Tất cả chuyên mục
![](https://media.la34.com.vn/upload/files/logo/Logo_LA34.svg.png)
Được triển khai thực hiện vào tháng 5/2018, mô hình “Chai nhựa yêu thương” tại Chi hội phụ nữ khu phố Thọ Cang, phường 5, TP. Tân An từng bước phát huy hiệu quả. Mô hình không chỉ dừng lại ở ý nghĩa tích cực tuyên truyền, vận động chị em, hội viên phụ nữ thực hiện việc phân loại rác thải, thu gom vỏ chai nhựa để xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ hội viên, phụ nữ, trẻ em khó khăn; mà còn mang ý nghĩa thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường sống, chung tay xây dựng văn minh đô thị tại địa phương. Những hoạt động, cách làm hay của mô hình đã từng bước lan tỏa và nhân rộng địa bàn phường.
Các chị thu gom chai nhựa, rác sinh hoạt tái chế để quyên góp cho mô hình
Việc thành lập mô hình “Chai nhựa yêu thương” nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của đông đảo chị em phụ nữ khu phố Thọ Cang. Theo đó, để mô hình thu hút được các chị hội viên tham gia, tại các buổi sinh hoạt Hội LHPN phường và Chi hội phụ nữ khu phố đều lồng ghép, chuyển tải các nội dung, thông diệp truyền thông về: nước sạch, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe, dân số kế hoạch hóa gia đình, phụ nữ với pháp luật, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, chăn nuôi sạch… Ngoài ra, Hội còn vận động các hội viên tích cực tham gia các hoạt động ngày chủ nhật xanh, vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, vệ sinh đường làng, ngõ phố, trồng cây xanh, trồng hoa trên các tuyến đường… tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Thu gom chai nhựa để gây quỹ của chị em phụ nữ khu phố Thọ Cang, phường 5
Mô hình không chỉ tác động thay đổi nhận thức, hành vi trong công tác bảo vệ môi trường cho các thành viên, hội viên phụ nữ và người dân mà còn mang ý nghĩa nhân văn. Mặc dù bận rộn với công việc gia đình và xã hội, nhưng các chị em tham gia mô hình vẫn không quên việc làm hàng ngày là phân loại rác thải, thu gom chai nhựa, rác sinh hoạt tái chế để quyên góp cho mô hình. Không chỉ vậy, các chị còn hình thành thói quen hễ thấy chai nhựa vứt đi là nhặt mang về đóng góp. Sau 1 – 2 tháng đầu bỡ ngỡ, việc thu gom rác, vỏ chai nhựa để bán đã được chị em trong khu phố tích cực tham gia. Từ những vật dụng bỏ đi của gia đình như: vỏ chai nước ngọt, nước mắm, dầu ăn, thùng giấy, thau nhựa hỏng… được chị em gom, phân loại trong 1 tuần. Việc làm tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, số tiền thu được từ mô hình này sẽ được hỗ trợ cho những chị em học sinh có khó khăn tại địa phương. Hơn nữa, đây còn là dịp để chị em trong khu phố gặp gỡ nhau, hàn huyên, chia sẻ sau 1 tuần vất vả với công việc nên chị em rất nhiệt tình hưởng ứng.
Mô hình nhỏ nhưng hiệu quả lớn, biến rác thành tiền vừa giúp nhà nhà sạch sẽ, bảo vệ cảnh quang môi trường khỏi rác thải, vừa giúp Chi hội có thêm kinh phí, thêm nhiều việc làm ý nghĩa, tiếp sức cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thiết nghĩ, mô hình cần được nhân rộng trên địa bàn toàn thành phố để không những hội viên mà để mọi người hiểu được lợi ích của việc bảo vệ môi trường, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng xã văn hóa – nông thôn mới, phường văn minh đô thị./.
Kim Ngân-Lê Quang
Ý kiến ()