Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 08:15 (GMT +7)
Giá thu mua mía thấp kỷ lục, nông dân Tây Ninh lỗ tiền tỷ
Thứ 3, 21/05/2019 | 14:31:00 [GMT +7] A A
Theo Hội người trồng mía tỉnh Tây Ninh, niên vụ mía đường 2018 – 2019, do giá thu mua mía của nhà máy đường Thành Thành Công – Biên Hòa (Tây Ninh) thấp kỷ lục, chỉ đạt 750.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường (thấp hơn 150.000 đồng/tấn so niên vụ 2017-2018.
Do đó, người trồng mía lỗ nặng (bình quân 10 triệu đồng/ha), nhiều người trồng mía diện tích lớn, số tiền lỗ lên đến hàng tỷ đồng trong vụ này.
Vùng nguyên liệu mía tại xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Ảnh tư liệu: Lê Đức Hoảnh/TTXVN
Trồng càng nhiều lỗ càng sâu
Bà Nguyễn Thị Hiếu Thuận, khu phố 4, phường 3, Thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh cho biết, niên vụ 2018 – 2019 bà trồng tới 639 ha mía, năng suất mía bình quân đạt 68 tấn/ha, chữ đường bình quân đạt 9.34 CCS. Tổng kết vụ mía này, bà Hiếu lỗ hơn 4,3 tỷ đồng; trong đó, nợ nhà máy tiền ứng đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, còn lại 3,3 tỷ đồng nợ tiền phân bón, thuốc trừ sâu ở các đại lý.
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Triển, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh cho biết, niên vụ mía 2018-2019, ông trồng 220 ha trên đất Campuchia đem về bán nguyên liệu cho nhà máy, sau khi tổng kết lại trong vụ này cũng lỗ hơn 2,5 tỷ đồng.
Những hộ trồng diện tích lớn thì lỗ sâu, còn những hộ trồng diện tích nhỏ hơn cũng không tránh khỏi thua lỗ. Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Văn Ai, tổ 2, ấp Thanh Xuân, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh có 5,3 ha mía niên vụ 2018-2019, nhưng cũng chịu mức lỗ hơn 56 triệu đồng; trong đó, nợ nhà máy khoảng 35 triệu đồng, nợ chi phí thuê thêm công đốn chặt ngoài 21 triệu đồng. Hiện tại, nhà máy vẫn chưa ứng vốn tái đầu tư nên buộc ông phải mua nợ các đại lý phân bón bên ngoài để bón phân cho kịp mùa vụ.
Theo ông Nguyễn Đăng Thuận, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, các niên vụ mía từ trước đến nay nhà máy đường Thành Thành Công – Biên Hòa đều thể hiện các chính sách trên hợp đồng như: Hỗ trợ ứng vốn đầu tư đầu vụ, hỗ trợ không hoàn lại, chi phí vận chuyển mía tại ruộng, giá bảo hiểm chữ đường (niên vụ 2017-2018, giá bảo hiểm chữ đường là 900.000 đồng/tấn 10 chữ đường) và hỗ trợ tạp chất 3%.
Tuy nhiên, niên vụ mía 2018 – 2019, nhà máy đường Thành Thành Công – Biên Hòa không đưa ra giá bảo hiểm chữ đường thấp nhất mà chờ đến gần ngày thu hoạch mới đưa ra giá thu mua mía. Điều này đặt người nông dân trồng mía vào thế phải bán mía cho nhà máy với giá 750.000 đồng/tấn 10 chữ đường. Trong khi khoảng hỗ trợ tạp chất 3% niên vụ 2018 – 2019 không được áp dụng, nên người nông dân vừa phải lỗ về giá lại chồng lỗ về phần trừ tạp chất.
Ông Lâm Chí Dũng, Chủ tịch Hội người trồng mía tỉnh Tây Ninh cho biết, khi xem xét kỹ lại các hợp đồng từng năm mới thấy việc nhà máy chưa rõ ràng trên các chính sách thu mua mía.
Cụ thể, theo giải trình với ngành chức năng về giá thu mua mía và các hỗ trợ có liên quan thì giá tổng thể thu mua đến nhà máy đường Thành Thành Công – Biên Hòa là 900.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường, đây được xem là giá thu mua khá lý tưởng, nông dân sẽ không đến mức lỗ tiền tỷ.
Tuy nhiên, nhà máy đường Thành Thành Công – Biên Hòa lại kê chi phí vận chuyển ở mức giá trần để cân đối (phí vận chuyển 120.000 đồng/tấn); trên thực tế, giá vận chuyển toàn tỉnh Tây Ninh và ở Campuchia chỉ có 10 điểm có giá 120.000 đồng/tấn; 202 điểm có giá từ 100.000 đồng đến dưới 120.000 đồng/tấn; 701 điểm có giá vận chuyển từ 49.600 đồng đến dưới 100.000 đồng/tấn (theo bảng thông báo các điểm và giá cước nhà máy đưa ra hồi đầu vụ thu hoạch mía niên vụ 2018-2019).
Theo ông Dũng, căn cứ vào các hợp đồng (3 năm) mà nhà máy đường Thành Thành Công – Biên Hòa đã ký với nông dân trước đó (bao gồm các khoảng bảo hiểm chữ đường tối thiểu là 900.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường và khoảng hỗ trợ tạp chất 3%) trong niên vụ mía 2016 – 2017 và niên vụ 2017 – 2018 vẫn còn hiệu lực thi hành, nhưng nhà máy không áp dụng các chính sách như đã cam kết là điều đáng ngại, cần phải xem xét lại.
Tìm hướng tháo gỡ khó khăn
Tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh, Hội người trồng mía tỉnh Tây Ninh và Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa mới đây, ông Lâm Chí Dũng, Chủ tịch Hội người trồng mía tỉnh Tây Ninh đã đề xuất với nhà máy đường Thành Thành Công – Biên Hòa (Tây Ninh) nên hỗ trợ thêm 50.000 đồng/tấn mía trong niên vụ 2018-2019. Bên cạnh đó, ông Dũng đề nghị nhà máy xem xét lại chính sách trừ tạp chất để hỗ trợ một phần lỗ cho nông dân trồng mía; áp dụng mức bảo hiểm chữ đường cho niên vụ 2019-2020 là 800.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường.
Ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa cho rằng, do tình hình giá đường trong nước và quốc tế giảm mạnh (giảm khoảng 20%) so với niên vụ trước nên kéo theo việc thu mua mía nguyên liệu niên vụ 2018 -2019 giảm theo. Cụ thể, giá trước thuế giá trị gia tăng của đường RS chỉ còn 9.800 đồng/kg (giảm 2.200 đồng/kg), đường RE chỉ còn 11.000 đồng/kg (giảm 2.300 đồng/kg).
Để hỗ trợ nông dân niên vụ mía 2019 – 2020, Nhà máy đường Thành Thành Công – Biên Hòa (Tây Ninh) đã đưa ra chính sách đầu tư ứng trước 12 triệu đồng/ha đối với mía tơ và 3,8 triệu đồng/ha đối với mía gốc; giá bảo hiểm chữ đường thấp nhất là 700.000 đồng/tấn mía.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa Nguyễn Thanh Ngữ kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cân nhắc tham mưu Chính phủ xây dựng Nghị định riêng biệt cho ngành sản xuất kinh doanh mía đường; xem xét đánh thuế mặt hàng đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (hiện được nhập khẩu ồ ạt với thuế suất 0%) đang cạnh tranh thiếu công bằng với ngành mía đường trong nước.
Bên cạnh đó, ông Ngữ cũng đề nghị có mức điều chỉnh lại giá điện sinh khối đồng phát từ bã mía của các nhà máy đường bằng với điện sinh khối không đồng phát; kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh các khung xử phạt hành chính thật nặng, mang tính răn đe về hàng hóa nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại, nhằm kiểm soát chặt chẽ mặt hàng đường lậu đang âm thầm thẩm thấu qua biên giới, bán tràn lan trong nội địa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành đường trong nước.
Tại buổi làm việc này, ông Huỳnh Thanh Phương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cũng cho rằng, đối với ngành mía đường Chính phủ và các bộ, ban, ngành cần cân nhắc áp dụng cơ chế đặc biệt như các nước trong khu vực, cũng như trên thế giới và có hành lang pháp lý rõ ràng để hỗ trợ ngành đường trong nước trụ vững, vượt qua khó khăn như hiện nay.
Ý kiến ()