Thứ Sáu, 17/01/2025 22:11 (GMT +7)

Gỡ nút thắt để xử lý “cục máu đông” nợ xấu

Thứ 2, 15/05/2017 | 10:38:00 [GMT +7] A  A

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định về thẩm định giá khởi điểm của nợ xấu, tài sản bảo đảm nợ xấu. Bên cạnh đó, Dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu cũng sắp trình Quốc hội xem xét thông qua (phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 vào ngày 22/5).

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017, Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện Nghị định này, trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Nghị định sẽ quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn.Trước đó, đầu tháng 3/2017, NHNN đã lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu và tài sản sản đảm bảo của khoản nợ xấu có giá trị lớn.

Dự thảo Nghị định có 3 trường hợp phải thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng- TCTD Việt Nam (VAMC) tự đấu giá; thứ nhất là khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt mà khi xác định giá khởi điểm để đấu giá, VAMC không thỏa thuận được với TCTD bán nợ về giá khởi điểm; thứ hai là khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường; thứ ba là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà khi xác định giá khởi điểm để đấu giá, VAMC không thỏa thuận được với bên bảo đảm về giá khởi điểm.

Liên quan đến việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, Dự thảo Nghị định quy định rõ: VAMC thông báo công khai về việc thuê doanh nghiệp thẩm định giá ít nhất năm ngày làm việc trên Cổng thông tin điện tử của NHNN Việt Nam, Trang thông tin điện tử của VAMC để các doanh nghiệp thẩm định giá đăng ký tham gia.

Bên cạnh đó, VAMC ban hành, thực hiện và chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn, quy trình xem xét, quyết định lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá để thực hiện việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thực hiện theo quy định về Luật giá và quy định tại Nghị định này.

Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể về Hội đồng đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Theo đó, VAMC quyết định thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn theo quy định.

Liên quan tới các biện pháp xử lý nợ xấu, giới ngân hàng cũng đang kỳ vọng Nghị quyết về xử lý nợ xấu sẽ được ban hành và nhanh chóng có hiệu lực từ 1/7/2017. Ngày 22/5 tới, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp thứ 3, khóa 14.

Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì chiếm 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại

Theo báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố, tỷ lệ nợ xấu trong quý I/2017 phân hóa giữa các ngân hàng. Thống kê từ 10 ngân hàng bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB Bank, VIB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, Kienlongbank, BacABank tính đến hết quý I/2017 cho thấy tổng nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) của nhóm ngân hàng này đạt 50.695 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong đó, nợ xấu tăng chủ yếu ở nhóm 3 và nhóm 4, lần lượt là 13% và 18%, lên mức 15.749 tỷ đồng và 7.941 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn tuy giảm nhẹ 0,1% nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ xấu (53%) với 27.005 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia ngân hàng cho biết: Vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm. Quá trình xét xử, thi hành án với nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài làm cho việc xử lý nợ xấu thông qua tòa án rất chậm, chưa hiệu quả.

Nhiều khoản nợ xấu tại các TCTD đang bị kiểm soát đặc biệt có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố nên thời gian giải quyết bị kéo dài. Ngoài ra, cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn bất cập, gây nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, VAMC; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; thị trường mua bán nợ chậm phát triển…

Dự thảo Nghị quyết có 18 điều, gồm một số quy định chưa được quy định tại các luật hiện hành và một số quy định khác với quy định tại các luật hiện hành, thời hạn hiệu lực là 5 năm, kể từ ngày 1/7/2017. Theo đó, cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ cũng là nội dung được thể hiện tại Dự thảo.

Minh Phương/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu