Thứ Sáu, 24/01/2025 03:58 (GMT +7)

Gương sáng gia đình hiếu học

Thứ 2, 14/08/2017 | 16:03:00 [GMT +7] A  A

Dù khó khăn gian khổ, vừa đi dạy học vừa làm thêm mọi việc từ gặt lúa mướn, lưới cá… để kiếm tiền thì ông bà vẫn nuôi hy vọng các con học hành thành danh để có cuộc sống tốt hơn đời mình. Thế rồi, hạnh phúc cũng đến với gia đình nhà giáo nghèo ngày nào, khi cả 5 người con 4 trai và 1 gái đều được học tới nơi tới chốn, có việc làm ổn định. Đặc biệt hơn, khi ông bà có 2 trong 5 người con đạt học vị tiến sĩ. Đó là gia đình thầy Nguyễn Thành Văn ngụ Khu B, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa.

Gia đình thầy Nguyễn Thành Văn trong một buổi sum họp

Dù ở vào độ tuổi gần 70, thầy rất khỏe khoắn, từ tốn, vẫn nụ cười phúc hậu đúng như những gì tôi đã từng nghe những người xung quanh kể về thầy. Có gần 40 năm gắn bó với nghề giáo, có lẽ điều thầy cảm thấy hạnh phúc nhất bây giờ là đã dạy dỗ cả các con trở thành những người có ích cho xã hội. Thầy Văn từng làm công tác quản lý với vai trò hiệu trưởng trường cấp 2 Đức Lập, đến năm 1980 thầy được chuyển về công tác tại Phòng giáo dục và đào tạo huyện Đức Hòa phụ trách về công đoàn ngành. Năm 1991 thầy tiếp tục được phân công về làm hiệu trưởng trường Đức Lập Thượng A và cho đến năm 2007 thầy nghỉ hưu.

Để có được cuộc sống thanh nhàn như hôm nay, thầy Văn từng trải qua thời kỳ gian khổ của những ngày sau giải phóng khi đất nước còn nhiều khó khăn, cuộc sống người dân thiếu thốn mọi mặt. Với những đồng lương giáo viên của 2 vợ chồng thì chuyện đủ trang trải trong gia đình lo cho các con học hành là cả một gánh nặng, nhưng không vì thế mà thầy để các con thất học. Vợ thầy – cô Phan Thị Kim Hoàng cũng là một giáo viên, cô luôn là hậu phương vững chắc, vừa lo chuyện trường lớp vừa tất bật chăm sóc gia đình với 5 đứa con thơ đang tuổi ăn tuổi học để thầy an tâm hoàn thành tốt công tác và lo kinh tế gia đình.

Cơ ngơi của gia đình thầy hôm nay bắt nguồn từ một sạp báo nhỏ do thầy cô mở để tăng thêm thu nhập trang trải kinh tế gia đình, dần dần mở rộng bán văn phòng phẩm cho học sinh, các loại sách báo cho đến nhà sách Thành Văn hôm nay. Khó khăn vất vả là thế nhưng nhìn các con ngày một lớn khôn, chăm học, thương yêu nhau thầy cô lại càng có thêm động lực để làm việc. Thầy Văn chia sẻ: tôi luôn cố gắng nêu gương cho các con mình, giờ thì các con tôi đã ổn định thì lại lo và định hướng cho các cháu. Hiện nay gia đình tôi có tất cả là 22 thành viên; trong đó, 10 người con trai gái, dâu rể và 10 đứa cháu nội, ngoại. Trong đó, người con trai lớn là Nguyễn Thành Thi sinh năm 1970 có gia đình riêng và cuộc sống kinh tế ổn định; người con thứ 3 Nguyễn Thiên Phú sinh năm 1972 đạt học vị Tiến sĩ kinh tế tại Pháp và hiện là giảng viên trường Đại học Hoa Sen. Con trai thứ 5 là Nguyễn Thế Vinh sinh năm 1975 cũng là tiến sĩ từng là giảng viên Đại học bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay đã có gia đình đang định cư tại Mỹ và Cô con gái út là Nguyễn Thị Thùy Trang hiện là giáo viên đang công tác tại trường THCS Đức Lập, huyện Đức Hòa. Vợ chồng tôi hiện đang sống với người con trai thứ 4 là Nguyễn Thế Quý. Trước đây Quý là giáo viên nhưng do thấy sức khỏe của ba mẹ ngày một yếu muốn dành thời gian cho vợ chồng tôi nghỉ dưỡng, Quý nghỉ dạy cùng vợ tiếp nhận lại nhà sách mở rộng kinh doanh và lo phụng dưỡng ba mẹ.

BàTrương Thị Kim Tiến – Chủ tịch Hội khuyến học huyện Đức Hòa cho biết: trước đây gia đình thầy Văn rất nhiều khó khăn do đồng lương giáo viên thì chẳng có bao nhiêu mà nhà lại đông con, nhưng không muốn các con mình thất học thế là ông luôn cố gắng làm tất cả mọi việc, cũng nhờ vào sự giáo dục của vợ chồng thầy Văn mà các con ông bà luôn có ý thức học tập, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.

Với thầy Văn và cô Hoàng hạnh phúc lớn nhất bây giờ là được nhìn con cháu học hành tới nơi tới chốn, có việc làm ổn định, trở thành người có ích cho xã hội. Gia đình thầy Văn là một trong những điển hình tiên tiến đầu tiên của huyện Đức Hòa được tuyên dương gia đình hiếu học cấp tỉnh; tạo sức mạnh lan tỏa nhiều gia đình học tập khác trên địa bàn huyện, góp phần rất lớn trong công tác xây dựng mô hình học tập ở địa phương.

Quỳnh Trang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu