Thứ Năm, 16/01/2025 07:59 (GMT +7)

Giải pháp nào ‘cứu’ các hãng hàng không Việt Nam?

Thứ 4, 11/11/2020 | 19:23:00 [GMT +7] A  A

Mặc dù đến thời điểm này các hãng hàng không trong nước đã khôi phục hoàn toàn các đường bay nội địa, thậm chí mở thêm đường bay mới, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, do chưa được khai thác các đường bay quốc tế đã dẫn đến tình trạng năng lực dư thừa, nhiều hãng bay thu không bù chi nên vẫn gặp nhiều khó khăn.

Các hãng hàng không Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp trên thế giới. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, sau khi đợt dịch bệnh thứ hai được kiểm soát tại Việt Nam, lượng khách đi máy bay tăng trưởng mạnh. Chỉ tính riêng tại sân bay quốc tế Nội Bài, từ đầu tháng 9/2020 đến nay, lượng hành khách qua cảng tăng trưởng 15 – 25% hàng tuần, Trong đó tháng 10/2020 tính trung bình tại sân bay này có khoảng 300 lượt chuyến/ngày với bình quân 42.000 khách.

Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông thương hiệu Vietnam Airlines cho biết, chỉ riêng trong tháng 10 vừa qua, hãng đã khôi phục tổng cộng 9 đường bay nội địa, qua đó góp phần quan trọng vào việc duy trì dòng tiền và ổn định sản xuất kinh doanh của hãng.

Cũng theo ông Đặng Anh Tuấn, trước ảnh hưởng của hai đợt dịch tại Việt Nam, Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) vẫn khẳng định vị trí chủ lực tại thị trường nội địa với 51,7% thị phần vận chuyển hành khách. Trong 9 tháng năm 2020, Vietnam Airlines Group đã thực hiện an toàn tuyệt đối 46.700 chuyến bay, vận chuyển gần 11,9 triệu lượt hành khách và 146.000 tấn hàng hoá.

“Tuy quý III/2020 ghi nhận sự tăng trưởng tích cực về sản lượng vận chuyển hành khách so với quý II, nhưng do các hãng hàng không trong nước tăng tải ồ ạt, đồng thời thực hiện nhiều chương trình kích cầu nhằm thúc đẩy du lịch theo mục tiêu lớn của Chính phủ và thị trường hàng không quốc tế chưa được khai thác trở lại nên hiệu quả trực tiếp cho Vietnam Airlines Group còn ở mức độ rất hạn chế”, ông Đặng Anh Tuấn thông tin.

Theo báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh vừa được Vietnam Airlines thông tin, tổng doanh thu hợp nhất trong 9 tháng năm 2020 của Vietnam Airlines ước đạt 23.948 tỷ đồng. Mặc dù vậy, mức lỗ hợp nhất dự kiến ở mức 10.750 tỷ đồng; trong đó mức lỗ của công ty mẹ là hơn 8.700 tỷ đồng.

Đối với đơn vị thành viên là Jetstar Pacific (từ tháng 7/2020 đổi tên là Pacific Airlines), giải trình tại cuộc họp mới đây, đại diện Vietnam Airlines cho biết, thời gian qua Pacific có chỉ số kinh doanh cũng không mấy sáng sủa, theo đó hãng này cả năm nay ước kế hoạch lỗ khoảng 1.600 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines đánh giá, từ nay đến cuối năm, dự báo lượng hành khách sẽ bay tương đương cùng kỳ năm trước, thậm chí tháng 12, nếu như Việt Nam không có các đợt dịch bệnh mới, lượng khách sẽ cao hơn so với cùng kỳ, nhưng doanh thu chỉ ở mức khoảng 70 – 75% so với năm 2019.

Mặt khác, do các yêu cầu về cơ sở cách ly, quy trình và điều kiện cách ly… nên đến thời điểm hiện tại, các chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Vietnam Airlines dự báo từ nay đến cuối năm, bức tranh này cũng không thay đổi nhiều.

Khó khăn, lỗ nặng từ đầu năm đến nay, câu hỏi đặt ra là đến khi nào sức chịu đựng Vietnam Airlines sẽ cạn?

Trong một cuộc họp thông tin với báo chí gần đây, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính của Vietnam Airlines cho hay: “Các hãng hàng không nếu đúng nghĩa lỗ thì hết tiền là đương nhiên, trong bối cảnh đó phải đi vay, nhưng vay không phải dễ; các khoản nợ phải xin giãn hoặc đơn phương chậm trả theo khả năng tài chính của mình. Khi nào ngành hàng không chưa có tín hiệu phục hồi, chưa có giải pháp căn cơ thì khi đó hãng sẽ không hoạt động liên tục được. Hết tháng 9 vừa qua, Vietnam Airlines còn khoảng 1.900 tỷ đồng nhưng vay ngắn hạn tăng lên, nợ quá hạn được giãn hoãn cũng tăng lên tương ứng”.

Ông Trần Thanh Hiền dẫn chứng việc Hiệp hội Hàng không thế giới (IATA) dự tính năm 2020 lượng khách luân chuyển trên toàn thế giới giảm 54,7% so với năm 2019, doanh thu mất 419 tỷ USD và các hãng hàng không lỗ trên 84 tỷ USD. Trong khi đó, trong khu vực đã các hàng không của ba nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia phải xin cấu trúc lại để không rơi vào phá sản.

“Trên thế giới, nhiều hãng hàng không phải bán tài sản. Điển hình như hãng hàng không Korean Air phải bán nhiều doanh nghiệp thành viên, kể cả doanh nghiệp hết sức chủ chốt như suất ăn, bảo dưỡng. Thậm chí có hãng bán cả trụ sở và thuê lại… để có thể sống sót”, ông Trần Thanh Hiền thông tin.

Trưởng Ban Tài chính Vietnam Airlines cho biết thêm, đến thời điểm này, Vietnam Airlines đã chủ động cắt giảm tới 5.335 tỷ đồng; trong đó có phần cắt giảm khó ra quyết định nhất là chi phí tiền lương, nhân công. Cùng đó, hãng cũng làm việc với ngân hàng để tái cơ cấu khoản vay, lùi thời hạn trả nợ về sau. Nếu phải trả nợ thì tiền sẽ hết ngay; đàm phán với đối tác để giãn tiến độ thanh toán hơn 4.200 tỷ đồng (đến cuối năm con số này dự kiến tăng lên đến 6.000 tỷ đồng). Đây là cách để Vietnam Airlines có thể đảm bảo thanh khoản, duy trì hoạt động và sống sót.

Mới đây, Vietnam Airlines đã có báo cáo kiến nghị Chính phủ hỗ trợ với tư cách là chủ sở hữu của hãng (vốn Nhà nước chiếm tới 86%) đề nghị vay quy mô tối thiểu ít nhất 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp, thời gian vay tối thiểu là 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ.

Hãng cũng kiến nghị phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng, Nhà nước sử dụng các nguồn vốn Nhà nước hoặc giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)/Doanh nghiệp Nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của Nhà nước, quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo đạt 12.000 tỷ đồng.

Đối với Hãng hàng không thế hệ mới Vietjet Air, báo cáo tài chính quý III/2020 vừa được hãng này công bố đã ghi nhận doanh thu từ dịch vụ vận tải hàng không tăng so với quý II/2020.

Theo đó, với hoạt động chính là vận tải hàng không bị tác động lớn bởi dịch COVID-19, báo cáo tài chính ghi nhận doanh thu dịch vụ vận tải hàng không 2.802 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lỗ 926 tỷ đồng. Kết quả hợp nhất quý III cũng ghi nhận doanh thu đạt 2.809 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lỗ 971 tỷ đồng.

Để vượt qua khó khăn thời gian qua Vietjet Air đã liên tục cho ra mắt các sản phẩm mang lại giá trị mới cho hành khách cùng nhiều chương trình khuyến mãi. Ngoài hạng vé Skyboss và Eco, Vietjet Air đã công bố hạng vé mới Deluxe với các dịch vụ đi kèm khác biệt được thiết kế riêng cho các phân khúc khách hàng khác nhau, đáp ứng nhu cầu của hành khách, tăng nguồn thu dịch vụ ngoài giá vé.

Cùng đó, để tăng thêm nguồn thu bù đắp hoạt động cốt lõi là vận tải bị giảm sút, Vietjet Air tiếp tục mở ra các giải pháp kinh doanh mới như tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không Nội Bài để giảm chi phí vận hành, tăng nguồn thu dịch vụ phụ trợ tại sân bay, kiểm soát tốt hơn chất lượng dịch vụ khách hàng.

Ngoài ra, Vietjet Air đang tiếp tục triển khai các chương trình tiết kiệm chi phí, tiếp tục đàm phán với các nhà cung cấp; trong đó giảm chi phí hoạt động thuê tàu bay, chi phí bảo trì bảo dưỡng và tối ưu các chi phí khai thác theo giờ bay, với bình quân chi phí hoạt động giảm từ 50% tới 70%.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, với sự hỗ trợ của Chính phủ đã góp phần giảm áp lực cho các hãng hàng không. Theo Thông tư 19/2020/TT-BGTVT ngày 1/9/2020 của Bộ Giao thông Vận tải các hãng hàng không được giảm 50% chi phí hạ cất cánh, phục vụ mặt đất và điều hành bay, giúp các hãng tiết kiệm chi phí. Khả năng Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ giảm thuế môi trường nhiên liệu bay và giảm phí phục vụ mặt đất, hạ cất cánh kéo dài đến hết năm 2021 và thực hiện chương trình cho vay ưu đãi.

Trong dự thảo gói hỗ trợ lần 2 cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng hướng trọng tâm, trọng điểm vào các giải pháp, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không. Cụ thể là đề xuất Chính phủ bảo lãnh các khoản vay cho các doanh nghiệp hàng không; nghiên cứu cơ chế cho Tổng Công ty Kinh doanh và đầu tư vốn nhà nước (SCIC) được phép đầu tư vào các doanh nghiệp hàng không theo hướng cho phép thực hiện quy chế đặc thù để bảo đảm tách bạch kết quả hoạt động đầu tư này với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh chung của doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường năm 2021 đối với nhiên liệu bay. Theo tính toán, giải pháp này có thể khiến số thu ngân sách giảm khoảng hơn 2.400 tỷ đồng nhưng có tác dụng giúp các hãng hàng không giảm chi phí đầu vào, giảm áp lực về dòng tiền để duy trì hoạt động.

Quang Toàn (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/giai-phap-nao-cuu-cac-hang-hang-khong-viet-nam-20201111123543702.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu