Thứ Bảy, 11/01/2025 10:14 (GMT +7)

Giá xăng xuống mức thấp kỷ lục, cước vận tải vẫn đủ lý do chây ì

Thứ 2, 22/02/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Xăng dầu đã 3-4 lần giảm giá thì doanh nghiệp lại “đòi” giảm đến 20% mới đồng hành. Đây là điều khó chấp nhận.

Lúc xăng dầu tăng giá thì doanh nghiệp, tư thương…“té” nước theo mưa nhất loạt tăng giá từ hàng hoá, lương thực, thực phẩm tới cước vận tải. Nay, xăng dầu đã 3-4 lần giảm giá thì doanh nghiệp lại “đòi” giảm đến 20% mới đồng hành. Đây là điều khó chấp nhận.
Doanh nghiệp vận tải muốn để tự thị trường quyết định thay vì dùng mệnh lệnh. Ảnh: Như Ý.
Doanh nghiệp vận tải muốn để tự thị trường quyết định thay vì dùng mệnh lệnh. Ảnh: Như Ý.

Đòi xăng dầu phải giảm 20% mới giảm

Ngày thứ hai sau khi giá xăng dầu điều chỉnh giảm, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích: Giá dầu giảm giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá bán sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, tạo ra vòng lan tỏa kéo dài trong nền kinh tế, kích thích tổng cầu, khiến nền kinh tế được mở rộng. Thời gian tới, khi giá xăng giảm, các mặt hàng tiêu dùng chắc chắn giảm theo. “Cơ quan quản lý giá phải vào cuộc để người tiêu dùng và nền kinh tế được lợi”, ông Thành nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho hay, điều cần lúc này là phải hành động cụ thể để giảm giá cước và những mặt hàng liên quan và cần làm rõ doanh nghiệp nào nhất quyết không giảm giá.

Theo ông Hùng, hiện tượng này cho thấy các công cụ quản lý giá chưa hữu hiệu để loại bỏ những hành vi tăng, giảm giá bất hợp lý. “Đối với người tiêu dùng, giá cả thị trường là thước đo hiệu quả của công tác quản lý”, ông Hùng nói.

Cùng lúc, đại diện nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội như: Big C, Fivimark, Lotte… cho rằng, hiện, việc giảm giá các mặt hàng tại siêu thị không phụ thuộc vào xăng dầu mà phụ thuộc vào nhà cung cấp. Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu giảm mạnh khiến chi phí sản xuất giảm và nhà cung cấp sẽ giảm giá theo. Điều này có lợi cho người tiêu dùng khi mua sắm tại siêu thị.

Doanh nghiệp vận tải nói sẽ giảm

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho biết, giá cước vận tải hiện vận hành theo cơ chế thị trường, nên thị trường sẽ quyết định. Tuy nhiên, Hiệp hội đã có văn bản gửi các hội viện, vận động hội viện thực hiện khi xăng dầu tăng – giảm 20% (so với kỳ kê khai giá), giá cước vận tải sẽ tăng – giảm mức tương ứng. “Dù từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu giảm 3-4 lần, nhưng mức giảm chưa đủ 20% nên cước vận tải chưa giảm. Việc điều chỉnh giá do doanh nghiệp quyết định. Vì vậy, phải mấy lần điều chỉnh giá xăng dầu mới có 1 lần điều chỉnh cước vận tải. Giờ giá xăng dầu 15 ngày thay đổi 1 lần, mỗi lần chỉ vài trăm đồng, rồi nói cước vận tải phải giảm theo thì chúng tôi làm sao theo kịp”, ông Thanh nói.

“Vận tải theo cơ chế thị trường, nên giá cước hãy để thị trường quyết định. Dùng mệnh lệnh hành chính chỉ làm méo mó thị trường”.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội, trước Tết Nguyên đán, Hiệp hội đã họp và thống nhất, khi giá xăng giảm dưới 15.000 đồng/lít, giá cước taxi sẽ giảm ngay. Vì vậy, trước Tết đã có một số đơn vị taxi giảm giá cước khoảng 200 đồng/km. Nay giá xăng lại giảm tiếp, theo ông Liên, đã có một số đơn vị taxi có ý kiến, đơn vị nào trước Tết chưa giảm giá cước thì nay sẽ giảm khoảng 500 đồng/km.

“Chúng tôi đã thống nhất như vậy và đề nghị các doanh nghiệp thông báo với Sở Tài chính và Sở GTVT để giảm giá cước ngay. Không để dư luận xã hội nói khi giá xăng tăng thì cước vận tải tăng giá ngay, còn khi xuống thì các doanh nghiệp chần chừ”, ông Liên nói.

Với cước vận tải hàng hóa và hành khách, theo vị đại diện Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội, do giá dầu giảm không nhiều nên cước chưa giảm. Trước Tết các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định đã giảm giá cước. Tuy nhiên, theo ông Liên, với cách quản lý cước vận tải hành hóa, xe hợp đồng, xe du lịch, những năm qua, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) đã thất bại hoàn toàn. Vì tư duy của nhà quản lý quá cứng nhắc, không theo thị trường.

“Vận tải theo cơ chế thị trường, nên giá cước hãy để thị trường quyết định. Dùng mệnh lệnh hành chính chỉ làm méo mó thị trường”, ông Liên nói. Theo ông Liên, giá cước vận tải nên để các doanh nghiệp tự đăng ký với cơ quan quản lý, không cần cơ quan quản lý thẩm định và phê duyệt. Khi doanh nghiệp đã đăng ký, nếu áp dụng sai đăng ký sẽ bị xử phạt.

Theo Tiền Phong

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu