Thứ Sáu, 24/01/2025 07:54 (GMT +7)

Giải mã “bẫy nợ” trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Thứ 4, 13/03/2019 | 10:35:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Trước các chỉ trích về bẫy nợ trong dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, chúng ta hãy xem xét toàn diện khía cạnh cho vay của sáng kiến này.

Trung Quốc là một trong những nước có dòng tài chính đầu tư ra nước ngoài hàng đầu thế giới. Phần lớn số tiền chính thức mà Trung Quốc đưa ra nước ngoài được đầu tư cho các khoản vay trong các dự án về hạ tầng, năng lượng và liên lạc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ở tâm ảnh) đứng đằng sau “Sáng kiến Vành đai và Con đường”. Ảnh: Chinadialogue

Các dự án nói trên nằm trong siêu dự án “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) – phương tiện chính của Trung Quốc nhằm thúc đẩy phát triển cả trong nội địa và ở hải ngoại. Thông qua các đầu tư vào cơ sở hạ tầng, Trung Quốc muốn kết nối tốt hơn nữa với thế giới và gia tăng thương mại dọc theo con đường này. Năm năm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố kế hoạch BRI, Trung Quốc đã chi khoảng 25 tỷ USD cho các dự án hạ tầng.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra là các nước đi vay đã được hưởng lợi tới mức độ nào từ các khoản đầu tư này của Trung Quốc?

Hiện nay ít nhất 8 nước đang gặp khó khăn đặc biệt do vấn đề nợ nần liên quan đến đại dự án BRI, theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) vào hồi tháng 3/2018. Giới phê bình e ngại các khoản vay này có thể khiến một số quốc gia bị phụ thuộc vào Trung Quốc và chịu ảnh hưởng chính trị từ nước này.

Cáo buộc về “Ngoại giao bẫy nợ”

Paul Haenle, cựu cố vấn chính phủ Mỹ và giám đốc Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa, tóm tắt các ý kiến phê bình: “Một số vị tin rằng Trung Quốc đang thực hành “ngoại giao bẫy nợ” thông qua BRI, khiến cho các nước đang phát triển lâm vào tình cảnh phụ thuộc do nợ, và nợ đó chuyển hóa thành ảnh hưởng chính trị”.

Haenle giải thích thêm: “Mối quan ngại đặc biệt về hoạt động của Trung Quốc ở Sri Lanka, Pakistan, và Malaysia nằm ở tâm điểm các tranh cãi về bẫy nợ. Trung Quốc đã giành được quyền hoạt động trong 99 năm ở cảng Hambantota, miền nam Sri Lanka sau khi chi phí cho dự án này đội lên ngoài tầm kiểm soát, khiến Sri Lanka phải từ bỏ quyền kiểm soát đối với cảng này để được Trung Quốc cung cấp gói giải cứu”.

Không còn là mới việc Trung Quốc cho các nước khác các sự lựa chọn khác ngoài việc thanh toán nếu các nước này không đủ điều kiện trả nợ cho họ. Hồi năm 2011, tin tức cho hay Trung Quốc đã xóa nợ cho Tajikistan để đổi lấy 1.158km2 lãnh thổ ở vùng tranh chấp giữa hai nước, theo báo cáo của CDG.

Vẫn theo Haenle, tranh cãi về chuyện bẫy nợ càng nổi bật hơn khi vào năm 2018, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hủy bỏ 23 tỷ USD trong các dự án BRI.

Một số quốc gia phương Tây đã nhanh chóng lợi dụng tâm lý cảnh giác này. Trong một diễn văn ở Đại học George Mason, Virginia, Ngoại trưởng Mỹ khi ấy là ông Rex Tillerson đã cảnh báo phải đề phòng trước cách tiếp cận phát triển của Trung Quốc. Theo Tillerson, chiến lược Trung Quốc “khuyến khích sự lệ thuộc bằng việc sử dụng các hợp đồng mập mờ và các thỏa thuận khiến cho các quốc gia bị ngập trong nợ nần và phải cắt bớt chủ quyền của mình, khiến họ không có sự tăng trưởng bền vững và dài hạn”.

Trong khi đó, chuyên gia chuyên về Trung Quốc Frans-Paul van der Putten (thuộc một tổ chức nghiên cứu quan hệ quốc tế của Hà Lan) thì lại cho rằng ít có khả năng Trung Quốc cố tình tạo ra tình trạng nợ nần ở các nước thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (với ý đồ đổi nợ lấy tài nguyên và sự ủng hộ ngoại giao). Tuy nhiên, theo ông, Bắc Kinh không nỗ lực nhiều để ngăn ngừa thực trạng đó. Theo Putten, điều này phù hợp với cách tiếp cận thực dụng phổ biến của Trung Quốc. “Các nước đó có trả được nợ hay không không quan trọng, vì nếu họ không trả được nợ, Trung Quốc vẫn tìm được cách để hưởng lợi”.

Trung Quốc luôn thắng

Với ý tưởng “hợp tác cùng thắng”, Bắc Kinh luôn có gì đó để thu lợi từ việc đầu tư của mình. Nếu ảnh hưởng chính trị chỉ là mục tiêu phụ thì Trung Quốc phải thu được những gì từ hàng tỷ USD mà họ chi vào cơ sở hạ tầng ở nước ngoài?

Mô hình phát triển của Trung Quốc dựa trên thương mại. Hạ tầng tốt hơn sẽ làm gia tăng thương mại, thúc đẩy phát triển. BRI hướng tới kết nối và phát triển các khu vực phía tây của Trung Quốc nhưng cũng đồng thời nhằm tới phát triển các thị trường theo hướng có lợi cho họ, chẳng hạn như các thị trường đầy tiềm năng ở châu Phi.

Thêm nữa, các dự án phát triển hạ tầng là một “sự đầu tư vào mối quan hệ tốt hơn giữa chính phủ Trung Quốc và chính quyền nước nhận vốn”. Bằng việc trao khoản vay, Trung Quốc giành được lợi thế ngoại giao, thắt chặt quan hệ với nước cụ thể đó.

Tuy nhiên các ngân hàng chính sách của Trung Quốc thường cung cấp tiền cho một dự án cụ thể nào đó ở nước nhận đầu tư với điều kiện các công ty Trung Quốc sẽ thực thi dự án. Như vậy, Putten giải thích, tiền sẽ chảy từ ngân hàng chính sách của Trung Quốc vào các công ty xây dựng Trung Quốc.

Lấp đầy khoảng trống hạ tầng

Ở đây tình hình “cùng thắng” là rõ ràng nhất. Ngân hàng Phát triển châu Á ước tính rằng cho đến năm 2030 riêng châu Á cần khoảng 26.000 tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng để duy trì tốc độ tăng trưởng hiện nay. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết là một trong các trở ngại lớn nhất cho tăng trưởng và phát triển ở châu Phi và châu Mỹ Latin.

Các thể chế đa phương không thể cung cấp vốn cho tất cả các dự án phát triển cần thiết nên vẫn có nhiều không gian cho Trung Quốc hành động.

Theo Putten, các ngân hàng phát triển quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới có nguồn quỹ giới hạn. Trong khi đó các ngân hàng thương mại phương Tây lại không thể cung cấp các khoản vay mạo hiểm nữa kể từ khi nổ ra khủng hoảng kinh tế.

Putten thừa nhận: “Ở đây vai trò của Trung Quốc là rất lớn. Không chỉ là nguồn tài chính thay thế mà còn là nguồn quan trọng”.

Mô hình cho vay của Trung Quốc

Tiền của Trung Quốc lấp vào khoảng trống cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng quốc tế. Vậy sao khoản vay này thường gây ra nợ và tranh cãi ? Có một lý do là hầu hết việc cho vay trong khuôn khổ BRI là dựa trên các thiết chế nhà nước với nhà nước, và do vậy có khả năng tạo ra thách thức đối với nợ quốc gia.

Thường thì các khoản vay sẽ được dẫn dắt bởi các tiêu chuẩn do các thể chế đa phương quy định như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hay các cơ chế đa phương như Câu lạc bộ Paris. Nhưng Trung Quốc không phải là thành viên của Câu lạc bộ Paris, nên họ không cần thông báo cho các thành viên khác về các hoạt động tín dụng của mình và cũng không phải tuân thủ tiêu chuẩn nào cả.

Scott Morris, một trong các tác giả của báo cáo CDG về tình trạng nợ nần ở các nước tham gia BRI, giải thích: “Trung Quốc nói chung tuân thủ luật pháp nước sở tại khi họ cung cấp tiền cho các dự án phát triển… Như vậy các tiêu chuẩn sẽ cao khi luật pháp địa phương là mạnh, và sẽ rất thấp khi luật địa phương yếu kém”.

Sự khác biệt giữa các khoản vay của Trung Quốc với các khoản vay của các định chế như WB nằm ở chỗ các thể chế này đánh giá luật pháp nước sở tại và sẽ áp đặt các bảo vệ của riêng họ nếu thấy luật pháp nước sở tại là quá yếu kém. Morris cho biết, Trung Quốc phó mặc trách nhiệm này cho các chính phủ đối tác và “tuân thủ mọi yêu cầu của luật nước sở tại”.

Còn trong bối cảnh đa phương, Trung Quốc tuân thủ các tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới.

Cái giá phải trả

Vấn đề nợ tại các nước tham gia “Vành đai và Con đường” cũng gây khó khăn cho bản thân Trung Quốc. Trong giai đoạn 2000-2014, Bắc Kinh đã phải chi tới 13 tỷ USD cho các hoạt động liên quan đến nợ.

Ngoài ra Trung Quốc còn vấp phải chỉ trích từ giới phê bình quốc tế. Và chính công luận Trung Quốc cũng chỉ trích việc chính phủ nước này viện trợ và cho vay. Theo công chúng Trung Quốc, nước này không nhận lại được tiền của mình trong khi lại bị quốc tế chỉ trích. Vì vậy, ngày càng nhiều người Trung Quốc đang đặt ra câu hỏi tại sao Bắc Kinh không dành số tiền đó để đầu tư cho người nghèo ở ngay bên trong lãnh thổ Trung Quốc?/.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN/Lược dịch từ The Diplomat

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu