Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 13/01/2025 14:57 (GMT +7)
Giá phân bón bước vào chu kỳ tăng
Thứ 2, 21/06/2021 | 10:36:00 [GMT +7] A A
Với chi phí nguyên liệu đầu vào tăng phi mã và chi phí vận chuyển cũng tăng chóng mặt, giá phân bón tại Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng và được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao từ nay đến hết năm.
Vận chuyển đạm Phú Mỹ tại kho hàng của PVFCCo tại Cần Thơ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Theo quy luật thị trường thế giới
Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá phân bón, nhất là giá phân bón DAP, phân đạm ure đã tăng khá cao. Theo số liệu của World Bank cho thấy, giá DAP ngay tháng 4/2021 tăng 54% so với tháng 9/2020.
Tại Việt Nam, trong quý I/2021, giá bán các mặt hàng phân bón trong nước vẫn được duy trì ở mức thấp hơn so với giá thế giới. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4/2021 đến nay, mặt bằng giá phân bón tại Việt Nam cũng bị điều chỉnh tăng theo quy luật thị trường thế giới.
Chỉ ra nguyên nhân giá phân bón trong nước tăng, Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho biết, giá cước vận chuyển bằng container hiện đã tăng 5 lần so với năm 2020. Trong khi đó, phân bón DAP, MAP và phân đạm ure hầu hết được vận chuyển bằng container.
Bên cạnh đó, theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới để sản xuất các loại phân bón tổng hợp trong tháng 6/2021 cũng tăng mạnh so với tháng 12/2020. Cụ thể, phân đạm ure tăng 62%, DAP tăng trên 54%, Kali tăng 45%, Ammonia tăng tới 60%.
Ngoài ra, nguồn cung phân bón trong khu vực Đông Nam Á đã bị sụt giảm do nhiều nhà máy bước vào giai đoạn bảo dưỡng, sửa chữa. Vì vậy, các yếu tố này đã khiến giá phân bón thế giới và phân bón trong nước bước vào chu kỳ tăng.
Tuy nhiên theo đánh giá của Bộ Công Thương, nguồn cung mặt hàng MAP và DAP đều đáp ứng đủ cầu. Ví dụ như giá mặt hàng DAP và MAP nhập khẩu tăng khoảng 150% trong khi đó mặt hàng sản xuất trong nước tăng 130% và cầu không có biến động quá lớn so với những năm trước đây.
Hiện giá DAP và MAP trong nước được bán với giá 9,5 – 10,5 triệu đồng/tấn, trong khi đó, giá nhập khẩu là khoảng 14 – 15 triệu đồng/tấn. Giá phân ure do các Nhà máy trong nước sản xuất cũng thấp hơn giá phân nhập khẩu khoảng 500 đồng/kg.
Nhìn nhận về đà tăng của giá phân bón, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) Phùng Hà chỉ rõ, thị trường phân bón Việt Nam liên thông với thị trường thế giới nên tuân theo quy luật vận động, điều tiết của thị trường thế giới do nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao khi đã tham gia hầu hết các hiệp định thương mại tự do và ưu đãi thuế quan trên thế giới. Vì vậy, mọi biến động trên thị trường thế giới lập tức tác động trực tiếp đến thị trường hàng hóa của Việt Nam ngay cả với những mặt hàng mà Việt Nam đã tự đáp ứng được toàn bộ.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho biết, nhu cầu phân bón ure trong vụ vừa qua đã tăng tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái do giá lúa tăng cao khiến nông dân xuống giống thêm vụ 3. Nhiều nông dân còn có xu hướng tích trữ phân đạm ure cho sản xuất vụ 3 nên đây cũng là yếu tố khiến giá phân bón trong nước bị tăng.
Doanh nghiệp phân bón nỗ lực tăng nguồn cung
Để đáp ứng nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp trong nước, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang tăng tối đa sản lượng, nhanh chóng điều độ hàng tới các vùng miền, kịp thời phục vụ cho bà con nông dân.
Tính đến giữa tháng 6/2021, tổng sản lượng phân bón Phú Mỹ do PVFCCo sản xuất đạt hơn 400 nghìn tấn; trong đó, phân đạm ure đạt hơn 256 nghìn tấn. Đặc biệt, sản lượng NPK Phú Mỹ tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với các mặt hàng phân bón trong nước không sản xuất được phải nhập khẩu như kali, ngay từ đầu năm, PVFCCo đã xúc tiến các hợp đồng dài hạn, tìm kiếm các nguồn hàng mới, nhờ đó lượng ký hợp đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 170.000 tấn và đã cung ứng ra thị trường trong 6 tháng ước đạt 90.000 tấn, tang 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện nay, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đang vận hành liên tục với công suất cao nhất, cho ra mỗi ngày khoảng 2.450 tấn Đạm Phú Mỹ và gần 1.000 tấn NPK Phú Mỹ chất lượng cao.
Nhờ vậy, tính đến giữa tháng 6/2021, PVFCCo đã cung ứng ra thị trường khoảng 555.000 tấn phân bón Phú Mỹ các loại, đạt 99,7% kế hoạch 6 tháng đầu năm. Đặc biệt, sản phẩm NPK Phú Mỹ có sự tăng trưởng vượt trội, ước đạt 80.000 tấn, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2020.
Tương tự như vậy, doanh nghiệp sản xuất phân bón khác của PVN là PVCFC (phân bón Cà Mau) đang quyết tâm vận hành 105% công suất sản xuất ure cũng như cung ứng ra thị trường 25.000 tấn NPK các loại cho vụ Hè Thu.
Bên cạnh đó, Phân bón Cà Mau cũng thực hiện chính sách điều chỉnh giá bán phù hợp giá thị trường chung nhưng luôn bám mục tiêu kiểm soát hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, PVCFC cũng yêu cầu các nhà phân phối cấp hàng kịp thời khi nhận hàng từ nhà sản xuất, tránh tình trạng găm hàng kiếm lời cho khâu trung gian mà nông dân không được hưởng lợi.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn, khuyến nghị hạn chế tối đa xuất khẩu, tăng tối đa công suất chạy máy, điều chỉnh kênh phân phối sản phẩm ưu tiên tới những vùng đang nóng trước để duy trì ổn định sản xuất trong nước, giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của việc tăng giá phân bón tới sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, để giá bán phân bón trong nước hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người nông dân, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thanh cho rằng, cần sớm sửa đổi những bất cập trong Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật thuế 71), có hiệu lực từ năm 2015.
Khi phân bón thuộc diện hàng hoá chịu thuế giá trị gia tăng, các dự án đầu tư sản xuất phân bón cũng như các dự án cải tạo kỹ thuật sản xuất sẽ được khấu trừ chi phí trang thiết bị, công nghệ, do đó sẽ giảm chi phí giá thành và gián tiếp góp phần giảm giá bán phân bón trên thị trường.
Ngoài ra, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chủ động đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng và chủng loại phân bón, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, ông Thanh chỉ rõ.
https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/gia-phan-bon-buoc-vao-chu-ky-tang-20210620164910830.htm
Ý kiến ()