Thứ Bảy, 11/01/2025 21:40 (GMT +7)

Giúp bệnh nhân đái tháo đường biết tự quản lý căn bệnh

Thứ 7, 01/07/2017 | 18:20:00 [GMT +7] A  A

Ngày 30/6, tại Hà Nội, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, Đại sứ quán Pháp Viện Nghiên cứu Dược phẩm Servier Việt Nam (Servier Việt Nam) cùng các chuyên gia từ Cộng hoà Pháp đã triển khai dự án y tế cộng đồng “Ngày đầu tiên đái tháo đường – làm chủ cuộc sống mới”.

Dự án nhằm cải thiện việc tự quản lý bệnh của bệnh nhân ngay từ những ngày đầu, giúp nâng cao chất lượng điều trị, ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng và giảm thiểu chi phí điều trị, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh lý đái tháo đường và tầm quan trọng của việc tự quản lý bệnh sớm trong điều trị bệnh lý này.

Triển khai dự án “Ngày đầu tiên đái tháo đường-làm chủ cuộc sống mới”.

Đây là một hoạt động nhân dịp Chương trình Sinh hoạt Y khoa Pháp – Việt lần thứ 21 được tổ chức tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh đái tháo đường là một trong số những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế ở người và đang trở thành gánh nặng y tế và kinh tế cho cá nhân và toàn xã hội. Ban đầu, bệnh có diễn biến âm thầm, nhưng nếu không được phát hiện vào điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng gây ra những biến chứng nặng nề như: mù lòa, cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não và bệnh lý tim mạch. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 5 triệu ca tử vong do đái tháo đường.

Dự án “Ngày đầu tiên: Đái tháo đường – làm chủ cuộc sống mới” bao gồm các hoạt động: Giáo dục bệnh nhân tự quản lý đái tháo đường tại các bệnh viện, cơ sở điều trị…; cung cấp cho bác sĩ, nhân viên y tế phương pháp tư vấn tạo động lực cho bệnh nhân ngay từ ngày đầu tiên: Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, nhận thức và hành vi đối với sức khỏe của người bệnh là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy việc tiếp cận để những bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân mới được chẩn đoán đái tháo đường có được ý thức tự quản lý bệnh ngay từ ban đầu được xem là vấn đề then chốt của chương trình.

Cùng với đó, sẽ hệ thống hoá và cung cấp thông tin hỗ trợ bệnh nhân tự quản lý bệnh với nhiều hình thức xuất bản khác nhau: website ngaydautien.vn, bộ tài liệu trực quan cho bệnh nhân, các buổi giao lưu trực tuyến bệnh nhân – bác sĩ, đường dây nóng, ứng dụng trên điện thoại; cập nhật thông tin về chẩn đoán điều trị, kinh tế y tế, giáo dục về dinh dưỡng trong điều trị đái tháo đường đến bác sĩ Việt Nam. Và cuối cùng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh lý đái tháo đường và vai trò quan trọng của việc tự quản lý bệnh ngay từ ngày đầu tiên thông qua hoạt động truyền thông.

Tính đến cuối năm 2015, ở Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, trong đó, tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán vào khoảng 50%. Tỷ lệ bệnh nhân chưa kiểm soát đường huyết ở Việt Nam lên đến gần 60%.

Tại Việt Nam, mặc dù trình độ của cán bộ y tế và nhân viên trong khám chữa bệnh ngày càng cao, phương tiện điều trị ngày càng hiện đại, truyền thông về bệnh ngày càng phát triển, việc điều trị bệnh đái tháo đường vẫn còn gặp nhiều khó khăn do vấn đề tự quản lý bệnh của bệnh nhân Việt Nam còn chưa tốt. Điều đó làm ảnh hưởng không tốt đến chất lượng điều trị và tăng gánh nặng chi phí.

Do đó, vấn đề nâng cao nhận thức bệnh nhân tự quản lý bệnh kết hợp điều trị tích cực ngay từ những ngày đầu tiên kết hợp với việc sử dụng các thuốc trong danh mục thuốc thiết yếu do Tổ chức Y tế Thế giới WHO đóng vai trò quan trọng trong cải thiện chất lượng và giảm chi phí điều trị.

TN/Bao Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu