Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 04:30 (GMT +7)
Giá gạo nếp vùng ĐBSCL lại sụt giảm do Trung Quốc thay đổi chính sách thuế
Thứ 3, 17/07/2018 | 09:30:00 [GMT +7] A A
Hơn 2 tuần nay, tình hình tiêu thụ gạo nếp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra khá khó khăn, do chính sách thay đổi thuế nhập khẩu của Trung Quốc. Hiện giá gạo nếp đang sụt giảm mạnh ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Đóng bao, vận chuyển gạo xuất khẩu tại Cây Lậy – tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, ngày 27/6/2018, Bộ Tài chính Trung Quốc đã thông báo tăng thuế nhập khẩu gạo (bao gồm cả gạo nếp) lên đến 50%, kể từ ngày 1/7/2018. Việc Trung Quốc đột ngột thay đổi thuế nhập khẩu chỉ trong vài ngày như vậy đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Bởi lẽ, 50% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là gạo nếp và Trung Quốc hầu như cũng là thị trường “độc quyền” tiêu thụ gạo nếp của Việt Nam trong những năm gần đây.
Tác động của việc thay đổi chính sách thuế nhập khẩu của Trung Quốc đã khiến hàng nghìn tấn gạo nếp của các doanh nghiệp chuẩn bị xuất khẩu vào thị trường này bị đình trệ lại, buộc doanh nghiệp phải giảm giá xuống hoặc để tồn kho.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, một trong những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo nếp sang thị trường Trung Quốc cũng cho biết, do ảnh hưởng của chính sách thay đổi thuế nhập khẩu của Trung Quốc nên trong thời gian gần đây, lượng tiêu thụ gạo nếp của các doanh nghiệp khá khó khăn, hầu như vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Trong trường hợp doanh nghiệp không muốn chịu mức thuế nhập khẩu lên đến 50% như trên thì phải mua hạn ngạch nhập khẩu (quota). Theo chính sách nhập khẩu mới của Trung Quốc, thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường (thuế suất MFN), hạn ngạch thuế quan sẽ không bị điều chỉnh bởi chính sách mới.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đôn, việc mua quota sẽ khiến chi phí nhập khẩu tăng lên đến 120 USD/tấn nên các doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc chỉ mua vào khi giá nếp xuống thấp hoặc chấp nhận giá cao trong trường hợp nhu cầu thị trường cao.
Còn tại thời điểm hiện tại, lượng tồn kho gạo nếp của các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn còn nên họ ít mua vào hoặc mua với giá rất thấp.
Mặt khác, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung dù không tác động trực tiếp đến ngành hàng lúa gạo, song cũng tác động đến tâm lý chung của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng như hoạt động xuất nhập khẩu của nước này nên việc tiêu thụ gạo nếp đang rất khó khăn.
Hiện giá gạo nếp xuất khẩu đang bị các doanh nghiệp Trung Quốc “ép” xuống mức 380 USD/tấn. Trong khi mức giá nội địa đang được giao dịch ở mức 8.600-8.800 đồng/kg, tương đương với việc các doanh nghiệp phải bán thấp nhất 400 USD/tấn mới “huề vốn”.
Việc gạo nếp bị ép giá dưới 400 USD/tấn cũng là mức giá thấp nhất trong vòng 2 năm gần đây và sụt giảm rất mạnh so với thời điểm đầu năm 2018. Khi đó, giá gạo nếp xuất khẩu đang ở mức 530-540 USD/tấn, cả doanh nghiệp và nông dân đều có lợi nhuận khá tốt.
Câu chuyện Trung Quốc thay đổi chính sách thuế nhập khẩu trong ngành lúa gạo không chỉ diễn ra lần đầu. Cách đây gần một năm, Trung Quốc cũng thay đổi chính sách nhập khẩu gạo nếp từ Việt Nam, dù với mức thuế suất thấp hơn so với lần thay đổi này, nhưng đã ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu nếp của các doanh nghiệp khi đó.
Với đặc điểm tiêu dùng của mình, lâu nay Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo nếp chủ yếu của ngành gạo Việt Nam. Trong 3 năm gần đây, nước này tăng cường nhập khẩu nếp với giá mua khá tốt đã khiến diện tích gieo trồng nếp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh.
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo nếp thì đến hơn 90% là xuất sang thị trường Trung Quốc. Việc xuất khẩu với một sản lượng lớn nhưng lại phụ thuộc vào một thị trường nhập khẩu, trong khi đây là mặt hàng khó tìm được thị trường thay thế và tiêu thụ nội địa không nhiều… đã bộc lộ nhiều rủi ro được cảnh báo từ trước.
Tuy vậy, việc chuyển đổi diện tích từ sản xuất lúa nếp sang trồng lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện không phải dễ. Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An cho biết, ngay từ đầu vụ Đông Xuân vừa qua, nhận thấy tình hình sản xuất, xuất khẩu nếp sẽ gặp nhiều khó khăn, do phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp này đã kêu gọi những nông dân thuộc khu vực doanh nghiệp đang bao tiêu sản phẩm chuyển sang trồng lúa thường thay vì lúa nếp. Thế nhưng, đa số nông dân không nghe theo mà vẫn giữ ý định trồng lúa nếp, vì tin rằng thị trường tiêu thụ nếp sẽ tốt hơn trong thời gian tới.
Rõ ràng, với tình hình thị trường tiêu thụ nếp hiện nay, các chuyên gia cho rằng, Cục Trồng trọt và các địa phương cần phải giám sát chặt chẽ hơn nữa cơ cấu chủng loại lúa gieo trồng, tránh mở rộng thêm diện tích trồng nếp trong vụ Thu Đông cũng như trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực mở rộng thêm thị trường cho mặt hàng gạo nếp, nhất là các nước khu vực Trung Đông và các nước Đông Nam Á, để tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Ý kiến ()