. Ông Hiroshi Sasaki – một chủ đại lí bán chocolate Marou – cho biết: “Không chỉ coi chocolate là mặt hàng thông dụng thường ngày, nhiều người còn coi đó là món quà sang trọng nhưng hợp túi tiền. Người tiêu dùng muốn thưởng thức chocolate một cách tinh tế giống như khi uống rượu vang hay cà phê”.
Ý kiến ()