Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 07:45 (GMT +7)
Giải pháp để công nghiệp ô tô đón làn sóng chuyển dịch đầu tư
Thứ 4, 04/11/2020 | 09:14:00 [GMT +7] A A
Ngày 3/11 tại Hà Nội, Báo Hải quan phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tổ chức buổi tọa đàm về “Chính sách thuế và vai trò Hải quan thúc đẩy công nghiệp ô tô Việt Nam”.
Dây chuyền lắp ráp ô tô bằng robot tại Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công.
Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Nhiều ý kiến đề xuất giải pháp để đón làn sóng chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp FDI và ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong giai đoạn tới đây do tác động của đại
dịch COVID-19.
Thị trường sẽ tiệm cận 1 triệu xe
Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thu Trang, Phó trưởng phòng Chính sách thuế Xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, trong những năm gần đây, thị trường ô tô nói chung và đặc biệt là phân khúc xe du lịch nói riêng đang có sự tăng trưởng vượt bậc tương ứng với giai đoạn ô tô hóa đang cận kề khi GDP bình quân đầu người tăng nhanh và nhu cầu sở hữu, chuyển đổi từ xe máy sang ô tô ngày càng lớn.
Dự báo đến năm 2025, thị trường ô tô Việt Nam sẽ tiệm cận với 1 triệu xe bán ra/năm. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ phát triển. Nếu không tận dụng tốt cơ hội này, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục đi sau các nước trong khu vực và chỉ dừng lại ở lắp ráp hoặc sản xuất quy mô nhỏ lẻ.
Cùng quan điểm trên, ông Lương Đức Toàn, Phó trưởng phòng Công nghiệp Chế biến Chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô phụ thuộc vào 3 yếu tố là quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người và số xe trung bình/1000 dân.
Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa (motorization) dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình đạt 50 xe/1.000 dân. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, là khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cá nhân. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến năm 2025.
Hiện nay, Thái Lan, Indonesia hay Trung Quốc với lợi thế là những nước đi trước, công nghệ và lao động phát triển ở trình độ cao hơn, tận dụng được lợi thế kinh tế nhờ quy mô khiến chi phí sản xuất thấp hơn thì việc họ thành công chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trong điều kiện thương mại tự do là điều chắc chắn xảy ra. Nếu Việt Nam không quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô với những giải pháp phù hợp ngành này sẽ khó phát triển trong tương lai.
Chính sách thuế cần ổn định và lâu dài
Trước thực tế trên, để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, ngày 25/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/7/2020, riêng Điều 7a có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020.
Theo đó, Nghị định 57 đã sửa đổi, bổ sung Điều 7a Nghị định số 125/2017/NĐ-CP về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô (Chương trình ưu đãi thuế) giai đoạn 2018-2022.
Báo cáo từ Cục Thuế Xuất nhập khẩu – Tổng cục Hải quan về việc thực hiện chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô quy định tại Điều 7a Nghị định 125 được sửa đổi tại khoản 3, điều 2 Nghị định 57, đến ngày 19/10/2020 đã có 13 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Theo đó, số tiền thuế nhập khẩu đã được hoàn theo chương trình ưu đãi thuế ở Điều 7a Nghị định 125/2017/NĐ-CP tính theo kỳ ưu đãi thuế từ ngày 16/11/2017 đến 31/12/2019 là 9.557 tỷ đồng.
Về việc thực hiện chương trình ưu đãi thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn năm 2020-2024, đến ngày 19/10/2020 đã có 4 doanh nghiệp đăng ký tham gia.
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Lê Dương Quang đánh giá, kết quả trên đã tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng trong hoạt động xuất nhập khẩu. Điều này đã thể hiện việc Chính phủ luôn cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Đối với một số loại vật tư, nguyên liệu trong nước chưa sản xuất và sẽ chưa sớm sản xuất được như vòng bi, 1 số loại linh kiện điện tử… ông Quang kiến nghị với các loại này cần được hưởng thuế nhập khẩu 0% hoặc ở mức rất thấp trong thời gian lâu dài.
Ngoài ra, các quy định về thủ tục kiểm tra cơ sở sản xuất, thủ tục hồ sơ áp dụng mức thuế còn quá phức tạp, rườm rà, không phản ánh đúng tinh thần coi trọng hậu kiểm và vẫn thấy bóng dáng của quan điểm “không quản được thì chặn” dẫn đến không đạt được mục tiêu “khuyến khích, hỗ trợ” của chính sách.
Theo Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), việc bổ sung Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm này của Việt Nam. Qua đó, góp phần tăng quy mô thị trường sản xuất trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao sức cạnh tranh với xe nhập khẩu. Đây là giải pháp về thuế nhập khẩu rất kịp thời để đón làn sóng chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp FDI và ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong giai đoạn tới đây do tác động của đại dịch COVID-19.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lương Đức Toàn, Phó trưởng Phòng Công nghiệp Chế biến Chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, cần có sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hiện hành, hỗ trợ tháo gỡ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ thị trường trong nước. Đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng nhập khẩu ô tô trong nội khối ASEAN, đảm bảo đáp ứng các điều kiện hưởng thuế suất 0%. Ngoài ra, cũng cần phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ trên cả nước, đặc biệt là các đô thị lớn, tạo thị trường cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Về dài hạn, cần có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia và hướng tới thị trường xuất khẩu trong khu vực.
Bổ sung cho các giải pháp trên, ông Ninh Hữu Chấn, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, việc ban hành chính sách vẫn còn chung chung, không dự báo được biến động của thực tiễn và thiếu đồng bộ. Chính sách thuế trong công nghiệp ô tô trong những năm qua cũng không tránh được những yếu điểm đó. Do đó, theo ông Chấn, chính sách thuế cần ổn định và lâu dài. Ngoài ra, các đơn vị liên quan cũng cần tạo cơ hội cho nhà sản xuất ô tô và doanh nghiệp cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô gặp nhau nhiều hơn để thúc để ngành công nghiệp ô tô phát triển.
https://baotintuc.vn/kinh-te/giai-phap-de-cong-nghiep-o-to-don-lan-song-chuyen-dich-dau-tu-20201103171859521.htm
Ý kiến ()