Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 11:23 (GMT +7)
Giải pháp quản lý nguồn nước và phòng chống thiên tai ở ĐBSCL
Thứ 6, 27/10/2017 | 14:51:00 [GMT +7] A A
Do còn thiếu sự kết nối giữa các quy hoạch, chưa đặt trong một bài toán tổng thể với tầm nhìn dài hạn… nên công tác quản lý tài nguyên nước và phòng chống thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long đã bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi giải pháp hữu hiệu hơn.
Hạn chế và thách thức
Đề cập đến chiến lược “sống chung với lũ” được thực hiện hơn 20 năm qua, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, GS.TSKH Đào Xuân Học cho rằng, số lượng đê bao, bờ bao và cụm tuyến dân cư xây dựng quá nhiều, bao gồm gần 20.000km đê bao chống lũ để bảo vệ trên 6.000 ô ruộng sản xuất 3 vụ; 17.760km đê bao chống lũ sớm bảo vệ 4.513 ô ruộng sản xuất 2 vụ.
Mưa gây ngập đường Nguyễn Hồng Đào-Bàu Cát, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Những tuyến đê này gây cản trở dòng chảy, chiếm dung tích trữ lũ làm cho mực nước trong nội đồng dâng cao gây ngập úng hầu hết các thành thị và làng mạc thuộc khu giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng năm 2011, hơn 2.078km trên tổng số 13.347km tuyến dân cư đã xây dựng bị ngập lũ.
Mặt khác, sự hạ thấp mực nước ngầm ở các đô thị và bán đảo Cà Mau ở mức 70cm/năm là rất nghiêm trọng, kéo theo hiện tượng lún sụt đất tại các đô thị và đồng bằng ở mức 2-3cm, gấp 5-7 lần tốc độ nước biển dâng. Đây là một trong những nguyên nhân chính gia tăng úng ngập các đô thị ở Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Mặt khác, do không có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, năng suất và sản lượng vùng nuôi trồng thủy sản ven biển không ổn định, dịch bệnh tàn phá các khu nuôi, tạo nên cuộc sống bấp bênh của người nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong bảo vệ người dân, ổn định đới bờ nhưng đã giảm tới 80,4% diện tích trong 50 năm qua. Những trạng thái thời tiết cực đoan ngày càng xuất hiện nhiều hơn, gây ra những tổn thất rất lớn và khó lường.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống hồ chứa thủy điện đã và sẽ xây dựng trên lưu vực sông Mê Kông là 144 hồ, lưu vực sông Đồng Nai 22 hồ với tổng dung tích chiếm gần 26-30% tổng lượng dòng chảy bình quân. Dẫn đến lưu lượng dòng chảy trung bình mùa lũ sẽ giảm, song lưu lượng dòng chảy lũ lớn nhất vẫn tăng cao làm lòng sông thay đổi, cùng với sự sụt giảm khoảng 60-75% hàm lượng phù sa tiếp tục gây xói lở ven sông, kênh rạch và ven biển ngày càng nghiêm trọng.
Chủ động sống chung với lũ
Để khắc phục những hạn chế trong quản lý, khai thác được các lợi ích của lũ, GS.TSKH Đào Xuân Học đề xuất chuyển đổi từ chiến lược “Sống chung với lũ” sang chiến lược “Chủ động sống chung với lũ”. Theo đó, chủ động đưa lũ vào ruộng vườn để vệ sinh đồng ruộng và cải tạo đất, lấy phù sa bồi bổ đất, nâng cao mặt đất; lấy nước ngọt bổ sung cho tầng nước ngầm; giữ gìn sự đa dạng sinh học, khai thác nguồn lợi thủy sản…
Để kiểm soát được đỉnh lũ lớn cực đoan, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ cần một hệ thống đê (sử dụng hệ thống giao thông hiện có) dọc hai sông lớn và một hệ thống cống, bao gồm cống và âu thuyền. Cống được thiết kế rộng bằng mặt cắt kênh, được mở thường xuyên cho nước chảy vào và phục vụ cả giao thông thủy. Hệ thống cống chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát đỉnh lũ với những trận lũ lớn cực đoan, hạn chế lũ sớm để bảo vệ lúa Hè Thu và đóng cống cuối vụ để tiêu nước trong đồng đối với những năm lũ muộn. Âu thuyền phục vụ giao thông thủy khi cống làm nhiệm vụ kiểm soát lũ.
Với giải pháp này, không cần phải xây dựng thêm đê bảo vệ các thành phố, làng ấp, không cần đê chống lũ hai vụ và cũng không cần kinh phí để nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hệ thống đê nội đồng và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật sau mỗi năm lũ lớn. Ngoài ra còn giúp tăng lưu lượng nước cho mùa kiệt vào đồng, tăng mực nước nhỏ thành lũ trung bình nhờ công tác quản lý khi có hệ thống cống ở hai đầu kênh. Như vậy, theo chiến lược này, tổng chiều dài đê ngăn lũ trước mắt và lâu dài chỉ ở mức 1.200km so với 57.000km đê của phương án đê bao như hiện nay.
Về giải pháp giảm thiểu sạt lở, chống ngập úng cho Đồng bằng sông Cửu Long, trước hết là không khai thác nước ngầm. Tại các khu đô thị mới, cần quy định dành 10% quỹ đất để đào hồ sinh thái nhằm lấy đất để san lấp nền (giúp giảm nhu cầu khai thác cát từ sông khoảng 60-80%), vừa chống ngập úng khi mưa lớn và cung cấp nước sinh hoạt, vừa cải tạo khí hậu cho các khu đô thị, tiến tới xây dựng các “đô thị và làng sinh thái” là giải pháp đa mục tiêu cho Đồng bằng sông Cửu Long về lâu dài.
Thích ứng với xâm nhập mặn và thiên tai
Trong kế hoạch chuyển đổi cây trồng vật nuôi để thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đã vận động người dân nuôi vịt biển thay vì trồng lúa. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN |
TS Hoàng Ngọc Phong, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam phân tích: Thích ứng linh hoạt với các tác động do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thực hiện phương châm sống chung với hạn, mặn và thiên tai là yêu cầu bức thiết nhằm đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, phải có chiến lược và phương án sử dụng tổng hợp, tiết kiệm nước cho toàn vùng và phương thức chung sống thích ứng với hạn, mặn phù hợp với từng tiểu vùng, từng vị trí địa lý, từng điều kiện khu vực dân cư.
Bởi vậy, nếu hình thành được các cống lớn ngăn tất cả các cửa sông nơi đây (trừ sông Hậu), sẽ ngăn được xâm nhập mặn vào sâu trong nội địa và trữ được nước ngọt trong giai đoạn hiện nay. Đối với vùng Bán đảo Cà Mau do chưa có nguồn cấp nước cho vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và chất lượng nước không tốt, người dân nuôi trồng đã khai thác nước ngầm quá mức, dẫn đến sụt lún nghiêm trọng tới 2-3cm/năm. Vì vậy, giải quyết cấp nước ngọt chủ động cho vùng nuôi trồng thủy sản nơi đây cần nghiên cứu giải pháp cung cấp động lực, đi đôi với giải pháp xây dựng hồ chứa nước ngọt tại vùng biển Kiên Giang.
Để giảm thiểu thiệt hại do nước biển dâng, bão lớn, siêu bão, song thần…vào Đồng bằng sông Cửu Long, việc hình thành tuyến đê biển theo tuyến đường ven biển là cần thiết.. Tuyến đê biển ngoài nhiệm vụ ngăn chặn nguy cơ nước biển dâng do biến đổi khí hậu, ngăn chặn nước dâng do bão tố, còn có nhiệm vụ phân ranh giới mặn, ngọt và kết hợp xây dựng các cơ sở hạ tầng khác. Đồng thời, hướng tới một vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, chuyên canh công nghiệp đang là nhu cầu cấp thiết của vùng này.
Để đồng bộ và thống nhất trong quản lý tài nguyên nước tại Đồng bằng sông Cửu Long, tại Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đã đề nghị Chính phủ cho nghiên cứu thành lập một số công ty quản lý và khai thác công trình thủy lợi liên vùng, như vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười, vùng Bán đảo Cà Mau, vùng cửa sông và vùng ven biển.
Ý kiến ()