Thứ Hai, 20/01/2025 10:02 (GMT +7)

‘Giải quyết xe quá tải cần triệt để, liên tục’

Thứ 7, 22/04/2017 | 15:22:00 [GMT +7] A  A

Sau thời gian vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, tình trạng xe chở quá tải trọng đã giảm mạnh. Tuy nhiên những tháng đầu năm 2017, tình trạng xe quá tải lưu hành bắt đầu xuất hiện trở lại tại một số địa phương, đặc biệt là những nơi có mỏ vật liệu.

Xe quá tải làm sập hoàn toàn nhịp giữa Cầu Kinh Nhất (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Ông có thể cho biết tình hình kiểm soát xe chở quá tải trọng trên toàn quốc thời gian qua?

Có thể nói hiện nay xe quá tải, đặc biệt là xe quá tải đường dài đang có diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Tình trạng xe quá tải, xe cơi nới kích thước thành thùng xe để chở hàng quá tải đã tái diễn và ngày càng phức tạp, hoạt động công khai trên các quốc lộ, đặc biệt là trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 14, Quốc lộ 6, Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 5,… và các đường bộ nối những nơi sản xuất vật liệu, khai thác mỏ, nhà máy xi măng đến công trường, dự án đang xây dựng của một số địa phương khác.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có việc nhiều trạm cân tải trọng xe lưu động đang bị tạm dừng.

Lý do là sau khi Kế hoạch phối hợp liên ngành 12593/KHPH-BGTVT-BCA (Kế hoạch 12593) ngày 21/11/2013 giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an về phối hợp thực hiện việc tuần tra kiểm soát xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng của ô tô kết thúc vào tháng 9/2016.

Khi đó, lực lượng cảnh sát giao thông nhiều tỉnh, thành phố đã rút khỏi lực lượng kiểm tra tải trọng liên ngành ở trạm cân, chỉ còn lực lượng thanh tra giao thông.

Do chỉ còn một lực lượng nên đến thời điểm này nhiều trạm cân tải trọng ở nhiều địa phương đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Cụ thể đã có 23/64 trạm cân trên cả nước ngưng hoạt động; 41 trạm còn lại dù đang duy trì hoạt động nhưng cũng cầm chừng và có nguy cơ dừng bất kỳ lúc nào.

Tuy nhiên cũng phải ghi nhận dù lực lượng cảnh sát giao thông đã rút, không còn phối hợp tại các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, nhưng nhiều địa phương cũng như các đơn vị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã củng cố lực lượng, tiếp tục duy trì hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định, kết hợp cân xách tay tăng cường kiểm soát tải trọng xe tại các cơ sở đầu nguồn hàng, mỏ vật liệu, các cảng nội địa…

Qua kiểm tra theo dõi, tại những đoạn đường còn duy trì trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động thì lượng xe quá tải đã được ngăn chặn. Do đó, việc duy trì các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên toàn quốc là hết sức cần thiết.

Vừa qua, Tổng cục trưởng đã trực tiếp đi kiểm tra tại môt số địa phương được phản ánh tình trạng xe quá tải tái xuất hiện. Vậy qua thực tiễn kiểm tra này, ông có nhận xét gì?

Vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, và đích thân Tổng cục trưởng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra xe quá tải tại các địa phương được phản ánh đang nóng về vấn đề này. Qua kiểm tra đã có hàng chục xe quá tải bị phát hiện và xử lý vi phạm.

Điều rút ra được sau chuyến đi này là tình trạng xe quá tải mặc dù đã giảm mạnh nhưng vẫn còn nhức nhối tại một số địa bàn, nhiều địa phương đã buông lỏng công tác kiểm soát tải trọng xe.

Trong khi các xe tải đường dài đã chấp hành đúng quy định, một số xe quá tải chạy tuyến ngắn, chở vật liệu xây dựng tại các mỏ đất đá, các xe phục vụ các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng vẫn cố tình vi phạm và thường có sự che chở, buông lỏng, làm ngơ của các cấp chính quyền địa phương.

Xử lý xe quá tải lưu thông trên tuyến đường DH 56 và đê bối qua địa bàn các xã Đông Ninh và Đại Tập (Khoái Châu, Hưng Yên).

Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN

Vậy các giải pháp mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ triển khai trong thời gian tới là gì để kiểm soát tải trọng phương tiện trên toàn quốc, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Huyện: Quan điểm của Tổng cục Đường bộ là giải quyết xe quá tải là phải làm triệt để vì nếu không làm triệt để chỉ cần một xe chở quá tải lưu thông trên đường cũng có thể phá hỏng kết cấu hạ tầng giao thông.

Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có kiến nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xem xét, đánh giá lại và tiếp tục thực hiện Kế hoạch 12593.

Trong khi chờ đợi khôi phục lại Kế hoạch 12593, trước mắt, Tổng cục đề nghị UBND các tỉnh yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg năm 2016 về tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.

Các Sở Giao thông Vận tải cần tập trung sắp xếp lại lực lượng, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng công an đưa trạm cân lưu động hoạt động trở lại.

Trong trường hợp không có cảnh sát giao thông và lực lượng cảnh sát khác thì thanh tra giao thông chủ động thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ tại trạm. Đồng thời, sử dụng cân xách tay để kiểm soát tải trọng trên các hệ thống đường bộ thuộc địa bàn của địa phương.

Về giải pháp lâu dài, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng sớm ban hành mô hình trạm kiểm tra tải trọng xe cố định. Theo đó, các trạm thu phí sẽ lắp đặt các trạm cân cố định, các xe đi qua trạm cân đều bị kiểm tra hết và kết quả sẽ được truyền về các Sở giao thông Vận tải để xử phạt nguội.

Sau khi các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định được hoàn thiện đưa vào hoạt động, các lực lượng chức năng liên ngành sẽ thực hiện kiểm soát tải trọng xe tại các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định.

Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động sẽ chuyển sang kiểm soát tải trọng xe ở những đoạn quốc lọ không có trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và các tuyến đường bộ địa phương thường xuyên có xe quá tải hoạt động.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền pổ biến giao dục pháp luật về kiểm soát tải trọng phương tiện, trong đó phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp kinh doanh vận tải về kiểm soát tải trọng phương tiện.

Xin cám ơn ông!

Quang Toàn/TTXVN (thực hiện)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu