Thứ Tư, 08/01/2025 23:02 (GMT +7)

Giữ lại hương vị Tết cổ truyền Hà Thành

Thứ 7, 17/02/2018 | 15:40:00 [GMT +7] A  A

Mỗi dịp Tết cổ truyền về cũng là lúc mọi người sống chậm lại, tĩnh tâm hơn để nhìn về nguồn cội, gia phong, nâng niu ký ức. Hàng trăm năm nay, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, dù các nếp cũ có phần bị tác động nhưng qua thời gian sàng lọc, các giá trị thuộc về truyền thống của Hà Thành xưa vẫn được gìn giữ, nhiều nét sinh hoạt văn hóa đã quay trở lại sau thời gian mai một.

Từ câu chuyện chiếc bánh chưng xanh
Gia đình quây quần dịp cuối năm, gói bánh chưng xanh đón Tết. Ảnh minh họa: Ngọc Duy-CTV.
Nhớ thời điểm cách đây khoảng 10 – 20 năm, thời mà đồ ăn Tết bắt đầu thực hiện theo kiểu công nghiệp hóa, có sự phân công lao động trong xã hội, nhiều gia đình bỏ thói quen gói bánh chưng vì bận rộn, rườm rà, mất thời gian. Khi đó, bánh chưng Tết của các gia đình Hà Nội được cung cấp từ các cơ sở, hộ kinh doanh, các làng nghề làm bánh chưng ở ven đô. Chỉ vài chục phút đi chợ là có thể mua bánh với số lượng không giới hạn, đủ các loại bánh mặn, bánh ngọt, bánh chưng gấc…
Nhưng qua nhiều cái Tết, sự hoan hỉ chẳng được bao lâu người ta nhận ra rằng, sử dụng bánh chưng sản xuất hàng loạt chỉ có tính tiện lợi, hương vị và vệ sinh thực phẩm chưa hẳn đã đảm bảo. Nhưng quan trọng hơn, không khí ngày Tết xum vầy bên nồi bánh chưng không còn. Trẻ nhỏ mất sự háo hức, người lớn không còn tất bận nhưng hứng khởi lúc gói bánh, chạy đi chạy lại trông ngồi bánh luộc trên bếp lửa. Rồi mất cả những ánh mắt ánh lên niềm vui khi vớt bánh chưng nghi ngút khói trong nồi ra, ngó xem cái nào vuông vắn, cái nào chưa đẹp. Vậy nên, 5 – 7 năm trở lại đây, phong tục gói bánh chưng ngày Tết được nhiều gia đình Hà Nội khôi phục lại như để gìn giữ hương vị ngày Tết.
Bác Nguyễn Văn Nam, phố Đội Nhân, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, một vài năm trước gia đình bác thường đặt mua bánh chưng dịp Tết nhưng bác cảm thấy thiếu vắng sự đầm ấm, vui vẻ, thiếu không khí ngày Tết. Vì vậy, dù bận rộn đến đâu, giờ đây bác và các cháu trong nhà cũng cố gắng gói bánh, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa giữ được nét cổ truyền.
Ở Hà Nội đất chật nên các gia đình thân cận thường rủ nhau gói bánh chưng ở các nhà có sân rộng. Thậm chí, họ còn đưa bếp trên sân thượng nhà cao tầng để đun hoặc mang ra cả vỉa hè nơi ít sử dụng để luộc bánh. Nhìn ánh lửa bập bùng, nồi bánh chưng nghi ngút khói khiến bất cứ ai cũng ấm lòng lại.
Đến những tà áo dài truyền thống
Có lẽ 5- 6 năm trở lại đây, người ta nhận thấy sự quay trở lại với tà áo dài truyền thống và cách tân của người Hà Nội vào những ngày Tết cổ truyền khá mạnh mẽ . Không chỉ dừng lại ở những sự kiện, những ngày lễ… áo dài còn theo bước chân người chơi Xuân. Dạo quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Thung lũng hoa hồ Tây, khu bãi đá sông Hồng, vườn hoa Nhật Tân… trong những ngày Tết mới thấy rực rỡ sắc màu các tà áo dài. Trẻ nhỏ, thiếu nữ, trung niên và cả những người cao tuổi đều duyên dáng trong trang phục truyền thống, thậm chí có rất nhiều nam giới cũng chưng diện áo dài đi chơi Tết.
Là người rất am hiểu về áo dài từ truyền thống tới hiện đại, nhà thiết kế áo dài hàng đầuViệt Nam Lan Hương chia sẻ, xu hướng thời trang quay trở lại cội nguồn truyền thống là điều tất yếu vì mọi người đã hiểu biết nhiều về hội nhập và truyền thống, hiểu ra chân giá trị nằm ở đâu. Theo chị, chân giá trị được tôn vinh và bắt nguồn từ nguồn cội là chân giá trị bền vững nhất. Cũng là người thường xuyên mang áo dài Việt Nam đi trình diễn tại các nước trên thế giới, nhà thiết kế Lan Hương khẳng định bộ áo dài truyền thống của Việt Nam thực sự đẹp, không thua kém bất cứ xu hướng thời trang nào trên thế giới.
Mới đây, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội đã diễn ra chương trình Áo dài Tết với những mẫu áo dài thiết kế đặc biệt dành cho Tết Mậu Tuất. Tại đây, 300 bộ áo dài trong các bộ sưu tập xu hướng năm 2018 của một số nhà thiết kế đã được giới thiệu. Ngoài việc ra mắt những mẫu áo dài, chương trình còn tạo không gian cho người dân và du khách trải nghiệm mặc thử áo dài, hướng dẫn tạo dáng với áo dài cách tân, được ký họa hình của mình với trang phục áo dài. Buổi lễ đó, rất đông người dân tới tham dự, thưởng lãm trình diễn áo dài và xem các mẫu áo dài ưng ý.
Đưa tinh hoa quá khứ vào cuộc sống hiện đại
Thời gian gần đây, một số ý kiến cho rằng nên bỏ Tết âm lịch, ăn Tết theo dương lịch như phương Tây, tuy vậy đây chỉ là ý kiến thiểu số và ngay lập tức đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa cũng như cộng đồng nhân dân phản ứng. Bởi thực tế, Tết cổ truyền âm lịch chính là văn hóa, là truyền thống từ ngàn đời nay của dân tộc, là thời điểm mọi người sum họp, đoàn viên bên gia đình, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên. Tết cổ truyền không chỉ là niềm vui, sự háo hức của trẻ nhỏ mà còn là sự mong chờ của đa phần người lớn tuổi. Vào thời điểm này, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống được tổ chức gợi nhắc người ta trân trọng, gìn giữ nét đẹp vốn có của dân tộc.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, hiện nay con người cần có điều kiện ăn ở, học hành tốt nhưng người ta vẫn có đời sống tâm hồn. Ông cho rằng, Tết Nguyên đán mang hồn Việt rất rõ nên cần phải bảo tồn và điều này phụ thuộc rất nhiều vào từng gia đình, từng cá nhân trong xã hội.
Đồng quan điểm này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển – Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, là quê hương của lúa nước nên các cụ đã tính theo lịch xưa, Tết theo năm âm lịch. Giáo sư, Tiến sĩ Ngọc cũng cho rằng: “Tôi không nghĩ Tết âm lịch du nhập từ đâu tới mà là truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt Nam, cần phải bảo tồn. Quan điểm bỏ Tết âm lịch, ăn Tết theo dương lịch là tư duy ngược. Chúng ta phát triển hiện đại nhưng vẫn trên nền tảng truyền thống. Chúng ta bắt nhập với xu hướng công nghệ mới nhưng phải bảo tồn giá trị truyền thống thì sẽ có được phát triển bền vững. Tất nhiên, bảo tồn không có nghĩa thái quá. Việc lợi dụng phong tục tập quán, truyền thống, quay trở lại nguyên vẹn quá khứ đó là bảo thủ, cản trở phát triển. Điều quan trọng, sử dụng tinh hoa quá khứ vào cuộc sống hiện đại sẽ là sự phát triển lâu bền”.
Và dù cuộc sống có đổi thay, con người bước vào kỷ nguyên mới nhưng với người Hà Nội nói riêng và mỗi người dân đất Việt nói chung thì Tết cổ truyền vẫn là văn hóa truyền thống, là giá trị nguồn cội luôn được gìn giữ, trân trọng.
Đinh Thuận (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu