Chủ Nhật, 19/01/2025 02:31 (GMT +7)

Giải pháp nào huy động nguồn vàng và USD trong dân?

Thứ 3, 01/08/2017 | 15:07:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Hiện nay, nguồn vàng và USD trong dân còn rất lớn, trong khi nền kinh tế rất cần vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có giải pháp thu hút nguồn vàng và USD trong dân. Hiện nay, nguồn vốn này còn rất lớn, trong khi nền kinh tế rất cần vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nếu không huy động nguồn vốn này thì rất lãng phí.

giai phap nao huy dong nguon vang va usd trong dan hinh 1
Ảnh minh họa: KT

Đây là chủ trương đúng và tích cực, được nhiều người dân, doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế ở Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ. Vấn đề cốt lõi đang nằm ở khâu giải pháp để “hút” nguồn vốn này.

Anh Nguyễn Khắc Hữu kinh doanh vật liệu xây dựng ở quận Thủ Đức, tích lũy được một số vốn kha khá dành mua vàng và USD. Anh Hữu cho biết, sở dĩ anh không chuyển vàng, USD thành Việt Nam đồng và gửi ngân hàng vì lo lạm phát và lãi suất tiền gửi chưa hấp dẫn. Anh Hữu tin rằng, giữ vàng và USD tuy không có lãi nhưng bảo tồn được vốn trước những biến động của thị trường tiền tệ.

Về việc sắp tới các ngân hàng thương mại huy động vàng và USD, anh Hữu nhận định: Bây giờ gửi USD và vàng ở ngân hàng không có lợi ích cho người dân, vì thế người có vàng và USD không muốn gửi. Nếu ngân hàng có chính sách lãi suất gửi USD và vàng từ 0,25% -0,5% thì người dân cũng có thể đem gửi để hưởng lãi suất.

Nếu mức lãi suất vàng và USD hợp lý thì người dân sẽ mang 2 loại tài sản này gửi ngân hàng. Vấn đề đặt ra là nếu ngân hàng huy động vàng và USD lãi suất cao thì liệu tình trạng vàng hóa và đô la hóa trên thị trường sẽ quay trở lại?

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phải dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn và kiểm soát tốt được tình trạng này. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhắc đến một rủi ro nữa khi ngân hàng huy động vàng là giá vàng biến động khó lường. Chính vì vậy mà nhiều quốc gia phát triển trên thế giới rất ngại việc huy động vàng.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Hạc, Phó Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các ngân hàng huy động vàng thì phải bán vàng lấy tiền cho vay, nếu giá vàng biến động mạnh cũng rất rủi ro. Vì vậy, các ngân hàng phải sử dụng công cụ phái sinh để giảm rủi ro.

Theo một số chuyên gia kinh tế, huy động vàng và USD là cách gián tiếp huy động vốn qua hệ thống, ngân hàng. Còn cách huy động vốn trực tiếp là qua kênh chứng khoán. Cách tốt nhất để người dân không giữ vàng và USD mà chuyển sang Việt Nam đồng là kinh tế vĩ mô ổn định, đồng thời có nhiều kênh đầu tư hiệu quả hơn để người dân đầu tư, trong đó có kênh chứng khoán.

Có thời điểm, tại Thành phố Hồ Chí Minh, chứng khoán đã là một kênh này huy động vốn khá tốt phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ kỹ thuật cơ điện lạnh REE khi bán cổ phần năm 1993 có vốn điều lệ chỉ 16 tỷ đồng thì nay vốn này lên cả ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, để huy động được nguồn vốn của dân và nhà đầu tư “chảy” vào kênh chứng khoán thì phải có hàng hóa phong phú, chất lượng và thị trường cần cải thiện tính công khai, minh bạch hơn nữa. Hệ thống ngân hàng cũng cần tạo lập thị trường tiền tệ mở rộng hoạt động liên tục, tính thanh khoản cao hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trường Đại học Tài chính Marketing phân tích: Các ngân hàng thương mại có thể phát hành trái phiếu để huy động ngoại tệ, USD hoặc huy động lãi suất để người dân gửi tiền. Trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi đó có thể chuyển nhượng giữa các người dân. Nếu chuyển nhượng được thì người ta có thể chấp nhận mua kỳ hạn dài hơn.

Để vàng và USD nằm im trong dân là sự lãng phí rất lớn. Tuy nhiên, để huy động được nguồn vốn này vào hệ thống ngân hàng thì cần sự điều hành hợp lý của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất huy động. Điều đó cùng với một số điều kiện cần thiết khác sẽ giúp các ngân hàng huy động được nguồn vốn dài hạn trong dân, tránh tình trạng “chôn vốn” như hiện nay./.

Lệ Hằng/VOV-TP HCM

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu