Thứ Năm, 23/01/2025 09:37 (GMT +7)

Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thấp kỷ lục

Thứ 3, 08/05/2018 | 08:31:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2018 tại nhiều bộ, ngành, địa phương thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2017.

Theo Bộ Tài chính, 4 tháng đầu năm 2018, ước thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) bao gồm cả vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) là hơn 65.021 tỷ đồng, đạt 16,27% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 16,93% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, vốn trong nước là hơn 60.464 tỷ đồng, đạt 17,8% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 18,24% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (vốn TPCP là hơn 3.047 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia hơn 677 tỷ đồng); vốn ngoài nước là hơn 4.557 tỷ đồng; đạt 7,6% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 8,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

giai ngan von dau tu tu ngan sach nha nuoc thap ky luc hinh 1
Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm chỉ đạt trên 16% kế hoạch. (Ảnh minh họa: KT)

Chỉ có 6 bộ, ngành đạt tỷ lệ giải ngân trên 30%

Theo Bộ Tài chính, việc giải ngân vốn của các bộ, ngành trung ương và địa phương 4 tháng đầu năm 2018 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017, đặc biệt là nguồn vốn ngoài nước.

Chỉ có 6 bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 30%. Trong khối các bộ, ngành trung ương, giải ngân tỷ lệ cao nhất là Bộ Công an (43,43%), Bộ Nội vụ (37,93%), Ban Quản lý Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (36,13%). Đứng đầu 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao đó là Hòa Bình (40,86%), tiếp đến là Lào Cai (37,57%), Ninh Bình (37,47%), Hà Giang (36,73%).

Còn lại, các bộ, ngành, địa phương đều có số giải ngân thấp. Cụ thể: 43/56 bộ, ngành trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2018 thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (16%). Trong đó, có 19 bộ, ngành và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 5%, như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (1,61%), Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (2,03%), Tập đoàn Điện lực (3,20%), Hải Phòng (3,32%), Cao Bằng (4,39%)…

Đáng chú ý, một số bộ, ngành trung ương chưa giải ngân hoặc gần như chưa giải ngân kế hoạch vốn (trên dưới 1%), như: Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Tổng công ty Thuốc lá; Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng Nhà nước; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Y tế…

Thu hồi, điều chuyển vốn nếu chưa phân bổ

Qua công tác rà soát và trao đổi với các bộ, ngành về tình hình giải ngân 4 tháng, Bộ Tài chính cho rằng, việc giải ngân vốn của các bộ, ngành, địa phương thấp là do kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN mới được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao trong tháng 1. Đến hết tháng 2, các bộ, ngành, địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án.

Theo quy định tại Luật Đầu tư công, kế hoạch vốn năm 2017 được kéo dài sang năm 2018, mặt khác một số nguồn vốn kế hoạch năm 2017 giao bổ sung muộn (vốn TPCP giao đợt 3 vào cuối tháng 11/2017), do vậy, các chủ đầu tư tập trung giải ngân vốn kéo dài năm trước sang. Bên cạnh đó, tâm lý chưa chủ động làm các thủ tục thanh toán vốn năm 2018 do thời gian còn nhiều cũng là nguyên nhân gây chậm trễ giải ngân.

Đối với vốn nước ngoài, kế hoạch vốn được giao quá chậm nên việc triển khai các dự án giải ngân theo kế hoạch vốn chậm. Một số dự án vẫn còn đang chờ thủ tục gia hạn giải ngân từ nhà tài trợ. Một số dự án đang trong quá trình thanh quyết toán nên tiến độ giải ngân không đều…

Do tỷ lệ giải ngân vốn còn chậm, hiện Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình chậm phân bổ kế hoạch vốn của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời, chủ trì thu hồi về ngân sách trung ương đối với phần kế hoạch vốn năm 2018 đến hết thời điểm ngày 31/3/2018 các bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện phân bổ chi tiết cho các dự án, đồng thời trình phương án điều chuyển vốn cho dự án đang có nhu cầu.

Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa trong điều hành; chủ động kiểm tra, giám sát, rà soát tháo gỡ vướng mắc, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý. Đồng thời, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, cản trở làm ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công./.

Theo Diệp Diệp/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu